Truyện ngắn

Hữu Duyên – Đồ Chó A Mà (Phần Ba)

Kính thưa quý Ông Bà, Cô Dì, Chú Bác và các anh chị…!

Con tên là Lucy. Con không biết con được sinh ra từ đâu? Trong một gia đình danh gia vọng tộc giàu sang phú quý hay một gia đình nghèo chạy ăn từng bữa. Nhưng kể từ khi con có một chút trí khôn thì con mới phát hiện ra mình là kẻ lang thang đầu đường xó chợ.

Chủ của con là một Ông già người da trắng. Nhưng mà da ông không trắng, vì ông sống cuộc đời dầm sương, dải nắng. Tính cách của ông là một người đàn ông cộc cằn, lầm lỳ ít nói và ít khi tắm, áo quần thì lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch, mùi mồ hôi của Ông thì ôi thôi… Khỏi phải “noái” mà mệt…

Suốt ngày Ông lão dẫn con lang thang hết chỗ này đến chỗ khác. Tài sản của ông là một chiếc xe đẩy “shopping cart”, mà khách hàng dùng để bỏ hàng khi đi chợ. Lão chủ của con đã “mượn tạm”chiếc xe đẩy ấy từ một siêu thị trong thành phố để làm của riêng. Trên chiếc xe đó luôn chất đầy những thứ lỉnh kỉnh tạp nham như mền gối, áo quần rách và một ít đồ ăn khô v.v…

Hằng ngày, công việc chính của con là phụ giúp Ông lão tạo chút lòng thương hại từ ông đi qua, bà đi lại. Ông chủ của con thường đóng đô bên lề ở mấy ngã tư đường. Bất kể vào những ngày mùa đông giá buốt hay những tháng hè nắng nóng cháy da. Dưới dòng xe cộ lưu thông qua lại trên đường, người ta thường cho tiền hoặc đồ ăn khi đang dừng đèn đỏ. Con thấy Ông lão của con làm ăn phát đạt, có lẽ người ta thấy con “nhỏ nhỏ mà ghẻ lở tùm lum “ nên họ thương.

Khi trời tối, Ông ấy thường dẫn con chui vô mấy lùm cây hoặc chiếm dụng khoảng trống trên hè phố để ngủ. Con nhận thấy Ông lão của con là một người đàn ông trầm cảm nặng. Vì con chưa thấy Ổng trao đổi với ai bao giờ. Con nghĩ… trong quá khứ chắc chắn ông lão này phải phạm nhiều lỗi lầm lắm đây, nên chừ mới ra nông nổi. Tiền và đồ ăn của bá tánh trao tặng hằng ngày là nhờ ở sự giúp sức tận tình của con mới có được. Rứa mà đêm mô Ông ấy cũng đem đi mua 🍺 uống hết. Mà quý vị biết răng không? Khi say, ông ấy xử tệ với con lắm, Ông ấy chửi rủa và đánh đập con thậm tệ, không một chút thương xót. Nhiều đêm thức trắng, nằm chèo queo trằn trọc mãi, con buồn cho số phận hẩm hiu của mình, con buồn cho thế thái nhân tình. Con hận ông chủ của con lắm. Con thầm nghĩ… Tại làm răng mà con vật bé nhỏ như con lại còn kiếm được tiền để Ông mua 🍺 uống, mà còn đè con ra đánh đập và đối xử tệ bạc với con là răng…?

Rồi một ngày trời mây u ám, con tự quyết định cho cuộc đời mình bằng cách đi tìm một người chủ mới. Lợi dụng khi Ông đang ngồi đếm một đống tiền lúc cuối ngày, con liền cong đuôi cắm đầu bỏ chạy một hơi.
Ông lão quay lại và la to:

-Ê! Con tê, mi chạy đi mô rứa mi? Coai mà quay lại đây cả chết nghe không con tê.

