Áo Dài Nam Trong Dòng Chảy Lịch Sử Và Văn Hoá Việt
Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam thướt tha trong tà áo dài truyền thống, mà ít ai nhớ rằng bộ “áo dài, khăn đóng” cũng từng là trang phục truyền thống, đặc trưng của đàn ông Việt.
Ngay từ Thời vua Lý Thái Tông, nhà vua đã bắt đầu có ý định muốn thể hiện đất nước tự cường thông qua vấn đề trang phục. Đến thời chúa Nguyễn, vấn đề này càng được chú trọng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong. Kể từ năm 1802 thời vua Gia Long trở đi, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài nam hoàn chỉnh. Không được may mắn như áo dài của nữ giới, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới có lúc lại dường như bị quên lãng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường chia sẻ: “Sau năm 1945, đất nước rất nghèo, để may áo ngũ thân như thế này rất tốn vải vóc. Sau đó chúng ta đối mặt những cuộc chiến chinh trường kỳ, đó là lý do áo dài nam bị mai một. Phong trào Tây hóa, thay đổi khiến người ta có cái nhìn mới hơn cũng là lý do áo dài nam bị ảnh hưởng. Đất nước lại tiếp tục chiến tranh và tà áo dài không có cơ hội được tiếp tục nối liền”. Một điểm rất “không may” cho tà áo dài nam là hình ảnh áo dài này thường gắn liền với hình ảnh cụ lý trưởng, cường hào ác bá trên sân khấu cũng làm cho người ta có cái nhìn “lệch” đi về tà áo dài nam giới.
Áo dài nam truyền thống nguyên vẹn ban đầu có 5 thân và 5 cúc nên thường được gọi là áo dài ngũ thân. Khi nói đến 5 thân phải nói đến cách chắp tà bào gồm 2 tà trước, 2 tà sau, và 1 tà ở giữa. Tà áo phải rộng và tay phải nhỏ búp. Nó có một thân trong thứ 5 mà hiện giờ hầu hết các nhà thiết kế tân thời đã bỏ yếu tố đó đi. Nhưng chính thân thứ 5 này sẽ giúp cho công năng sử dụng được kín hơn, cài cúc được kín hơn. Đặc biệt khi ngồi, đối với người đàn ông Việt khi xưa, đó là sự nho nhã, lịch sự. Tà áo dài rộng che được mình rất nhiều. Đó là đặc điểm cốt lõi mà bây giờ áo dài cách tân không có được, phần nào mất đi vẻ đẹp của áo dài nam nguyên gốc.
Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt mang tính giáo dục rất cao. Khi ta mặc bộ trang phục lên người, nó buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc. Bộ trang phục của người đàn ông Việt cũng luôn có một chiếc khăn quấn chứ không phải một chiếc khăn đóng sẵn. Bởi chính thao tác quấn khăn thể hiện sự chỉn chu của đàn ông Việt.
Đàn ông Việt mặc áo dài đi đâu?
Người ta cứ nghĩ chỉ những người hay ra ngoài giao tế, những doanh nhân, chính khách, những người thường lui tới những sự kiện quan trọng mới cần đến áo dài. Đúng, nhưng chưa đủ! Người nam giới nước Việt nào cũng nên có một chiếc áo dài như trang phục dự phòng trong bất kì dịp quan trọng nào. Mà muốn mặc đồ trang trọng đẹp, một người cần thực tập rất nhiều cho cơ thể làm quen với bộ trang phục.
Chiếc áo dài của nam hay nữ nó đều tạo ra gió! Từ dáng đi, thế ngồi đều đòi hỏi những dòng khí đối lưu khiến chiếc áo tạo thành điểm tựa quan trọng cho một phong cách. Với dáng vẻ khiêm tốn hơn so với các dân tộc phương Tây, đàn ông Việt thường có điểm thu hút nam tính bằng thần thái của ánh nhìn, của cử động và thái độ với cuộc sống. Áo dài nam truyền thống làm tôn lên một bờ vai mở rộng, nó khiến người khác cảm nhận sự phóng khoáng và bao dung; tà áo nam vừa phải thường là chất liệu thẳng, và cứng không rũ rượi mà đủ thẳng thớm như một nan quạt dịu dàng, chỉ phất nhẹ là có thể tạo gió vỗ về.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có câu: “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng của dân tộc thì gặp nhân loại”. Trải qua một chiều dài lịch sử, áo dài nam giới được cha ông ta mặc và đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt – sự khiêm nhường, giản dị.
Còn gì đẹp hơn nếu những dịp lễ, Tết, hội hè, hay trong những sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, ta thấy cả nam giới và phụ nữ mặc áo dài dân tộc. Bộ trang phục truyền thống luôn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay, chiếc áo dài nam đang trong quá trình phục hưng, với sự quan tâm của cả cộng đồng.
Vài tư liệu sưu tầm và tổng hợp lại, chia sẻ đến mọi người, rất mong chúng ta sẻ góp một phần nhỏ bé để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt dù chúng ta đang ở đâu và làm gì.
Quý vị có thêm thông tin, hãy cùng chia sẻ nhé!
💜 La Hạnh Thảo
– ảnh áo dài nam xưa & nay sưu tầm –