Làng nghề truyền thống

Phường Đúc Huế, làng nghề trăm năm đỏ lửa đúc Đồng

Trong đời sống tâm linh của người dân Huế, việc thờ cúng tổ tiên, đồ tự khí trang trọng bằng đồng hầu như không thể thiếu vắng trên bàn thờ của mỗi gia đình. Nghề đúc đồ tự khí ở phường Ðúc vì vậy mà tồn tại, phát triển gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng; đồng thời chú trọng đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ tiêu dùng hay trưng bày như những món nội thất quý giá trong nhà.

Làng nghề đúc đồng (Làng Đúc) ra đời từ khoảng thế kỷ 17. Sách Ô Châu cận lục của tiến sĩ Dương Văn An viết năm 1553 có ghi lại rằng làng Đúc xưa thuộc làng Dương Xuân, tổng Vĩ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Đến thời vua Tự Đức (1847 – 1883) thì làng Dương Xuân được tách thành 2 làng là Dương Xuân Thượng và Dương Xuân Hạ.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn – Kinh Nhơn, đoạn đầu có ghi:

Ngã gia quán Bắc Ninh Tỉnh, Siêu Loại Huyện, Đồng Xá Tổng. Đồng Xá Xã “Tự trịnh gia cường tiếm, thất truyền vô do khảo cứu, Chí lục đợi Tổ, lục tùng NGUYỄN chúa, Cư quan Thừa Thiên Phủ, Hương Thủy Huyện, Cư Chánh Tổng, Dương Xuân Hạ Xã, Kinh Nhân ấp.“Cai quan Lương Thanh Bá NGUYỄN VĂN LƯƠNG tự NHÂN cụ Túc tính danh, ký vi THỦY TỔ”.

Hiểu sơ lược thì thủy tổ của nghề đúc đồng Huế chính là ông Nguyễn Văn Lương. Quê ở làng Đồng Xá, Siêu Loại (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Khi chúa Nguyễn quyết định chọn Huế làm nơi cơ xây dựng cơ nghiệp vào thế kỷ 13 đã trưng tập thợ khéo cả nước. Trong đó, thợ đúc đồng có nhiệm vụ lớn trong việc xây dựng tư dinh, đúc khí giới, tiền xu và các vật dụng phục vụ cho nhu cầu của phủ chúa. Theo đó, nhiều nghệ nhân hành nghề đúc đã kéo về tập trung sinh sống. Sau đó thành lập làng Đúc ở phường Dương Xuân. Dân trong vùng cũng quen miệng gọi là Phường Đúc, tức là phường có nhiều thợ đúc và hành nghề đúc.

Phường Đúc thời ấy có tổng cộng 5 xóm: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền. Trong đó, Bổn Bộ và Kinh Nhơn là hai xóm làm nghề đúc đồng nổi tiếng nhất.

Tại đây, Ngài Cao tổ Nguyễn Văn Đào và cha đã mở lớp truyền dạy nghề đúc cho con cháu nội ngoại và bà con trong vùng. Để tưởng nhớ đến vị Cao tổ Nguyễn Văn Đào là người đã có công khai phá và lập nên nghề đúc đồng truyền thống ở Phường Đúc; bà con nội ngoại, cháu chắt các đời đã xây dựng ngôi nhà thờ tổ nghề để đánh dấu một giai đoạn trong 400 năm qua, nghề đúc đã cư ngụ, sinh sống và phát triển ở mảnh đất này (hiện nay nhà thờ ở kiệt 171 Huyền Trân Công Chúa xưa, nay gọi là đường Bùi Thị Xuân, thuộc tổ 24 khu vực 5 Phường Đúc).

Nói thêm về con đường gắn với Phường Đúc – đường Đường Huyền Trân Công Chúa. Đường này hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo một lối đi thuận tiện dễ dàng cho các đoàn hộ giá, nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền. Đầu thế kỷ 20, triều đình Huế đầu tư nâng cấp Nhà máy vôi Long Thọ, đường này lại được mở rộng thêm chút nữa. Trước 1945, người Pháp đặt tên là đường Arènes (Rue des Arènes). Riêng đoạn từ cầu Ga đến Nhà máy nước cũ, nơi có nhà ở của ông kỹ sư Bogaert, nên thường được gọi là đường Bồ-ghè (Rue Bogaert). Sau năm 1956 được đặt lại tên là đường Huyền Trân Công Chúa (đường Huyền Trân Công Chúa trước 1975 chỉ kéo dài từ cầu Ga đến cầu Lòn trong địa phận của thị xã Huế, phía trên cầu Lòn thuộc huyện Hương Thủy, song dân gian thường cứ gọi là đường Huyền Trân nối dài kéo lên tận nhà thờ Tổ nghề Đúc Đồng).

Cửu Đỉnh

Những hiện vật bằng đồng nổi tiếng còn lưu lại tại kinh đô Huế hiện nay như một minh chứng cho tài nghệ đúc đồng của những nghệ nhân làng Dương Xuân thời đó, có thể kể đến: khánh, chuông chùa Thiên Mụ (1710) và Diệu Ðế (1864); vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Ðại Nội; Cửu vị thần công (1803-1804) đặt trước Ngọ Môn và nhất là Cửu Ðỉnh (1835-1837) – bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi, thể hiện thành tựu rực rỡ của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam hai thế kỷ trước.

Cửu vị thần công

Trải qua hơn 400 năm, hơn 4 thế kỷ hình thành và phát triển cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử mảnh đất Cố đô, làng nghề đúc đồng Huế vẫn tồn tại và phát triển thịnh vượng, tiếng thơm vang xa khắp mọi miền đất nước.

Phường Đúc Huế
Chuông chùa Thiên Mụ

Có được thành tựu này chính là nhờ những người thợ đúc đồng tài hoa xứ Huế luôn bền bỉ giữ lửa nghề cho đến hôm nay. Con cháu họ đã không ngừng học hỏi, chắt lọc những bí quyết cổ truyền, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và luôn giữ được cái tâm làm nghề.

Cám ơn những “đôi tay vàng”, của làng nghề “trăm năm đỏ lửa đúc đồng” đã giữ gìn những tinh hoa của nghề để hồn cốt của nghề đúc đồng luôn là một nét đẹp trong văn hóa làng nghề của mảnh đất Cố Đô.

BAN QUẢN TRỊ

/tổng hợp và biên soạn theo lời kể của hai nghệ nhân Nguyễn văn Sính, cơ sở đúc bên cạnh nhà Ngoại của tôi và nghệ nhân Nguyễn văn Đệ, bác ruột của học trò tôi /

– Ảnh sưu tầm trên mạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button