Tám lần dời phủ của các Chúa Nguyễn
Đàng Trong – vùng lãnh thổ nước Việt do các chúa Nguyễn kiểm soát – được đánh dấu từ sông Gianh tỉnh Quảng Bình trở vào nam. Trong hơn 200 năm kể từ khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 đến khi chúa Nguyễn Phúc Thuần phải rời khỏi Phú Xuân năm 1775, thủ phủ của các chúa Nguyễn đã có tám lần thay đổi vị trí [1-2]:
1. Ái Tử (1558 – 1570)
2. Trà Bát (1570 – 1600)
3. Dinh Cát (1600 – 1626)
4. Phước Yên (1626 – 1636)
5. Kim Long (1636 – 1687)
6. Phú Xuân lần 1 (1687 – 1712)
7. Bác Vọng (1712 – 1738)
8. Phú Xuân lần 2 (1738 – 1775)
Có thể thấy rằng mỗi lần dời phủ đều có những ý nghĩa khác nhau.
1. ÁI TỬ (1558 – 1570)
Như đã nói ở phần trước, sau khi được chính quyền vua Lê – chúa Trịnh cho phép, Nguyễn Hoàng đã cùng gia đình, binh lính và nhiều đồng hương làng Tống Sơn, Thanh Hóa vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558. Vì đi bằng đường biển nên khi đặt chân tới địa phận tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Hoàng đã cho quân lính tiến vào vùng đất liền Cửa Việt và đóng quân ở làng Ái Tử. Lúc đó Ái Tử là một trong 59 làng thuộc phủ Triệu Phong [2], nay là thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Có thể nói Ái Tử đúng hơn là một doanh trại đóng quân đầu tiên hơn là một dinh phủ mà Nguyễn Hoàng dừng chân để dò dẫm địa thế trong khi xem xét tình hình tương đối phức tạp của chính quyền họ Mạc ở phía Nam. Ái Tử nằm về hướng Tây, đoạn khúc uốn hình bán nguyệt của sông Thạch Hãn. Từ đây đi theo hướng tây bắc rồi đông bắc dọc con sông này khoảng 20 km thì sẽ ra tới bờ biển (theo bản đồ Google). Đây là một vị trí chiến lược để quan quân Nguyễn Hoàng có thể dùng làm tuyến phòng thủ cho cả ba mặt bắc, đông, và nam (phía tây đã có một chi của sông Thạch Hãn ngăn cản) cho những ngày đầu đưa quân vào xứ Đàng Trong.
Tuy Ái Tử ngày nay không còn giữ được nhiều di tích của một thời từng là doanh trại của chúa Nguyễn Hoàng, ở đây vẫn còn Cồn Súng (hoặc Mô Súng) nằm tại ngã ba sông Ái Tử – Thạch Hãn [2]. Đây là địa điểm quan lính của Nguyễn Hoàng quan sát tàu bè đi lại trên sông, trên biển để đề phòng sự xâm nhập của quân địch. Ngoài ra, ở đây hiện còn chùa Sắc Tứ được cho là xây dựng dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, nằm cách cầu Thạch Hãn 2,5 km về hướng tây bắc và Quốc lộ 1A 400 m về phía tây [2].
2. TRÀ BÁT (1570 – 1600)
Bên cạnh chú trọng việc khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế ở xứ Đàng Trong, Nguyễn Hoàng còn giữ quan hệ và hoàn thành tốt nghĩa vụ với vua Lê ngoài Bắc. Năm 1570, vua Lê lại giao thêm xứ Quảng Nam cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm. Từ đây, Nguyễn Hoàng được đeo ấn Tổng trấn, cai quản đất đai hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, và quyền lực có vẻ như đã tăng gấp đôi [2].
Để đánh dấu sự kiện thăng quan tiến chức này, cũng vào năm 1570, Nguyễn Hoàng đã cho dời dinh từ làng Ái Tử về làng Trà Bát. Ngôi làng này nằm cách Ái Tử khoảng 1 km về phía hạ lưu sông Thạch Hãn, nay thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị [2]. Ngày nay, các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Hậu Kiên, Trung Kiên và Tiền Kiên, là tên của các đơn vị quan quân Nguyễn Hoàng từng đóng quân ở đây [2]. Năm 1593, Nguyễn Hoàng lập công lớn khi đem quân ra Bắc giúp vua Lê đánh tan dư đảng nhà Mạc và được phong làm Trung quân đô đốc thủ phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công năm 1593 [3].
