Là người lãnh đạo
Có những người lãnh đạo thật sự tốt, thật sự chân chính, họ muốn và dám đối mặt với thách thức, muốn tự khẳng định mình và quyền lực, chức vụ chỉ là phương tiện để họ giúp đời, giúp người được nhiều hơn, thuận lợi hơn… nhưng họ vẫn bị hiểu lầm, bị oán trách, thậm chí bị nguyền rủa.
Có người vì khát khao quyền lực, sẵn sàng “nếm mật nằm gai” để đạt mục đích, khi đã ngồi được vào ghế quyền lực, họ bắt đầu hiện nguyên hình, tác oai, tác quái.
Có những người, bỗng dưng chức tước “rơi vào đầu” theo kiểu “ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi”, hay kiểu người “để là hòn đất, cất nên ông bụt” được ô dù che đỡ bắt mặc phải cái “áo” quá khổ. Do thiếu kiến thức, yếu bản lĩnh, họ thể hiện theo cách “tiểu nhân đắc ý” khiến bè bạn, người thân hoang mang, kẻ dưới quyền không biết đâu mà lần.
Mọi thứ chuẩn mực đối với những kẻ lãnh đạo rởm và hợm hĩnh ấy đều vô nghĩa. Chức vụ có thể làm hỏng con người họ và ngược lại, họ làm hỏng luôn hình ảnh của chức vụ ấy.
Người lãnh đạo chân chính, vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, phải tính xa hơn, lâu dài hơn, vì vậy xuất phát từ lợi ích chung, nhiều khi phải chấp nhận hy sinh những lợi ích nhỏ, cục bộ, có thể có những quyết định phải một thời gian dài sau này mọi người mới có thể hiểu ra.
Người xưa từng đúc kết, muốn thành đại sự không thể câu nệ tiểu tiết.
Người lãnh đạo thực sự phải chịu áp lực tứ bề, họ làm việc vì trách nhiệm và danh dự, luôn phải tự đấu tranh giữa cái đầu lạnh và trái tim nóng, phải vượt qua chính mình.
Khi làm phó thường dân, có thể sống thoải mái, phát ngôn tùy hứng, xong việc, hết trách nhiệm, vô tư ăn ngon, ngủ kỹ. Khi ở cương vị người lãnh đạo, tất cả sẽ thay đổi. Thay đổi ở đây không phải là chỉ đơn thuần ở luật chơi mà nó khiến cho người ta bước vào một cuộc chơi hoàn toàn khác. Người lãnh đạo phải chứng tỏ sự tự tin, nghị lực và tài thao lược, phải giữ gìn mặt mũi, hình tượng, lời ăn tiếng nói, là tấm gương mọi lúc, mọi nơi…
Trong lòng trăm mối lo toan ngoài mặt vẫn phải tươi cười, không được sống theo ý của mình, nói theo suy nghĩ của mình, mất đi một phần tự do cá nhân và cũng mất đi thời gian quan tâm đến người thân, bè bạn.
Đứng trên đỉnh cao, rất nhiều khi người lãnh đạo phải biết chấp nhận cô đơn, nhiều chuyện không thể san sẻ, bộc lộ.
Xin được kể lại một câu chuyện xưa, hơn 2.000 năm trước, đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị. Một lần Khổng Tử dẫn hai học trò yêu là Nhan Hồi và Tử Lộ đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ… Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi, nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát.
Một hôm, trên đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi, một đệ tử đạo cao, đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý hơn.
Nhan Hồi thổi cơm ở dưới bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cạch” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng…
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò yêu nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”.
Sau đó, Tử Lộ mang rau về… Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ… Khi Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng, dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước…
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im. Tử Lộ chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”.
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”.
Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch”.
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”.
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi… nhưng lại nghĩ, cơm thì ít, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì lãng phí quá nên con đã mạn phép thầy ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy… Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi… bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và… thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ”.
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”.Có một câu nói được nhiều người biết đến, thiết tưởng, rất phù hợp với tình cảnh của người lãnh đạo: “Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao, ngọn cỏ tìm sự đông đảo ở dưới đất”…
Mong sao thế hệ trẻ, những người lãnh đạo tương lai luôn “vững tay chèo” với tâm an bình và trí tuệ!
——————————-