Truyện ngắn

Tình tôi dạo ấy (Phần 1)

Phần đầu

Năm đó tôi sửa soạn bước vào lớp cuối cùng. Trong suốt những năm ở bậc trung học, thường thì Ba tôi cho tôi đi học hè. Ngoài những giờ học kèm toán lý hoá ra, tôi dành thời gian còn lại để tha hồ rong chơi cùng bạn bè hay dán đôi mắt vào những cuốn sách không phải là sách giáo khoa, đó là những trang tiểu thuyết. Tiểu thuyết có đủ loại để đọc như tình cảm xã hội, giả tưởng, trinh thám… Loại nào cũng hấp dẫn cả. Riêng tôi lại mê tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng lãng mạn hơn hết, mặc dù đôi khi cũng thích và tìm đọc những loại trinh thám hay kiếm hiệp như: Kẻ lạ trên tàu, Diễm Tu, lạc trôi, Chim cổ đỏ, Hồ sơ bí ẩn hay Sự im lặng của bầy cừu….

Vì mê tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng lãng mạn mà tôi đã làm quen với những nhân vật liêu nhân trong pho tự điển của các nhà văn lớn nổi tiếng khắp năm Châu. Càng đọc càng say mê và dĩ nhiên tôi không thể ngang nhiên mở nó ra để đọc bất cứ khi nào mà phải đọc lén. Làm bậc Cha Mẹ ai cũng muốn con mình theo đuổi việc học để sau này được ấm tấm thân, kiếm chút tương lai, sau nữa để các bậc sinh thành được hãnh diện với đời.

Nên người không thể chấp nhận con cái cầm bất cứ một cuốn sách nào khác ngoài sách giáo khoa. Ngày ấy tôi làm sao hiểu hết những cần thiết mà các bậc sinh thành đang mong đợi. Càng đọc lén thì những câu chuyện càng trở nên ly kỳ và hấp dẫn hơn. Hơn nữa những nhân vật trong truyện cũng giúp cho những đứa con trai mới lớn như tôi mơ ước được nhiều thứ, cho dù đó chỉ là không tưởng.

Ba tôi thuê dài hạn căn nhà nhỏ của một gia đình ở xóm đạo thuộc vùng giáo phận Gia Túc. (Phần lớn người dân nơi đây là những người di cư từ miền Bắc vào thập niên 50). Đồng Nai là vùng đất đỏ trù phú có nhiều đồn điền cao su, tiêu và cà phê bạt ngàn. Đây cũng là điểm dừng chân như quê hương thứ hai của Ba và tôi. Vì hoàn cảnh gia đình mà chúng tôi phải rời khỏi thành phố Huế đi tìm cuộc sống mới. Căn nhà nhỏ khá xinh xắn, Khang trang tọa lạc trên ngọn đồi thơ mộng và đây cũng là nơi Ba tôi dùng để làm việc hằng ngày. Ba tôi dành riêng cho tôi một góc nhỏ cho việc đèn sách và bàn học của tôi được kê sát nơi cửa sổ, Khi nhìn ra bên ngoài có một dãy hàng rào hoa dâm bụt cách nhà bên cạnh một khoảng đất. Những căn nhà xung quanh cũng xây theo một kiểu như nhau. Bên ngoài mỗi căn nhà đều có hàng hiên nối dài từ trước ra vườn sau. Cả hàng hiên được phủ mát bởi những tàn cây rậm rạp. Thời gian lý tưởng nhất trong ngày là lúc không gian đứng im lìm mệt mỏi. Thời khắc trôi chầm chậm uể oải của một buổi trưa hè oi ả, có cơn gió mát thổi hiu hiu, đâu đó có tiếng chim hót hòa điệu cùng tiếng ve sầu kêu râm ran trên tàn cây. Đó là những lúc tôi ngồi dựa lưng vào vách gỗ say mê hàng giờ với những nhân vật không tưởng được nhào nặn tài tình dưới những ngòi bút nổi tiếng từ Âu sang Á.
Có một buổi trưa cũng như bao buổi trưa hè khác, tôi chọn một cây to nhất trong vườn với những nhánh lá đan vào nhau như chiếc võng và lén leo lên nằm vắt vẻo trên đó, không quên mang theo cuốn tiểu thuyết tình cảm của nhà văn Luis Seplveda. Tôi nghiền ngẫm và say mê đến nỗi có tiếng gọi của ai đó mà không hề hay biết.

Rồi tiếng gọi vẫn tiếp tục rót vào tai thật trong trẻo giữa buổi trưa hè oi ả làm tôi tỉnh hẳn khỏi “cơn ghiền” nên vội vã gập cuốn sách lại.

– Em chăm học quá ha? Hè rồi mà vẫn còn học hả em?