Mặc cho ông lão giận dữ, Con càng sợ thì càng nhắm mắt nhắm mũi vắt bốn giò lên cổ cắm cúi chạy nhanh hơn, suýt chút nữa là chiếc Lexus LX 600 của một đại gia nào đó cán con gãy cổ rồi. Suốt mấy ngày sau đó, con lang thang qua nhiều góc phố. “Đoái”thì con ghé vô mấy thùng rác kiếm chút chi bỏ bụng và tối đến thì con chui vô mấy “hóc bò tó” làm một giấc tới sáng.

Một hôm, lúc đi lang thang trên hè phố. Con gặp một người đàn ông hiền lành, tướng tá nhỏ chút xíu. Người đàn ông đang ngồi dưới một gốc cây tỏa bóng mát kế bên một công ty máy giặt (laundromat) và đang ăn cơm trưa. Gặp lúc bụng “đoái” cồn cào, con làm bộ lạng tới lạng lui như mấy cô model biểu diễn thời trang áo tắm trên TV để gây sự chú ý và ông ấy thương tình quăng cho con một khúc xương gà mà con biết chắc là trên đó chẳng còn miếng thịt nào hết. Nhưng dù răng đi nữa con cũng mừng quýnh và vẫy đuôi để tỏ lòng biết ơn.

Người đời có câu:

– Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Đủ duyên, Ông nhỏ nhỏ nớ và con trở thành đôi bạn thân của nhau. Ông chủ mới của con là một người đàn ông dân tộc Hmong dễ nhìn, độc thân vui tính, rất nghèo nhưng có nhà, có xe, thích dòng nhạc Bolero, yêu áo trắng học trò, thiên nhiên cây cảnh, du ngoạn và thương thú cưng như chó,mèo, gà, vịt kể cả heo. Đặt biệt ông ấy có tấm lòng vị tha và nhân hậu. Sở dĩ con viết như ri là để lỡ có cô Việt Nam mô đang ế chổng gọng biết đường mà tìm đến với ông chủ của con đặng làm bạn cho đỡ buồn. Hằng ngày ông đem con theo đến chỗ làm của ông để tiện việc chăm sóc hay để con phụ giúp ông ấy những việc vặt vãnh như làm trò hề tiêu khiển cho khách hàng.

Vì ông biết bản tánh con rất hài hước. Cuối ngày làm việc, ông đem con trở về nơi căn hộ nhỏ nhỏ mà ông ấy đã mua lại với giá rẻ khi thắng cá độ bóng đá hồi mấy năm trước.

Cuộc đời buồn tênh của đôi bạn chúng con cứ thế cũng trôi qua theo năm tháng. Con cảm thấy thật nhẹ nhàng trong tâm hồn khi được sống cùng với ông chủ mới của con. Hằng ngày, khi ông ăn cái chi thì con được hưởng cái đó và nhất là không bao giờ bị đánh đập. Không phải lang thang đầu đường xó chợ mà được ở trong chỗ làm thoáng mát, sạch sẽ. Nhưng có một điều không hiểu răng mà ông chủ của con ít khi tắm cho con lắm, cũng như đem con đi khám bác sỹ định kỳ. Nên thân thể con cả bọ chét không hà! Bọ chét cắn làm con ngứa ngáy khó chịu và ngồi mô con gãi đó. Càng gãi thì da nó tróc ra và trở thành ghẻ.

Quý vị biết không? “Noái chi thì noái” chứ hậu vận của con kể ra cũng sướng thiệt vì được nhiều người thương. Hằng ngày con gặp một ông Việt Nam đến công ty để điều hành công việc một lần. Tướng tá ông nớ trông rất lè phè, có khi con không biết ông ấy là ông chủ hay là người làm cu li nữa mà con thấy ông hay bận đồ rách lắm. Mỗi khi lo công việc của ông trong công ty xong rồi, ông ấy thường dành chút thời gian còn lại để giỡn chơi với con trước lúc ra đi. Con rất mến ông ấy và những ngày sau đó khi ông ấy đến công ty thì con hay lẽo đẽo theo ông.

