Đệ ngũ cảnh – Ngự Viên đắc nguyệt (第五景-御園得月)
Lời thơ rằng:
“Trang túc cung viên dạ lậu bình,
Thu trì kim kính cộng trừng thanh.
Lâu đài đảo ảnh ngân hà phái,
Hoa thụ thành âm bạch ngọc kinh.
Chúc ẩn cơ vi kham tỉ nghĩ,
Cao thê du ngoạn phí tinh oanh (oánh).
Vạn gia doanh thủ vô tư chiếu,
Thiên lý đồng tâm hữu lại minh”.
Dịch nghĩa
“Cung cấm trang nghiêm trong đêm đã khuya,
Ao thu cùng với ánh trăng sáng trong một màu.
Những lâu đài soi mình bên dòng nước trong như dải Ngân Hà,
Những cây hoa rợp bóng tắm mình giữa vùng sáng như bạch ngọc.
(Vì mãi) xét xem những khốn khổ của dân nên nào được thưởng thức ánh trăng,
(Cho nên) du ngoạn trên lầu cao để khỏi phí ánh trăng soi sáng.
Anh trăng vô tư chiếu khắp mọi nhà,
Trong vùng vạn dặm đều cùng được ánh trăng sáng tỏ”.
Mời quý vị @everyone cùng Nhịp Cầu Huế tìm hiểu thông tin về NGỰ VIÊN nhé.
Ngự viên được xây vào đầu thời vua Minh Mạng (1820). Tuy nhiên, từ thời vua Thành Thái (1889 – 1907) trở về sau, kiến trúc của Ngự viên đã có nhiều thay đổi, phần lớn công trình bị triệt giải, cảnh quan không được chú trọng.
Ngự Viên được vua Thiệu Trị xếp làm thắng ảnh thứ năm của vùng đất Cố đô và đã được ca ngợi trong bài thơ Ngự Viên đắc nguyệt trong chùm thơ “Thần kinh nhị thập cảnh”.Vào năm 1932, dưới thời vua Bảo Đại, tòa nhà Ngự Tiền Văn Phòng hai tầng được xây dựng tại nơi đây, và trở thành cơ quan thay cho Nội Các của thời vua Minh Mạng.
Ngự Viên là khu vườn nằm ở phía bắc vườn Thiệu Phương, tức là ở góc đông bắc của Tử Cấm Thành. Các công trình kiến trúc trong vườn cơ bản đều được xây dựng từ năm 1821. Trong vườn có hồ Ngọc Dịch và một con lạch nhỏ gọi là Tiểu Ngự hà, dẫn nước từ tây qua đông, nhận nước của hồ Phúc Hoằng ở phía bắc, đến nhập lại, rồi phân ra làm hai nhánh: một nhánh chạy tới hồ Ngọc Dịch, một nhánh chạy đến cống nước ở của Đông An. Gần hồ Phúc Hoằng có điện Thiên Thần. Giữa hồ có đắp một hòn núi gọi là núi Tú Nhuận, trên núi có đỉnh Vọng Hà. Các công trình này đều được xây dựng năm 1821. Đến năm 1891, triều Thành Thái, đình Vọng Hà bị triệt giải. Phía bắc Tiểu Ngự hà có Trí Nhân đường, cũng làm năm 1821. Về sau, vua Thành Thái làm lại và đổi tên thành Thái Bình Ngự Lãm thư lâu. Cạnh đó có lầu Thuý Quang (tầng trên thờ trời, tầng dưới thờ các vì sao), chùa Hoằng Ân (thờ Phật) và miếu uy linh Tướng Hựu (thờ Quan Công). Các công trình trên đều được xây dựng dưới thời Thiệu Trị, đến triều Thành Thái thì triệt giải hoàn toàn. Ngoài ra trong vườn còn có nhiều hòn giả sơn và cầu nhỏ bắc qua Tiểu Ngự hà.
Do nằm ngay trong Tử Cấm Thành nên Ngự Viên là khu vườn mà các vua Nguyễn thường xuyên dạo chơi, thưởng cảnh làm thơ. Tuy nhiên Ngự Viên chỉ rực rỡ vàng son dưới thời các ông vua Nguyễn đầu triều. Từ thời Thành Thái trở đi, nhiều công trình kiến trúc của vườn đã bị triệt giải, quy mô của vườn cũng đã thay đổi nhiều. Sang thời Bảo Đại, khoảnh đất phía bắc Ngự Viên đã được sử dụng để xây toà nhà lầu Ngự Tiền Văn Phòng (khoảng năm 1932). Đến nay, dấu vết của Ngự Viên xưa có chăng chỉ là hồ Ngọc Dịch, Tiểu Ngự hà và một số hòn giả sơn…
Một nhà nghiên cứu Huế đã đề thơ họa theo bài thơ “Đệ ngũ cảnh – Ngự Viên đắc nguyệt” như sau:
“Thâm nghiêm cung cấm giữa canh khuya,
Trong vắt ao thu trăng nước hoà.
Liền dãi lâu đài in lóng lánh,
Sáng ngời hoa thụ rực nguy nga.
Thưởng nguyệt suy tư dân khốn khó,
Lên lầu ngẫm ngợi cảnh bao la.
Vô tư trăng toả đi muôn chốn,
Bốn bể soi cùng vạn dặm xa.”
Xin mọi người ở Huế hỗ trợ chia sẻ thêm, cập nhật thông tin về NGỰ VIÊN để độc giả #nhipcauhue có cơ hội học hỏi thêm nhé!
– La Hạnh Thảo –