3. DINH CÁT (1600 – 1626)
Cho đến nay, các sử gia và học giả vẫn còn đang tranh luận về nguyên nhân dẫn đến việc chúa Nguyễn Hoàng cho dời dinh từ Trà Bát về Dinh Cát năm 1600. Nhưng có giả thuyết cho rằng việc dời dinh từ Trà Bát về Dinh Cát của chúa Nguyễn Hoàng có một ý nghĩa lịch sử sau khi ông thoát được sự kìm kẹp của chúa Trịnh từ Đàng Trong [2]. Như đã nói ở trên, năm 1593 Nguyễn Hoàng được vua Lê phong thái úy Đoan quốc công do công lao dẹp tan dư đảng họ Mạc. Nhưng cũng kể từ đây, Nguyễn Hoàng lại bị Trịnh Tùng – con Trịnh Kiểm và là người nắm quyền ở Đàng Ngoài bấy giờ – tỏ ra ghen ghét. Biết được Trịnh Tùng toan tính giữ mình ở lại Đàng Trong để dễ bề kiềm chế, Nguyễn Hoàng lập mưu xui các tướng thủy quân làm phản rồi tự mình xin đem quân đi đánh; trên đường ông tiến thẳng vào Thuận Hóa. Sau sự kiện đó, Nguyễn Hoàng cho dời dinh từ Trà Bát tới Dinh Cát để cho thấy có sự thay đồi về thái độ của xứ Đàng Trong đối với chính quyền Đàng Ngoài. Hai năm sau đó, Nguyễn Hoàng cử con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào giữ chức Trấn thủ Quảng Nam – đồng nghĩa với việc Nguyễn Hoàng tự nâng mình lên một bậc [2].
Vì đa số các dinh trại xây dựng thời đầu chúa Nguyễn đều đã trở thành phế tích, vị trí chính xác của Dinh Cát vẫn là chủ đề còn đang tranh cãi. Nhưng có lẽ Dinh Cát nằm ở bờ nam sông Thạch Hãn, gần thành cổ Quảng Trị [2]. Ở đây, người dân địa phương vẫn còn sử dụng một số tên liên quan đến các sở lỵ dưới thời Nguyễn Hoàng như Ba Gò, Cồn Kho, Cồn Dinh, Tàu Tượng, Mô Súng, Bãi Trận, v.v. [2].
4. PHƯỚC YÊN (1626 – 1636)
Chúa Nguyễn Hoàng mất năm 1613 sau 55 năm cầm quyền, thọ 89 tuổi. Ông truyền ngôi lại cho con là Nguyễn Phúc Nguyên, lúc đó đã 51 tuổi. Theo lời dặn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã củng cố thế lực của mình và có thái độ chống đối họ Trịnh ngày càng ra mặt. Để làm tăng sự an toàn cho một trung tâm hành chính của xứ Đàng Trong, năm 1626 Nguyễn Phúc Nguyên đã cho dời dinh khoảng 40 km về hướng nam từ làng Dinh Cát – được cho là khá gần nơi biên địa giữa hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài – vào làng Phước Yên, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bắt đầu từ đây, chúa Nguyễn cho gọi nơi mình ở là phủ – đối chọi lại với phủ chúa Trịnh ngoài Bắc [2].
Phước Yên được chúa Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm thủ phủ do có nhiều yếu tố thuận tiện như mặt bằng tương đối rộng và phẳng, phía bắc có sông Bồ và hói bao quanh phòng ngự – tiện cho thuyền bè và thủy quân di chuyển, lại có đường thiên lý bắc nam. Đây là những yếu tố khá tốt để làm nơi đặt bộ máy quản lý cho xứ Đàng Trong. Sau đó một năm (1627), mưu sĩ Đào Duy Từ ở Bình Định ra yết kiến chúa Nguyễn Phúc Nguyên và đã hiến kế xây dựng hệ thống phòng ngự phía bắc cũng như việc phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội xứ Đàng Trong [4]. Sau đó năm 1631, hai danh tướng là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến từ Thanh Hóa đã về đầu quân với chúa Nguyễn Phúc Nguyên tại Phước Yên. Cùng với Đào Duy Từ, họ đã giúp cơ nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Nguyên ngày càng được mở rộng về phương Nam.