Một ngày đẹp trời, ông chủ nhỏ chút xíu của con lại gặp thêm một chú chó nhỏ khác đang đi lạc ở trước cổng công ty. Giữa lúc đang dùng bữa trưa, Ông ấy cũng quăng cho chú chó ấy một khúc xương như hồi trước ông đã quăng cho con. Thế rồi Ông chủ của con hỏi ông bận đồ rách có muốn nuôi một đứa giùm Ông không? Để Ông chủ của con có thời gian nuôi thằng kia.

Ông bận đồ rách “noái”:

– Cho ông hai ngày suy nghĩ.

Con thấy hai người trao đổi với nhau chi đó và hình như Ông bận đồ rách sợ vợ ông không đồng ý thì phải. Nhưng rồi, Ông bận đồ rách không đợi hai ngày, mà bỏ con lên xe rồi lái đi.

Con không biết Ông chở con đi mô, mà con chỉ biết ông lái đi lòng vòng hết địa điểm này qua địa điểm khác để “noái” chuyện chi với mấy người công nhân. Suốt một ngày lang thang với ông ngoài đường làm con say xe muốn chết.

Về đến nhà, Ông ấy dẫn con đi vòng ra cửa hậu, có lẽ Ổng sợ vợ Ông không đồng ý hay răng mà Ông lấy cái khăn tắm rất to che con lại rồi lẹt đẹt lặng lẹ lặng tai đem con đi thẳng vô nhà tắm. Xong ông đè con ra và đổ nguyên chai xà bông lên đầu con luôn. Sau khi được tắm xong, con cảm thấy toàn thân thoải mái vô cùng, như trút được gánh nặng ngàn cân.

Vậy từ đây, Ông bận đồ rách là chủ mới của con và con mong rằng sẽ được ở đây cho đến ngày rụng răng.
Vợ ông bận đồ rách thấy con lù lù xuất hiện bên cạnh ông, bà vợ cằn nhằn ổng và luôn miệng kêu “Đem trả…đem trả lại cho người ta … giùm với…”

Ông chủ thì im lặng không noái chi cả, mặt mày buồn thiu. Than ôi cái thân con! Nhưng ở lâu mới biết lòng người, một thời gian sau, bà vợ ông ấy còn thương con hơn cả ông chủ nữa. Bấy giờ con mới được xem là thành viên trong gia đình, từ đây con được hai vị cho gọi là Ba Mẹ nuôi.

Ba Mẹ nuôi con đem con đi hớt tóc, ráy tai rồi hẹn với Bác sỹ để khám bệnh và lấy thuốc cho con uống.

Mấy tuần ni, được Ba Mẹ cho ăn uống tẩm bổ và chăm sóc y tế kỹ lưỡng, còn được ở trong nhà có máy lạnh nên sức khỏe và tinh thần con đã khá hơn nhiều. Tuy chỉ có một điều còn làm Ba Mẹ con không vui là vì con hay làm bậy trong nhà. Khi ở với mấy người chủ trước, họ không dạy con chi hết. Nên con không biết mỗi khi đi “xả “thì xả ở mô cho đúng. Mỗi lần xả bậy xong thì bị Ba con dí lỗ mũi con vô chỗ đó rồi phạt ngồi dựa lưng vô tường.

Có hôm, cả Ba Mẹ con cùng vắng nhà từ trưa cho đến tối, chỉ có con và chị Daisy ở nhà lủi thủi với nhau. Lúc Ba Mẹ con về đến nhà thì chỉ có chị Daisy chạy ra mừng tíu tít. Còn con thì cụp đuôi lủi vô góc đứng khép nép một mình. Hành động ấy của con làm Ba con ổng sinh nghi: Chắc là con có làm lỗi chi đây mới có hành động lạ như rứa. Thế là ổng đi lòng vòng quanh mấy góc nhà tìm coi có “tác phẩm “nào của con để lại không? Sau khi ổng đã kiểm tra kỹ lưỡng rồi mà vẫn không thấy chi hết nên ông chạy đến ôm con vào lòng. Con nghĩ trong bụng mà không biết nói răng.