Tiếng nói phát ra từ phía bên kia hàng rào. Tôi quay đầu nhìn xuống và nhận ra một thiếu nữ đang chống hờ đôi tay vào một cành cây, mái tóc thật dài buông thả khỏi bờ vai nhìn tôi cười duyên dáng. Tôi nghe loáng thoáng giọng nói trầm bổng thoát ra từ đôi môi xinh xinh. Mặt tôi đỏ bừng, hai tai nóng ran, cười e thẹn.

– Không… dạ không… em… ì…à … em đang đọc t…r…uyện.

Người thiếu nữ vẫn hồn nhiên.

– Truyện gì vậy hở em? Cho chị xem được không?

Tôi vội vàng nhảy xuống đất và giấu cuốn sách dưới lớp áo trước bụng.

Ồ! Truyện này chị không thích đâu.

Người thiếu nữ bước dọc hàng rào như đang tìm kiếm lối rẽ xuyên qua vườn, rồi chị đi đến bên tôi, Khuôn mặt chị hiện rõ hơn trong tầm mắt và tôi chợt nhận ra người thiếu nữ có một khuôn mặt thật khả ái, dịu hiền và phúc hậu.

Thật ra từ hồi còn ở Huế tôi đã đọc không biết bao nhiêu là pho sách và nghe nhiều tác giả tả các nhân vật trong truyện như thế nào rồi, đặt biệt các nhân vật nữ. Nào là khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu. Cứ nhắm mắt lại thì thấy một mẫu người lý tưởng mà tôi đã ươm biết bao mơ ước. Tuổi mới lớn chỉ dám mơ mộng thôi chứ chưa hề nghĩ gì xa hơn. Vậy mà giờ đây được đối diện với một người con gái đẹp như trong mơ đang tiến lại gần rồi hỏi han thì làm sao tôi không cuống lên cho được. Tim tôi đập loạn xạ và gần như rớt hẳn ra ngoài, miệng lắp bắp như đứa trẻ lên ba, may mà có nhánh lá thấp lè tè ngay trước mặt nên tay chân cũng bớt thừa thải, ngượng ngùng hơn. Cử chỉ thân thiện và giọng nói dịu dàng của chị cũng giúp tôi lấy lại bình tĩnh sau một thoáng bối rối.

– Thì cứ đưa chị xem thử chơ có chi đâu nào…

Tôi đành miễn cưỡng đưa cuốn sách cho chị.

– Nè chị! Truyện “Trái tim dại khờ”của nhà văn Luis Supulveda đó. Chị đừng cười em nha!

Trên khuôn mặt chị hiện ra một nụ cười thật tươi tỏ ý thông cảm.

À! Chị quên chưa giới thiệu tên chị với em, chị là Nhung. Còn em?

-Em hả? Dạ em… Hân. Nhưng ở nhà Ba Mẹ em gọi là Rọm… cu Rọm. Chị ở đây lâu rồi hả chị?

Một nụ cười duyên hé nửa hàm răng trắng muốt như ngọc làm lòng tôi tê tái.

– Tướng em cao tồng ngồng ốm nhom ốm nhách vậy hèn chi Ba Mẹ em đặt là Rọm phải rồi.

-Dạ hì hì… Nhưng chị chưa trả lời câu hỏi của em.

– Ừ! Chị sinh ra và lớn lên ở đây. Trong xóm này gia đình Ông Bà, Bố Mẹ chị là người đến lập nghiệp trước tiên.

– Dạ

– Lúc nãy chị hỏi làm em giật mình suýt chút nữa thì lộn cổ từ trên kia xuống lọi giò rồi.

Chị nghiêng đầu mở tròn đôi mắt rồi nói lời xin lỗi.

– À…Lén ra đây đọc truyện nè… phải không?

Tôi đưa ngón trỏ lên môi làm hiệu để chị đừng la lớn mà Ba tôi nghe.

– Dạ chị…

Chị nghiêng đầu lần nữa và hất hất mái tóc dài ra phía sau.

Tôi chợt để ý kỹ hơn suối tóc dài óng ả chảy quá nửa lưng. Phải gọi là suối tóc mới đúng vì một màu đen huyền thuần chất mượt mà và mềm mại như dòng nước uốn lượn chảy qua khe. Mái tóc sóng sánh mỗi khi chị hất hất đầu sang bên. Buổi trưa hè có cơn gió nhẹ thổi bay bay mái tóc làm khung cảnh trở nên thơ mộng.

