Văn hoá phật giáo Huế trong dòng chảy của văn hoá dân tộc
Suốt chiều dài lịch sử, Huế luôn được coi là một trung tâm Phật giáo lớn. Từ thời Hội Đô Thành Hiếu Cổ ra đời (1914 – 1944), một nhà nghiên cứu người Pháp đã từng đề cập đến cụm từ “Hué, la Capitale du Buddhisme” khi nhắc đến Huế.
Từ đó đến nay người ta thường nhắc lại mấy chữ này như một nhận định về vị thế của Văn hóa Phật giáo Huế. Huế được coi là trung tâm Phật giáo không phải vì số chùa Huế có mật độ dày đặc 100, 150 hay 200 chùa; cũng không phải vì 85% người Huế là Phật tử; cũng không phải vì Kinh đô của triều Nguyễn cũng từng là thủ đô một thời của Phật giáo Việt Nam, mà có lẽ vì tất cả những lý do đó gộp lại và còn ở những yếu tố khác sâu lắng hơn, nằm ở bề dày của lịch sử và chiều sâu của tâm thức người Huế nữa. Chính vì vậy, Huế vẫn luôn đầy bí ẩn và luôn mới đối với giới nghiên cứu, đối với những người ưa thích tìm hiểu khám phá.
Huế là nơi tụ điểm giao lưu nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều nền văn minh văn hóa cổ đại trên giải đất Đông Dương nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong các trào lưu tư tưởng lớn đã ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống xứ Đàng Trong, ta thấy Phật giáo là trào lưu nỗi bật nhất. Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung quốc, Phật giáo Luy Lâu, Phật giáo Đồng Dương… đều có mặt trên đất Huế.
Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử, thời gian rất xa, không gian rất rộng làm gốc rễ, nền tảng cho Phật giáo xứ Huế, khi thịnh lúc suy nhưng luôn đi theo một con đường phát triển đi lên không bao giờ ngừng.
Sự đa diện trong sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, sinh hoạt của tăng chúng – phật tử, văn hóa ẩm thực… phản ánh những ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật, được luân chuyển một cách lặng lẽ trong đời sống thường nhật, trong mạch nguồn văn hóa Huế.
Chính tính đặc thù của văn hóa và điều kiện địa lý của vùng đất Thuận Hoá xưa đã góp phần tạo nên tính chất thuần nhã, nhẹ nhàng, trầm lắng trong phong cách giao tế với hành vi cử chỉ đoan trang, nghiêm chính và lễ độ cho người dân xứ Huế. Người Huế họ thường đi chùa, nghe Kinh, kính Phật trọng Tăng. Người Huế đa phần có tâm từ bi, thường khuyên nhau làm lành tránh dữ, đối xử với nhau nhau bằng niềm tương thân tương kính đạo tình. Lâu ngày huân tập cho con người Huế thêm ôn hòa thuần hậu trong nếp sống tình cảm, nếp sống đạo đức.
Có thể nói rằng chính sự tương tác giữa Phật giáo xứ Huế và tâm thức con người Huế đã làm phát sinh nhiều nét văn hóa cao đẹp trong nếp sống thực tiễn, cụ thể nhất là đồ chay nấu theo lối Huế. Ẩm thực chay Huế chính là sự vận dụng đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày của người Huế để trở lại phục vụ nhân sinh với ý nghĩa đẹp hơn, vui hơn, mới lạ hơn, vừa giữ được cái “bất biến” của đạo Phật, vừa không đánh mất bản sắc văn hóa vốn có của một địa phương có nhiều đặc trưng riêng.
Một nguyên nhân khác không hề kém quan trọng, góp phần tạo nên danh xưng “Kinh đô Phật giáo” của Huế nằm ở Chùa Huế. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng cùng với quần thể kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian tạo nên một Huế có bản sắc riêng:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”
Chùa Huế mang tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc, trang trí, nội thất. Chùa Huế thể hiện rõ nét giá trị nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật diễn xướng mang hơi thở của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và Phật giáo xứ Huế nói riêng.
Chính nhờ những yếu tố nêu trên, Huế đã trở thành nơi chứa đựng và lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc và đó cũng chính là báu vật có khả năng tạo nên những lực hút đối với bất kỳ ai yêu thương và muốn hiểu thêm về vùng đất này.
Thưa quý vị @everyone, những người con Huế mong rằng di sản văn hóa Phật giáo Huế sẽ luôn được chú trọng và quan tâm nhiều hơn, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa nhưng cũng đồng thời quảng bá, khai thác nó dưới nhiều góc độ khác nhau trong chiến lược phát triển dài hạn để Cố Đô luôn giữ được vị thế của mình trên bản đồ chữ S.
————————-
– Photo hình sưu tầm trên mạng và món Chay Huế nhà LHT –