Văn hóa dân gian

Tục Lệ Cúng Đất Ở Huế

- Lễ tạ thổ kỳ yên -

Nhân Tháng Hai Âm lịch, xin phép được chia sẻ qua với @everyone Quý vị tục lệ “Cúng đất” đã được người dân xứ Huế thực hiện, lưu giữ suốt 7 thế kỷ qua.

Theo sử sách, tục lệ này đã trải qua 700 năm, gắn liền với sự kiện Công chúa Huyền Trân được gã cho Vua Chế Mân của nước Chiêm Thành vào năm 1306. Quốc gia Đại Việt được nhận sính lễ là 2 châu Ô và Lý trải dài đến ngũ Quảng bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức (Thừa Thiên Huế).

Theo suy nghĩ của người dân Việt, đây là vùng đất xa lạ, chưa quen thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình nên khi vào lập nghiệp tại đây, họ mang theo sự tôn kính đối với người dân bản địa và các vị thần linh. Tục lệ cúng Đất ra đời như sự cầu mong thần linh và linh hồn những người bản địa từng cư ngụ nơi đây phù hộ độ trì, chấp thuận cho sự có mặt làm ăn sinh sống của cư dân Đại Việt ta.

Cúng đất còn có tên là “Lễ tạ thổ kỳ yên”. Cúng đất là lễ dâng cúng cho các thần đất và các vị thần phối thuộc, mỗi năm diễn ra một lần vào một ngày tốt trong Tháng Hai hoặc Tháng Tám Âm lịch hằng năm.

Có câu ca dao xứ Huế xưa rằng:

“Mẹ già lút cút lui cui
Mua gà cúng Đất, đất xui mẹ giàu”.

Lễ cúng này như một hình thức tưởng nhớ, tri ân chư thần, anh linh chư vị tiền nhân “chủ cũ” của vùng đất; cầu mong họ phò trì để cuộc sống nơi vùng đất mới của những cư dân mới được an vui, phát triển.

Để chuẩn bị cho Lễ cúng đất, bàn cúng được xếp theo “3 cấp” : Thượng, Trung, Hạ.

– Bàn Thượng: đặt 1 con gà trống luộc, gồm huyết và lòng rắc muối hạt một cái dao bằng tre, cùng một dĩa xôi trắng, thêm 5-6 chén chè;

– Bàn Trung: lễ cũng sắp một con gà nhưng là gà mái luộc cũng phải đầy đủ lòng và huyết và rắc muối hạt. Xôi và chè cũng được đặt ở bàn này. Ngoài ra, lễ còn có 3 dĩa xếp 3 con cua, 3 cái trứng và 3 miếng thịt heo luộc có rắc muối sống.

– Bàn Hạ: lễ gồm một mâm cơm đầy đủ các thức ăn nhưng đặc biệt phải có một dĩa ra tập tàng luộc (có thể thay bằng rau khoai) với chén mắm nêm; một gắp cá, chọn loại cá nhỏ kẹp bằng 2 que tre đem nướng. Đừng quên một khay khoai sắn, đậu phụng luộc; 1 dĩa gạo + muối sống +hột nổ ngũ sắc, đường đen. Một tô hay nồi cháo thánh là điều không thể thiếu tại bàn này.

Tất cả 3 bàn này đều có hoa quả, hương, đèn, nước, rượu, cau trầu…Ngoài ra còn có các loại vàng mã (đồ giấy) được đặt và xếp khác nhau tại từng bàn.

Ba bàn Lễ được đặt trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà lạy ra. Khi gần xong lễ, gia chủ sẽ lấy bẹ chuối làm thành một chiếc túi đựng thức ăn, áo binh, giấy vàng bạc, treo ở cổng nhà hoặc ở góc vườn gọi là Xà Lẹc, dành cho những “người” qua đường. Vàng mã thì đốt đi, cháo thánh, gạo muối vãi lên trên khi lửa đốt sắp tàn.

Xong lễ, người Huế thường để lại cặp chân gà lễ để đem đi “xem chưng giò” để bói cát – hung – họa – phúc trong năm của gia đình mình.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, và vì những hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau, nên sau chiều dài 700 năm, tục lệ này ở nhiều vùng đã “rụng rơi” hoặc thay đổi ít nhiều. Duy chỉ còn Huế là nơi được nhận định là vẫn thủy chung lưu giữ đậm đà bản sắc của tục lệ này.

Ngoài Tháng Hai, đến Tháng Tám, nhiều gia đình lại thiết lễ “cúng đất”lần nữa. Người ta cho rằng lễ Tháng Hai là để cầu xin cho mở đầu một năm thuận lợi, đến lễ Tháng Tám là để tạ ơn thổ thần đất đai đã trợ giúp, phò trì…
Xưa bày, nay làm nên mình dù vô Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1996, rồi có gia đình riêng sống tại Mỹ nhưng mình vẫn giữ tục lệ này. Có thể hơi “duy tâm” nhưng mỗi lần “Cúng đất” xong, mình lại thấy vô cùng an lòng.

Tục cúng đất mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, rất nhân văn. Vì thế dù hiện nay văn hóa truyền thống có nơi bị mai một nhưng xứ Huế vẫn lưu giữ tục lệ này. Đây là nét đẹp truyền thống của cha ông thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với tiền nhân nơi mình sinh sống.

La Hạnh Thảo

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có quan tâm
Close
Back to top button