Văn hóa dân gian

“Dạ và thưa” xưa và nay – “Di sản” của vùng đất Cô Đô

Ngày cuối tuần, Cali trời mưa rả rích, trời bắt đầu chuyển lạnh. Được nghỉ ở nhà, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê phin đặc quánh trong không gian đậm tiếng nhạc, lời ca của Ca Sĩ Bảo Yến …

… Giữ chút gì rất Huế đi em
Ɲét duуên là trời đất giao hòa
… Giữ chút gì rất Huế mặn mà
Ɗạ thưa, ngọt lịm ai mê saу …

(Rất Huế – Huỳnh Văn Dung)

Phải rồi, ai đã từng một lần tới Huế thì chắc khó mà quên được chất giọng rất chi là ngọt ngào và dễ thương đến nao lòng của xứ xở này! Người Huế dù ở độ tuổi nào, giới tính nào thì trong mọi hoàn cảnh họ đều dùng “Dạ”, “Thưa” để mở đầu, dẫn dắt câu chuyện. Khi tiếng “thưa” đi kèm sau tiếng “dạ” thành “dạ thưa” thì lại càng thêm phần khiêm cung, nhún nhường. Cái gì người Huế cũng “dạ”, cũng “thưa”. Đối với người càng lạ, việc càng mới thì lại càng “thưa với dạ”. Tiếng “dạ”, tiếng “thưa” ở Huế cũng không giống bất kỳ nơi nào, nghe ngọt lịm như mía lùi, làm cho người ta nhớ mãi, như 1 loại “đặc sản” xứ Thần Kinh!

Nếu nói đến nét đặc trưng của Huế mình, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến Sông Hương, Núi Ngự, đến Chùa Thiên Mụ, đến Tà áo dài Tím mộng mơ và cả mái tóc thề buông xõa ngang vai gây nhớ, làm thương. Ấy vậy mà vẫn không đặc trưng , đặc sệt cho bằng hai chữ “Dạ”, “Thưa” của Huế. Tại sao vậy ?

Ăn sâu trong văn hóa giao tiếp của Người Việt các vùng miền đều kèm tiếng “ạ” “dạ” và “thưa” hay “vâng”. Có lẽ vì đứa trẻ nào từ khi mới bi ba bi bô học nói cũng đều được Ông Bà, Cha Mẹ dạy “ạ”, “dạ” như những tiếng nói đầu đời. Nếu nói rằng tiếng “Dạ vâng” của miền Bắc nghe thật nền nã, lịch thiệp, thì tiếng “Dạ” của Miền Nam nghe lại có phần nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn. Riêng tiếng “Dạ” của Huế lại có gì đó tình cảm, gần gũi hơn, thêm âm sắc của Tiếng Huế nên càng có phần sâu lắng đến lạ!

“Ở đây dằng dặc những ngày mưa
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái “dạ, xin thưa…”

(Nét Huế – Xuân Hoàng)

Cô gái Huế xưa và nay cứ từ tốn thưa gửi, thủng thủng, thẳng thẳng “dạ”, “thưa” tự nhiên không hề khiêng cưỡng, không hề điệu đà sắp xếp nhưng lại hài hòa, cứ như rót mật vô tai, khiến ít ai có thể khước từ.

“Dạ”, phương ngữ của Huế được dùng như một phương tiện để diễn đạt cảm xúc, mang rất nhiều ý nghĩ khác nhau. Âm điệu nghe cứ như luyến láy, nhẹ nhàng, uyển chuyển khiến người nghe như bị mê hoặc. “Dạ” có ý là phục tùng, đồng thuận; có khi lại là phản kháng, khước từ; nó đi từ hàm chứa yêu thương đến thách đố, trêu chọc… cho nên mới nói Xứ Huế mình có tiếng “dạ” rất riêng, nhẹ mà ngân, thanh mà mọng, dịu mà sắc, gọn mà thâm trầm đến lạ !

Từ ngày rời Huế lập nghiệp vào năm 1996 đến nay, cũng hơn đôi chục lần tôi về Huế thăm nhà. Lần nào cũng vậy, thả cái Vali xuống, ôm Ba Mẹ, thắp hương Ông Bà xong là tôi “lủi” liền ra Chợ Đông Ba, nơi mà tôi có cảm tưởng được “tắm” trong tiếng Huế, được ở trong lòng Huế một cách vẹn nguyên. Ở Huế bây chừ rất nhiều thứ đã đổi thay, nhiều điều đã khác trước. Họ hàng, bà con, ngay cả bạn bè của tôi cũng đã lần lượt “rời đi” nên khi dạo phố tôi cũng ít được gặp người quen như thuở trước. Và đâu đó trong lòng, tôi vẫn hoài niệm về hình ảnh “chiếc áo dài” của các “Mệ”, các “O” buôn gánh bán bưng ngày xưa … Tuy vậy, giữa lòng Huế vẫn có một thứ y nguyên, của “ngày xưa” mà không hề cũ, vẫn muôn đời hiện hữu, rất chi gần gũi. Đó là hai tiếng “Dạ- Thưa” thân thuộc, vẫn rất mượt mà trên từng câu chào hỏi thân, sơ trên đường.

Nhà thơ Bùi Giáng từng chia sẻ:

… “Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”…

Dạ đúng và rất thật là hai tiếng “dạ” “thưa” như đã thật thấm, thật ngấm cái tinh túy của đất -trời-người làm nên một “hồn Huế” đặc sệt! Dẫu nghe trong tiếng “Dạ” hôm nay có chút gì đó mới mẻ, trẻ trung hơn nhưng vẫn rất Huế!

Là một người con của Huế, ai ai cũng mong muốn giữ gìn qua nhiều thế hệ trong từng gia đình mình mọi tinh hoa trong cốt cách của con người Huế. Và phải chăng, điều quan trọng nhất là đưa bản sắc văn hóa Huế thấm vào cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ dừng lại ở cái nhìn hoài cổ, qua những lời kể “ngày xưa thời của Mẹ …

“Đặc biệt, thế hệ trẻ được sinh ra hay học tập, lập nghiệp xa Huế hay ở nước ngoài, xin mãi trân trọng tiếng “dạ…thưa” để nhiều thế hệ còn được kế thừa cốt cách, bản sắc Huế như một “gia sản” để Hồn Huế mãi trường tồn ở nơi nơi có những người con Huế sinh sống !

Ở xứ Cali xa xôi, đâu đó giữa giòng đời xuôi ngược … thi thoảng được nghe tiếng “dạ” “thưa” tôi vẫn như bị “điện giật”, bất giác quay đầu cố tìm kiếm sự đồng điệu để lại được gọi “Huế ơi”!

💜LHT, 11.2023

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có quan tâm
Close
Back to top button