Thuở trước tôi chưa biết định nghĩa thế nào là đẹp. Tất cả những lối tả ví von của các Ông Bà nhà văn cũng không thể giúp tôi hình dung được. Nhưng khi được đối diện với khuôn mặt thật gần của chị, tôi đã mường tượng ra đây phải là một khuôn mẫu để diễn tả nhan sắc của một người con gái. Tôi cũng không hiểu rõ khuôn mặt trái xoan như thế nào vì cả đời chẳng bao giờ được nhìn thấy trái xoan nó như thế nào, cũng không biết mũi dọc dừa có hình dạng ra làm sao vì tôi thấy mấy bẹ dừa ở nhà Ngoại tôi ngày xưa chúng nó dẹp lép, lại càng không biết thế nào là đôi mắt bồ câu vì tôi thấy mấy con bồ câu ở nhà thằng bạn thân của tôi nuôi chúng nó cứ lờ đờ như trận dịch cúm gà vừa qua. Vậy mà buổi trưa hôm đó tôi thấy khuôn mặt của chị có đủ tất cả những nét tuyệt hảo mà trí óc khờ dại của tôi có thể nhận ra. Cả người chị toát ra một sức hút kỳ lạ, từ giọng nói đến dáng dấp đi đứng làm tôi cứ ngỡ mình như một chàng thư sinh trong truyện “Liêu trai chí dị” của nhà văn Bồ Tùng Linh. Đúng là đọc tiểu thuyết quá nhiều nên bị lậm. Không biết những ánh nắng nhảy múa lung linh trên khuôn mặt của chị có làm tăng thêm vẻ quyến rũ hay không? Nhưng Khi đứng trước dáng người thanh tú bởi một vẻ đẹp dịu dàng tự nhiên không chút son phấn của chị đã vô tình làm mềm lòng đứa con trai mới lớn như tôi. Đứa con trai vừa bước vào tuổi mộng mơ, mơ mộng một người con gái có khuôn mặt khả ái, trái tim khờ dại biết rung cảm trước một sắc đẹp trời cho và thấy lòng bồi hồi xúc động khi trò chuyện cùng một người khác phái.

– Vậy chị ở với Bố Mẹ và các anh em của chị?

– Đúng rồi em. Chị ở với Bố Mẹ và người em trai của chị, chắc cũng trạc cỡ tuổi em. Còn chồng chị thì đang làm ăn tận Sài Gòn cứ vài ba tuần mới về thăm chị một lần.

– À! Chị quên chưa giới thiệu với em, anh Sinh chồng chị cũng mê đọc truyện giống em vậy. Bữa nào anh Sinh về chị sẽ giới thiệu anh với em để làm quen. Anh ấy có nguyên cả một tủ sách đủ loại, em hỏi anh mà lấy đọc cho vui.

– Sao chị không dọn về Sài Gòn ở với chồng cho tiện vậy chị? Xa nhau vậy nhớ chết.

Chị cười vui vẻ.

– Chị phải ở đây để chăm sóc Bố Mẹ già, với lại rẫy vườn của gia đình vẫn còn đó, ngoài chị ra không có ai đủ khả năng cai quản em à!

– Mà Em nói hay quá. Em biết gì mà nhung với nhớ. Coi bộ em lậm tiểu thuyết lắm rồi đó nha!!!

Thấy mặt tôi đỏ lên vì ngượng. Chị đưa tay xoa xoa tóc tôi.

– Chị nói đùa cho vui. Từ nãy giờ chị cứ chọc cưng hoài, cưng có giận chị không?

– Dạ có gì đâu chị. Đứng nói chuyện với chị là cả niềm vinh hạnh lớn đối với một đứa con trai 17 tuổi như em, thì làm sao em lại giận chị.

– Chà! Em khéo nói quá ha!

Đó là lần đầu tiên tôi quen biết chị Nhung và dần dà tôi được biết thêm nhiều chi tiết về gia đình và cuộc hôn nhân của chị. Những ngày kế tiếp tôi không dám ra hàng hiên để đọc truyện vì ngại chị bắt gặp. Tôi muốn chị nghĩ rằng tôi là đứa con trai chăm học mà chỉ năm thì mười họa mới đọc vớ vẩn vài ba cuốn tiểu thuyết thế thôi. Nhưng khổ một nỗi tôi chẳng còn nơi nào lý tưởng để đọc lén cả. Chui lên nhà thằng bạn trời đánh đề đọc cũng không xong. Vì Cha Mẹ nó cũng có cùng một mơ ước về đường con cái như Cha Mẹ tôi. Không còn kiếm được chỗ nào khác, tôi đành quay trở lại hàng hiên thả hồn theo những trang sách. Nghỉ hè ngày tháng dài đằng đẵng tôi chẳng biết làm chi ngoài giờ học thêm, nên tha hồ đọc truyện và lang thang ngoài vườn để mong chờ cơ hội được nói chuyện với chị Nhung.

Một buổi chiều chị vội vã chạy qua tìm tôi và báo tin ngày mai chồng chị về thăm nhà, trong khi tôi đang chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết “Người Tình” của nhà văn Marguerite Duras.

