Văn hóa

“CHẤT HUẾ” khó tả của “Nữ sinh Đồng Khánh xưa”

May mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có Me là “cựu nữ sinh Đồng Khánh” thời xưa nên tôi thường được nghe Me kể về thời đi học của Me; cũng may mắn được biết nhiều người bạn cùng thời với Me và vô vàn những điều lý thú qua câu chuyện các Dì bạn Me hay kể.

Không hiểu từ khi mô, trong lòng tôi hình ảnh của “Nữ sinh Đồng Khánh xưa” qua chân dung của Me và của các Dì đã trở thành “chuẩn mực”, là hiển nhiên đại diện cho “chất Huế” của phụ nữ xứ Kinh Kỳ.

Mỗi khi cựu Nữ sinh Đồng Khánh, thế hệ trước 1975 họp mặt, tôi thường giành phần chở Me đi chỉ vì rất mê khung cảnh họp mặt của “các thần tượng”. Không gian họp mặt thật rộn rã bởi giọng Huế “ngọt lịm”, thật nhẹ nhàng bởi những tà áo dài thướt tha, thật “rất Huế” bởi một màu tím sâu lắng đến lạ.

Tôi hay tự hỏi, điều chi khiến cho Me và các Dì luôn thật hồn nhiên, trẻ trung, duyên dáng dù đã lên chức Bà Nội-Bà Ngoại có người thậm chí đã lên chức Bà Cố. Có phải nhờ “chất Huế” và cốt cách “nữ sinh Đồng Khánh xưa” đã ngấm rất sâu vào máu của họ?

Rứa thì có ai định nghĩa được, “chất Huế” là cái chi không?

Xin được lạm bàn rằng “Chất Huế” là sự sâu lắng trong tâm hồn, là sự kín đáo, cẩn trọng trong lối sống, là nét trang đài trong cốt cách và… cả sự “thủ cựu”, theo đuổi các chuẩn mực chân, thiện, mỹ.

Thực tế cho thấy rằng, phong thái của các Dì, bạn đồng niên của Me tôi, các nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa rất khác con gái Huế bây chừ. Có phải “chất Huế” ngày xưa có được nhờ sự tác động của xã hội và nền tảng của giáo dục gia đình hồi xưa có phần khác bây chừ hay không ?

Không thể phủ nhận nền văn hoá của Cố đô – vùng đất Thần Kinh đã giúp kiến tạo nên một phong cách sống kính cẩn trên nền tảng của đạo lý và tâm linh, hướng đến sự cao quí của tâm hồn. Chính vì vậy nên có thể nói rằng điều kiện xã hội, văn hoá của cố đô Huế cộng thêm giáo dục gia đình và nề nếp, gia phong là hai yếu tố chính tạo nên “chất Huế”, bản sắc Huế của các thế hệ thập niên 40, 50, 60, 70.

Những đặc trưng, tính cách Huế mô vẫn được các Mệ, các Mẹ là “nữ sinh Đồng Khánh xưa” lưu giữ đến nay?
Thiệt tình là cho dù có đi mô, về mô thì mấy Mệ Huế, mấy O Huế – thế hệ thập niên 40, 50, 60, 70 vẫn cứ mê sông Hương – núi Ngự, mê chùa Linh Mụ, mê biển Thuận An; vẫn thương trời mưa, vẫn háo hức vì hương hoa Cau buổi sáng và Dạ lan buổi chiều. Ai ai cũng hướng lòng từ bi với chùa chiền nơi quê xưa.

Sông có thể cạn, đá có thể mòn nhưng sự nhạy cảm dành cho mảnh đất Thần Kinh vẫn không hề cạn. Mỗi khi có dịp gặp mặt nhau, “nữ sinh Đồng Khánh xưa” vẫn hát những khúc ca xưa với tất cả tâm hồn, vẫn giữ những tà áo đẹp, vẫn làm thơ, họa thơ để di dưỡng tâm hồn và trang trọng nhân cách của mình và nhất là vẫn thích nấu ăn thật ngon cho cả gia đình. Và cứ như rứa mà họ âm thầm, bền bỉ lưu giữ “chất Huế” và “hồn Huế” trong từng gia đình Huế

Làm răng để giữ được chất Huế trong mình khi sống xa Huế hơn 30 năm trong môi trường sống ở Sài Gòn hay phương Tây?

Chỉ có thể lý giải đơn giản là vì chất Huế “rặc” lại, cô đọng lại qua nhiều thế hệ và hình như trở thành một loại “gene” được “đời trước truyền đời sau” giữ gìn!

Ngoài ra, một khi phải sống xa quê hương thì sự nhận diện mình lại càng rõ nét. Chính những hoài niệm, những nhung nhớ đã thúc giục mỗi một chúng ta khám phá thêm chiều sâu kho tàng của truyền thống gia đình cũng như của quê hương mình.

Là một phụ nữ Huế thập niên 70, xa Huế gần 35 năm, tôi chỉ ôm ấp một mong muốn là Huế xưa của mình dù trẻ trung và năng động cùng thế hệ con cháu mình mang tên “GEN Z” nhưng “chất Huế” sẽ không bao giờ mai một.

Rất mong Nhịp Cầu Huế sẽ luôn là nơi gửi gắm những nỗi nhớ, niềm thương của người người, nhà nhà yêu thương #huecity.
—————————-

– La Hanh Thao –

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có quan tâm
Close
Back to top button