– Đó!… Ba thấy chưa, con đã tiến bộ rõ rệt rồi hí! Những gì Ba Mẹ dạy thì con luôn nhớ và ghi khắc trong lòng.

Những ngày kế tiếp được ở với Ba Mẹ cùng với chị Daisy, con cảm thấy quá hạnh phúc. Số phận của chị Daisy cũng giống như con. Được Ba Mẹ lượm về cưu mang chăm sóc.

Tình cờ hôm bữa con nghe Ba mẹ nuôi con ngồi uống cà phê cứt chồn ngoài vườn bên cạnh hồ bơi và noái chuyện với nhau về hai đứa chúng con…

– Hồi xưa, mình có cơ hội để nuôi những con chó đẹp đẽ lành lặn, dễ thương mà mình không chịu. Chừ lại đi rước mấy cái thứ của nợ đầu đường xó chợ ghẻ lở tùm lum lại nhiều bệnh tật về nuôi. Đúng là duyên nghiệp thiệt.

Ba con nói tiếp:

– Cứ cái đà ni thì chắc chắn nơi đây sẽ trở thành một trung tâm nuôi thú mồ côi cho mà “ coai”.
Mẹ con nói:

– Hình như có Trời sắp đặt hay răng ri hè! Hai đứa con mình đi học xa nhà thì có hai đứa ni lọt vô thế chỗ. Đúng là số Trời.

Từ ngày được về đây ở với gia đình Ba Mẹ, con chưa có cơ hội được gặp anh hai và chị ba nơi. Nghe nói khi mô có lễ lượt chi hai anh chị nớ mới về thăm nhà.

Quý vị biết không? Ba con là một người đàn ông bận rộn trăm công ngàn việc. Không biết ổng mần cái chi chi mà ngày mô ổng cũng ra khỏi nhà từ rất sớm cho đến chiều tối mới về đến nhà. Từ ngày về đây con chưa thấy ông nghĩ trọn một ngày nào để ở nhà mà giỡn chơi với chị em con. Ở nhà với Mẹ và chị Daisy suốt cả ngày có khi con nhớ ông muốn điên luôn. Nhưng suy cho cùng, nếu ông không cực khổ siêng năng làm lụng thì cả nhà lấy chi mà ăn, chỉ có nước dẫn nhau đi ăn mày cả đám.

Kính thưa quý vị!

Cũng như chị Daisy, con là một con vật biết sống và biết cách cư xử ở đời với mọi loài. Nên khi mang ơn ai là con luôn ghi khắc trong lòng. Vì con chứng kiến có nhiều kẻ đã được làm người rồi mà khi tho ơn ai họ vẫn “vô ơn” như thường, còn thua cả loài vật nữa. Con nguyện suốt cuộc đời này một lòng, một dạ thương yêu và trung thành với gia đình nhỏ của con.

Hôm nay, nhân kỷ niệm đúng một tháng kể từ ngày Ba Mẹ dang rộng đôi tay để cưu mang con mà con chẳng có món quà chi để tặng. Nên con phải ngồi nặn óc từ trưa tới chừ để viết bài này làm quà tặng Ba Mẹ và cũng để hầu quí vị đọc mà cười cho vui.

Con luôn cảm ơn Trời đất đã đưa đẩy cái thân nghèo hèn ni đến với gia đình tốt bụng này. Con luôn cầu mong cho Ba Mẹ con được dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Con cũng xin cầu mong cho anh hai và chị ba của con học hành đỗ đạt để thăng tiến trong cuộc sống. Con cũng không quên cảm ơn quí vị đã chịu khó dành chút thời gian vàng ngọc để đọc bài viết hết sức tào lao ni của con. Xin chúc quí vị một ngày làm việc tràn đầy năng lượng, thành công và hạnh phúc mãi mãi. Con xin gác bút nơi đây nha quý vị! Kính chào tạm biệt quý vị nhé!!!

Lucy phạm – Quanganh Pham

Phố núi Ventana Hills Clovis California March 7/ 2024.

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button