– Tối mai qua nhà chị chơi nghe em!

Tôi gập cuốn sách lại vừa gật đầu mà trong lòng vẫn muốn từ chối. Từ chối là có điều gì đó vương vấn trong tâm tư. Trong suốt thời gian qua mỗi lần gặp chị, chị đều say sưa kể chuyện về anh Sinh. Chuyện quen nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Đã có lúc giận nhau vì những tật xấu nho nhỏ của cả hai người mà theo lời chị bây giờ chị đã quá quen, vắng là thấy nhớ sao ấy. Chị sôi nổi kể chuyện, chị miên man và đắm chìm vào một thế giới riêng tư mà trong đó chỉ có đôi vợ chồng trẻ đang ngụp lặn trong tình yêu nồng nàn, say đắm. Có lúc chị say sưa kể chuyện không khác chi một nhà văn vừa hoàn thành một tác phẩm ngôn tình và chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Không biết ở người đàn ông ấy có gì khác biệt so với bao người đàn ông khác để chị yêu thương nồng thắm đến thế. Thiết nghĩ Anh ấy quá may mắn vì được chị yêu thương bằng tất cả con tim. Có lẽ người đàn ông ấy đã tu nhiều kiếp trước khi được người đàn bà tài sắc vẹn toàn này yêu thương say đắm.

Trong trí óc còn non nớt và khờ dại của tôi tình yêu là một trạng thái tình cảm mơ hồ không có thật. Đọc nhiều đoạn tiểu thuyết diễn tả tình yêu như một loại trái cấm ăn vào sẽ mắc nghẹn ở cuống họng, tôi cho đó là cường điệu hơn là hiện thực. Ba Mẹ tôi thường răn dạy và ngăn cấm tôi về những gì liên quan đến phụ nữ chứ đừng nói đến chuyện yêu đương. Những gì có dính dáng đến đàn bà con gái khi đang còn tuổi ăn tuổi học là điều cấm kỵ nhất. Mẹ tôi thường phán rằng:

– Việc học của con sẽ chẳng đi đến đâu Khi có bóng dáng đàn bà con gái trong tâm tư. Lớn lên là để học hành thôi chứ không nên dính vào chuyện tình cảm yêu đương mà đầu óc lú lẫn đi.

Đọc trong tiểu thuyết có những nhân vật chết lên chết xuống chỉ vì yêu, tôi chợt nghĩ sao lạ vậy hè ? Yêu nhau không được thì kiếm người khác, tội tình chi mà phải chuốc khổ vào thân. Dĩ nhiên khi đến tuổi trưởng thành ai rồi cũng cần phải có tình yêu nhưng chắc chắn là đừng bao giờ phải lụy vì tình, tôi thường bảo chính mình như thế. Đành rằng tình yêu cần thiết thực và sự chân thành tuyệt đối nhưng đâu cần phải hy sinh cả cuộc đời vì hai chữ tình yêu. Mãi đến khi gặp chị Nhung tôi mới chợt nhận ra rằng tiểu thuyết và cuộc đời có lẽ rất giống nhau ở điểm này. Quả thật trên đời có những tình yêu bất diệt cho dù phải đánh đổi nhiều thứ.

Chỉ mới biết chị trong thời gian ngắn thôi mà tôi đã đặt chị vào một vị trí trang trọng nhất trong trái tim mình. Tình cảm của tôi dành cho chị không khác chi các nhân vật trong tiểu thuyết. Tôi ước mong cuộc đời của chị rồi đây sẽ là những chuỗi ngày kết hợp những niềm vui. Người như chị khi sinh ra chỉ để vui hưởng hạnh phúc chứ không thể đối diện với những u sầu giống như trong những vỡ tuồng cải lương bi lụy trên sân khấu. Kể từ khi quen biết chị Nhung, tôi luôn mơ ước sau này lớn lên tôi sẽ gặp được một người giống chị Như khuôn đúc. Một người đàn bà tuyệt vời sở hữu giọng nói trong veo như giọt sương mai còn đọng trên lá non và nghe du dương như tiếng chim hót vào mỗi sáng sớm trên đầu ngọn cây. Có đôi lúc tôi ngồi lặng yên hàng giờ dưới những tàn cây rợp mát để thả hồn về chị, về những lời nói trầm bổng phát xuất từ đôi môi chúm chím ấy. Ôi! Tôi nghĩ khó có ai có thể từ chối chính mình để đơn phương thương thầm trộm nhớ một người đàn bà có khuôn mặt yêu kiều, liêu trai đáng yêu như chị. Một khuôn mặt có khả năng sai khiến cả đứa con trai mới lớn nhưng sớm biết mộng mơ và làm cháy bỏng cả con tim của nó.

Còn tiếp

Ventana Hills Clovis California May 9/ 2024.

Mười Rạng

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button