Mặc dù được trao cho vai trò thủ phủ xứ Đàng Trong 10 năm, Phước Yên ngày nay chẳng còn nhiều dấu vết cung điện với quy mô kiến trúc mà chỉ có ngôi miếu thờ Nguyễn Hữu Dật và một vài địa danh được dân làng dùng như Ụ Voi, Cồn Kho, Mô Súng, Dinh Ông [3].
5. KIM LONG (1636 – 1687)
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635; thái tử Nguyễn Phúc Lan lên kế vị. Sau khi lên ngôi, xét thấy Phước Yên đất đai hơi chật hẹp, khó là nơi định đô lâu dài của một trung tâm hành chính xứ Đàng Trong đang ngày càng phát triển, Nguyễn Phúc Lan đã cho người vào Kim Long xây dựng cung thất và thành quách. Đến năm sau (1636), ông cho dời phủ từ Phước Yên vào Kim Long.
Xét về mặt địa lý, so với Phước Yên mảnh đất “Rồng Vàng” này (dịch từ chữ Kim Long) chẳng những rộng rãi, bằng phẳng hơn mà còn nằm cạnh bờ sông Hương thơ mộng. Kim Long được thành lập vào khoảng năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông đi đánh dẹp ở phía nam [5]; và trước đó 35 năm (1601), chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ – một danh lam thắng cảnh của xứ Đàng Trong – gần địa phận Kim Long [2]. Với vị trí chiến lược bốn mặt giáp sông (sông Hương ở trước, bên trái là sông Kim Long, bên phải và sau là sông Bạch Yến), cùng với cảng Thanh Hà (Bao Vinh bây giờ) tấp nập thuyền bè lui tới, lại cách cửa biển Thuận An chỉ khoảng 18 km, Kim Long trong giai đoạn lịch sử này là chốn đô hội sầm uất với tàu thuyền của vương phủ và thuyền buôn trong nước và nước ngoài thường xuyên lui tới, như câu ca dao vẫn còn truyền miệng, “Kim Long dãy dọc tòa ngang; em chèo một chiếc thuyền nan về Sình.”
Dù đã từng là chốn đô hội trù phú với các cung điện, nhà cửa, đường xá, bến tàu [2], những dãy dọc tòa ngang của Kim Long ngày xưa bây giờ đều trở thành phế tích và chỉ còn lại một số địa danh xưa như xóm Thượng Dinh, xóm Trung Dinh, xóm Hạ Dinh, Cồn Kho, Mô Súng, v.v. [2]. Tuy nhiên, khi dinh phủ được chuyển về Phú Xuân năm 1687, Kim Long lại được các ông hoàng, bà chúa và các vị quan đầu triều chọn là nơi để xây vương phủ, phủ đệ và những ngôi nhà vườn nổi tiếng của xứ Huế cho đến ngày nay.
6. PHÚ XUÂN lần 1 (1687 – 1712)
Kim Long được chọn làm thủ phủ dưới đời hai chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) và Nguyễn Phúc Thuần (1648-1687). Khi chúa Nguyễn Phúc Thái (cũng còn có tên là Nguyễn Phúc Trăn) lên kế vị năm 1687, ông cho dời phủ về làng Phú Xuân thuộc huyện Kim Trà (nay là Hương Trà), bây giờ thuộc thành phố Huế.
Làng Phú Xuân nằm ở bờ bắc sông hương, cách Kim Long khoảng 3 km về hướng tây nam. Đây được cho là sở hữu một địa lý tự nhiên khá tốt cho phong thủy theo quan niệm dịch lý của người xưa như có núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường thủy tụ, Cồn Hến làm tả thanh long, Cồn Giã Viên làm hữu bạch hổ (trong thế rồng chầu hổ phục với ý tôn trọng vương quyền). Lúc đầu, phủ Phú Xuân có lẽ đặt ở vị trí gần khu vực Đại Nội bây giờ [2]. Tiếc thay, chúa Nguyễn Phúc Thái chỉ tại vị 4 năm thì mất (1691). Con ông là Nguyễn Phúc Chu lên kế vị (1691-1725).
7. BÁC VỌNG (1712 – 1738)
Cùng với Phước Yên, Bác Vọng là một địa điểm thứ hai ở Quảng Điền được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ. Bác Vọng thuộc 154 ngôi làng cổ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong thời bấy giờ [1], nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Bác Vọng cũng nằm bên bờ bắc sông Bồ như làng Phước Yên nhưng cách chừng 4 km về phía tây và cách thành phố Huế khoảng 17 km về hướng tây bắc [2].
