Ẩm thực

Rượu Dâu Tằm

Nước dâu tằm và rượu dâu tằm của Huế là 2 thức uống ăn sâu vào ký ức tôi bởi hương vị ngọt thơm rất lành và những kỷ niệm vô cùng khó quên.

Những năm 1980, Me tôi và các Dì trong nhà rất hay ủ rượu để đãi khách dịp Tết. Ngoài những món rượu trái cây thông dụng như rượu táo, nho, sơ ri, mít … thì rượu dâu tằm là hủ rượu không bao giờ thiếu trong gian bếp.
Tôi vẫn nhớ năm 1989, trong đám cưới chị gái tôi, món rượu đãi khách được chọn là rượu dâu tằm. Lúc đó tôi học lớp 9, đi học về thì đạp xe thẳng lên nhà Ngoại tôi ở Cầu Lòn “ăn đám cưới”. Có lẽ đạp xe khát nước quá, nên tôi lấy chai rượu dâu mà tưởng là si rô nên hòa thêm đường, đập thêm đá rồi uống nguyên cả “ca” nhựa.

Càng uống càng thấy mát cổ mát họng, rất chi là đã khát. Một lúc sau, tôi sây sẩm mặt mày, bước xiên bước quàng rồi té cái đùng trong đám cưới vì “say rượu” !

Kỷ niệm đó thật khó quên vì làm tôi quá sức ốt dột với bà con họ hàng và bạn bè của chị tôi. Mãi tới khi tôi lớn lên, thỉnh thoảng mọi người vẫn nhắc lại chuyện này mỗi khi nhà có kỵ giỗ tụ họp.

Xin thưa với Quý vị @everyone, cây dâu tằm được trồng ở rất nhiều nơi ở Huế mình. Trong đó, Phong Hiền (Phong Điền) là nơi trồng có quy mô lớn nhất tới hơn 300 hộ dân và gần 300 sào.

Cây dâu tằm thường xuất hiện vào cuối Xuân đầu Hạ, rơi vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Mùa dâu tằm chỉ chín rộ khoảng 3 – 4 tuần là hết mùa. Quả dâu khi chín có màu đỏ hoặc đen; ăn có vị mềm, chua chua, ngòn ngọt và rất nhiều nước. Lá non của cây có thể dùng làm rau luộc, xào, nấu canh như các loại rau khác.

Cây dâu tằm thường được trồng để lấy lá nuôi tằm. Tuy nhiên, ít người biết rằng, dâu tằm cũng là một loại dược liệu quý, trong đó gần như tất cả các bộ phận của cây đều có thể làm thuốc. Vậy cây dâu tằm có tác dụng gì đối với sức khỏe? Và rượu dâu tằm có dễ chế biến không?

❣️ Rượu dâu tằm có tác dụng gì?

Dâu tằm được gọi là “quả thánh trong nhân gian” và được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh. Cho nên từ gốc đến ngọn cây dâu tằm đều có tác dụng, trong đó lá dâu tằm được dùng làm thức ăn cho tằm. Ngoài ra, dâu tằm chưa nhiều khoáng chất và vitamin tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tăng cường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, quả dâu tằm có khả năng làm đen tóc và râu hiệu quả, giúp an thần, chữa chứng mất ngủ của người kinh niên hiệu quả, thiếu máu, tăng kháng thể, giúp chữa trị các bệnh viêm khớp nhẹ…Trong phương pháp làm đẹp thì rượu dâu tằm có tác dụng cải thiện độ bóng của da, làm trắng da…

❣️Cách ngâm rượu dâu tằm: Các bạn hãy thử ủ rượu dâu tằm theo công thức sau nhé:
* Dâu tằm: 2kg
* Đường cát trắng: 800gr
* Rượu trắng: 1 lít
* Bình thủy tinh lớn

Lần lượt xếp một lớp dâu tằm, đến một lớp đường. Cho đến khi hết dâu tằm thì thôi, lớp trên cùng là một lớp đường mỏng nhé. Sau đó, bạn đậy nắp lại và ngâm rượu trong khoảng 4 tuần. Sau 1 tháng thì bạn cho rượu trắng vào ngâm thêm 1 tháng nữa. Khi hỗn hợp đã lên men và có mùi thơm thì bạn cho hỗn hợp lọc qua rây để lấy nước rượu không có cặn.

Nếu không muốn ủ thành rượu mà chỉ làm nước trái cây từ trái dâu tằm thì các bạn thay rượu bằng chút men nhé.

Hy vọng bài viết này sẽ góp phần chia sẻ thêm đến các bạn 1 món thức uống “rất Huế” đơn giản, dễ làm và rất tốt cho sức khỏe.

Thân chúc Quý vị một cuối tuần vui vẻ !

💜 La Hạnh Thảo

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button