Danh lam thắng cảnh

Cảnh Đẹp Thứ 7: Trường Ninh Cung

“Đệ thất cảnh – Trường Ninh thuỳ điếu” của Vua Thiệu Trị

“Hồ đình trừng trạm ấn tình hư,
Vân thái ba văn xảo quyển thư.
Liễu nhứ phong can niêm tế lũ,
Hà hương nguyệt hạm tập trường cư.
Trì đầu ảnh lạc minh cô nhạn,
Chu lý nhân trừng khốc tiểu ngư.
Cung khuyết bồng hồ nhân thọ vực,
An dư thời phụng thưởng nhàn dư”

Dịch nghĩa

Đình bên hồ, mặt nước soi cả bầu trời quang đãng,
Mây trời và sóng nước thật khéo hoà quyện vào nhau.
Tơ liễu theo cần đưa dính vào sợi cước nhỏ,
Hương sen qua cửa sổ tròn cuộn vào vạt áo dài.
Đầu ao chiếc nhạn lẻ loi soi bóng nước kêu lên,
Trong thuyền người cất cần lên, con cá nhỏ đang khóc.
Cung Khuyết ở chống Bồng Lai này thật là chỗ cho người nhân được thọ,
Đất nước đang lúc yên lành thì nên hưởng thú trong những khi nhàn rỗi.

Để hiểu sâu hơn ý thơ của Vua Thiệu Trị và cảnh đẹp thứ 7 này, Nhịp Cầu Huế mời quý vị @everyone tham khảo bài thơ được họa bên dưới:

“Đình bên hồ lắng cả trời cao,
Sóng nước quyện mây hợp sắc màu.
Tơ liễu theo cần vương sợi gió,
Hương sen luồn của cuộn trường bào.
Bóng lẻ nhạn kêu hư ảnh lạc,
Thân đau cá khóc mạn thuyền xao.
Bồng Lai, Cung Khuyết nơi trường thọ,
Vui thuở bình yên hứng dạt dào”

Với sự hạn chế về tư liệu nghiên cứu, NHỊP CẦU HUẾ chỉ tổng hợp sơ bộ về CUNG TRƯỜNG NINH để quý vị tiện tham khảo thêm.

Cung Trường Ninh là một quần thể kiến trúc cung điện khép kín với tổng diện tích là 11.400m, nằm ở phía Tây Bắc bên trong Hoàng Thành, phía Bắc giáp với hồ Nội Kim Thủy, phía Nam là cung Diên Thọ, phía Đông là Trực Phương Viên (thuộc khu vực Tử Cấm Thành)

Cung Trường Ninh được xây dựng vào năm 1821-1822, dưới thời vua Minh Mạng, sau này được gọi là cung Trường Sanh, nằm ở phía Tây Bắc Hoàng thành.

Ban đầu, cung Trường Ninh được xây dựng như một hoa viên, gồm một điện chính, điện phía trước, lầu phía sau, nhà Huyên Đường, nhà Di Chí, lầu Vọng Hồ cùng với các hệ thống thành, hồ, cầu, núi. Nhà Di Chí và lầu Vọng Hồ đến năm 1838 thì được dỡ để đem đi làm lầu Trừng Luyện và nhà tạ Thanh Tâm ở hồ Tịnh Tâm.

Dưới thời vua Thiệu Trị, cung Trường Ninh được đại trùng tu với quy mô lớn cả về không gian và kiến trúc nên được Vua Thiệu Trị phong là cảnh đẹp thứ 7 như lời thơ “Đệ thất cảnh – Trường Ninh thuỳ điếu”.

Đến thời vua Đồng Khánh, cung tiếp tục được sửa sang, nâng cấp, chuyển công năng từ một hoa viên thành cung điện dành cho Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) và các bà Hoàng Thái hậu: Lệ Thiên Anh (vợ vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức) và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh).

Năm 1923, dưới thời vua Khải Định, cung Trường Ninh được đổi tên thành cung Trường Sanh, tiếp tục được trùng tu và vẫn là ăn ở sinh hoạt của các bà Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cung Trường Ninh được “đại gia trùng tu” và đổi tên một số công trình. Sau khi tu sửa, quy mô của cung khá lớn. Chính giữa là một trục kiến trúc có nền liền nhau như hình chữ vương 王. Trong trục này, ngôi điện đầu tiên là Ngũ Đại Đồng Đường (sở dĩ có tên gọi này là vì tháng tám năm Thiệu Trị thứ 5, hoàng tử trưởng của vua Thiệu Trị là Hồng Bảo sinh được hoàng tôn Ung Đạo, nếu tính từ Thuận Thiên Cao hoàng hậu đến Ung Đạo là năm đời). Ở giữa là điện Thọ Khang, phía sau là lầu Vạn Phúc nối với một hành lang dài. Phía trước Ngũ Đại Đồng Đường có cửa Phường Môn, phía sau lầu Vạn Phúc là núi Bảo Sơn, bên trái có ngọn núi Kê Quan, phía tây núi này lại có núi đá Kình Ngư, còn bên phải có núi Hổ Tôn. Khu vực này có một con lạch chạy vòng quanh gọi là lạch Đào Nguyên. Lạch này thông suốt từ của lạch góc tây bắc nền cung đến trước hồ Nội Kim Thuỷ. Bên trái và bên phải nhà đều bắc cầu sơn đỏ đi qua lạch. Cửa cung Trường Ninh nằm ở phía trước, 3 gian, 3 cửa…

Cung Trường Sanh

Như trên đã nói, ban đầu cung Trường Ninh được xây dựng như một hoa viên làm nơi vua tới dạo chơi tiêu khiển hoặc đưa hoàng thái hậu đến thăm thú, nghỉ ngơi. Về sau, nó trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của một số bà hoàng hậu sau khi vua băng hà. Theo sử sách, các bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức) và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh) đã từng sống tại cung này. Năm 1923, vua Khải Định đã đổi tên cung Trường Ninh thành Trường Sanh nhưng chức năng của công trình vẫn không thay đổi. Đến nay, trải qua bao nhiêu biến động lịch sử, cung Trường Sanh đã bị xuống cấp rất nặng nề. Trước năm 2000, nếu thăm cung Trường Ninh ít ai có thể hình dung ra rằng cung điện này xưa kia đã từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thắng cảnh của đất thần kinh.

Từ năm 2005 đến 2007, cung Trường Ninh ược trùng tu tôn tạo. Công trình sau khi trùng tu đã trả lại vẻ đẹp thơ mộng của một cung điện dành riêng cho các bà thái hoàng thái hậu với các điện, đường dạo xinh xắn, lạch Đào Nguyên và hồ Tân Nguyệt, hệ thống hòn non bộ tinh tế, vườn cảnh, sân lát gạch, tường thành, cổng tam quan hoàn chỉnh, để du khách gần xa có dịp thăm thú, thưởng lãm.
—————————

– La Hanh Thao –

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button