Nói về nguyên nhân chúa Nguyễn Phúc Chu cho dời phủ về Bác Vọng, hiện các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa có câu trả lời chính xác; nhưng có ba giả thuyết có tính thuyết phục là:
1) Bác Vọng có địa hình thuận tiện cho đường thủy do nằm cạnh sông Bồ [1];
2) Phủ Phú Xuân thường hay bị ngập lụt [2];
3) Chúa Nguyễn Phúc Chu được một thầy địa lý cho biết dời phủ về Bác Vọng sẽ tốt hơn [2].
Dù sao đi nữa thì khi dời phủ về Bác Vọng, các chúa Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Chú vẫn tiếp tục sự nghiệp nam tiến như các đời chúa trước đã hoạch định. Ở đây hiện giờ không còn lại di tích gì thuộc thời các chúa Nguyễn, nhưng người dân địa phương vẫn còn sử dụng tên các địa danh liên quan như Ao Phủ, Mô Súng, Ba Trại, Tàu Tượng, Miễu Bến Đồn [2].
8. PHÚ XUÂN lần 2 (1738 – 1775)
Bác Vọng là thủ phủ của xứ Đàng Trong suốt 26 năm dưới hai đời chúa là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và Nguyễn Phúc Chú (hay Thụ, 1725-1738). Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên nối nghiệp năm 1738, ông cho dời phủ về lại Phú Xuân (bên tả của phủ cũ, tức khu vực Cơ Mật Viện dưới thời các vua Nguyễn và chuyển thành Tam Tòa dưới thời thuộc Pháp) và qua năm 1739 thì phủ chính hoàn thành [2].
Như đã nói ở trên, xét về phong thủy thời xưa Phú Xuân có tiền án là núi Ngự Bình, sông Hương làm minh đường thủy tụ, Cồn Hến làm tả thanh long, Cồn Giã Viên làm hữu bạch hổ, tạo thế rồng chầu hổ phục, mang lại sinh khí cho kinh thành. Quan niệm kinh dịch cũng cho rằng, “Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ,” tức người làm vua thì ngồi xoay về hướng nam để cai trị thiên hạ. Tuy kinh thành Phú Xuân xoay mặt hơi chếch về hướng đông – nam nhưng vẫn giữ được tư tưởng chính của thuyết phong thủy. Lại nữa, kinh thành Phú Xuân nằm giữa bốn cửa biển lớn là cửa Tư Dung (nay là của Tư Hiền), cửa Cảnh Dương, cửa Ải Vân, và cửa Thuận An; nên có một vị trí chiến lược hết sức đặc biệt.
Để kết luận, tám lần dời phủ của các chúa Nguyễn có thể được chia ra thành ba cấp độ khác nhau [2]:
1) Nơi các chúa đóng là các dinh (Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát)
2) Nơi các chúa đóng là các phủ (Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân lần 1, Bác Vọng)
3) Nơi các chúa đóng là đô thành (Phú Xuân lần 2)
Xét về phương diện quy mô và giá trị kiến trúc ở mỗi nơi mà các chúa Nguyễn chọn làm dinh phủ, ta thấy có sự thay đổi và trưởng thành theo đà phát triển của triều Nguyễn ở từng giai đoạn; đặc biệt là sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, ngoại thương, cũng như sự mở rộng lãnh thổ về phương nam của xứ Đàng Trong.
– – – – –
Tài liệu tham khảo
[1] Đài phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Bác Vọng – 26 Năm Thủ Phủ Xứ Đàng Trong. https://youtube.com/watch?v=Sy7kVm5s8vo. Tải xuống ngày 6 tháng 1 năm 2024. [2] P. T. An, Kinh Thành Huế, tái bản. TP HCM: NXB Hội Nhà Văn, 2017. [3] Q. Cư và Đ. Đ. Hùng, Các triều đại Việt Nam, xuất bản lần thứ sáu. Hà Nội: NXB Thanh Niên, 2001. [4] Đài phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Phước Yên – 10 Năm Thủ Phủ Xứ Đàng Trong. https://youtube.com/watch?v=Ky32wszYO7U&t=176s. Tải xuống ngày 20 tháng 4 năm 2024. [5] Đài phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, Sông Hương – tập 11: Kim Long. https://youtube.com/watch?v=beuJQU_lUgg&t=250s. Tải xuống ngày 21 tháng 4 năm 2024.