Bất chấp việc cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể chưa làm vừa ý một số người vì những lý do riêng, đối với cá nhân tôi thì những gì Ông viết trong “Nhật ký Huế festival 2000” đã làm tôi rất cảm động và đồng cảm.
Xin phép được trích lại đôi lời Ông đã viết thay cho tiếng lòng của muôn mỗi người con Huế gần xa.
“Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu.
Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung, chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều.
Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi.
Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây gờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng:
– Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương –
(Xin lưu ý 2 câu thơ này còn có phiên bản khác)
Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kinh các.”
Vì vậy, xin thưa với chư vị đi lạc bao đời giờ mới xuất hiện ở xứ Huế, rằng Huế là của chung, của những người con xứ Huế, của những ai yêu thương Huế và của cả những ai muốn tìm hiểu và chọn Huế làm quê hương.
Xin hãy hiểu cho rằng văn hóa Huế đã trở thành “di sản thế giới”, cần được bảo tồn, gìn giữ và quảng bá. Cớ chi lại coi niềm thương giành cho Huế như “của riêng mình”, rồi bắt người khác phải “nghe theo” là không được mô nghe!
Điều đó kỳ cục và thiếu tầm nhìn lắm thay !
<La Hạnh Thảo>