Cơm Vắt Muối Mè
Nếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc có cơm nắm rong biển thì “Cơm nắm muối mè” là một món ăn cũng rất đặc biệt đối với người Việt chúng ta nên có thể coi đây là món “đặc sản” trong truyền thống ẩm thực người Việt. Món này, Ở
Huế mình thì gọi là “cơm vắt” hay cơm mo vì được “ịn” trong cái mo cau.
Nhớ ngày xưa, những năm 1980-1992, thời thế hệ Giáp Dần chúng tôi từ lúc chập chững bước vào lớp 1 cho tới hoàn tất lớp 12 không ai không biết tới nắm cơm vắt “giắt lưng” tới trường. Vậy nhưng có lúc chúng tôi đã vô tình quên món ăn này vì cho rằng đó là dấu tích của những ngày cơ cực, lam lũ.
Hồi xưa, vào những lúc đi lao động công ích hay những buổi đi cắm trại ở sân trường, ở đồi Thiên An, hay Biển Thuận An thì chúng tôi thường bới theo cơm vắt muối mè để chia nhau ăn. Nhà ai khá giả một chút mà bới theo thịt hay cá kho khô thì coi như là “sang” thuộc hàng “cao lương mỹ vị” chứ không phải đùa.
Và cứ như thế mà chúng tôi đi qua những năm kinh tế đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn và đói cũng là có thật. Có câu thơ rằng:
“Tuổi thơ cơm nắm muối vừng.
Cho con dáng vóc lẫy lừng hôm nay”.
Cho nên với chúng tôi từ trong những ngày xưa xa ngái đó mà nói thì nắm “cơm vắt” sao mà ngon, sao mà quý đến lạ!
Hôm kia cuối tuần, tôi cứ nghĩ không biết nên làm món gì cho gia đình bởi tụi nhỏ bây giờ chán cá, ngán thịt còn chúng ta lại phải kiêng khem đủ thứ vì sợ bệnh. Rứa là, “a lê hấp” nghĩ ra làm món “cơm vắt” cho cả nhà thay đổi khẩu vị.
Món cơm vắt được chế biến rất đơn giản. Gạo đem nấu chín (như nấu cơm), vắt chặt lại thành từng nắm to, nhỏ tùy ý, khi ăn cắt ra thành từng lát chấm với muối mè.
Rõ ràng với cách thức như vậy thì ai mà không làm được. Tuy nhiên, để nấu đúng cách và đạt tới yêu cầu về chất lượng thì cũng không đơn giản. Gạo phải tương đối ngon, có độ dẻo và thơm, khi nấu lượng nước hơi già, khi chín hạt cơm nở hơn cơm thường ăn hằng ngày, có độ dẻo. Sau đó cho cơm vào một chiếc khăn sạch đã nhúng nước lạnh và vắt ráo, rồi cuốn lại, dùng hai nắm ép lại thật chặt. “Khi đã chắc như cơm nắm” thì mở khăn ra cho cơm nắm nguội dần. Nếu chưa ăn liền hoặc cần mang cơm đi đâu đó (đi chơi, dã ngoại…) thì người ta gói nắm cơm trong lá chuối đã hơ qua lửa hoặc gói vào chiếc mo cau. Và cũng đừng quên chuẩn bị món muối mè!
Rứa thôi là đã chuẩn bị xong một món ăn rất đơn giản. Cơm vắt, cắt ra từng lát mịn màng, chấm với muối mè rang giã nhuyễn thơm phức. Quả là thật tuyệt. Vừa bùi, vừa béo, vừa đậm đà… hương quê!
Món ăn có vẻ “con nhà nghèo” ngày xưa này thực chất là một món ăn đáp ứng cơ bản về những yêu cầu dinh dưỡng có đủ chất bột, đạm, béo, đường, vitamin… Ngày nay, Chúng ta có thể biến tấu khi “vắt” cơm với rau củ, tôm thịt chấy hay đậu hủ, rong biển để con, cháu đổi vị và bổ sung dinh dưỡng theo nhu cầu.
Hy vọng bài viết này sẽ gợi lại những ký ức chung về một món cơm dân giã, đậm chất quê hương trong lòng quý vị.
Nếu nghe món này “hấp dẫn” thì các bạn hãy cùng Nhịp Cầu Huế làm nhé.
💜 La Hạnh Thảo