Đệ Nhị Thập Cảnh – Bình Lãnh Đăng Cao
Mời quý vị @everyone cùng Nhịp Cầu Huế tìm hiểu thêm về NÚI NGỰ BÌNH, cảnh đẹp thứ 12 của Cố Đô Huế qua bài thơ “Bình lãnh đăng cao” của Vua Thiệu Trị.
Lời thơ viết:
“Nguy nga bảo chướng đế thành nam
Giai tiết đề cao ức thắng đà
Dịch liễn quang lâm tư sáng thuỷ
Vũ trường tiên suất hiệu hô ta
Thừa ân vũ trụ thiên niên tại
Túng lãm càn khôn vạn cảnh hàm
Bách nhị sơn hà tăng tráng cố
Vân khai thuỵ khí ái tình lam”
Bài thơ “Bình lãnh đăng cao” này được vua Thiệu Trị làm vào “tháng bảy nhuận, năm Thiệu Trị thứ ba”, tức năm 1843. Phần thơ được dịch như sau:
“Nguy nga đỉnh Ngự áng thành nam
Tích cũ trong thơ tiết đẹp lành
Xe ngự bao lần đầu mở bước
Rượu nâng vạn tuế trước hô tam
Nhờ ân vũ trụ ngàn năm vững
Cây dáng núi cao vạn cảnh gom
Hiểm trở non sông thêm sức mạnh
Khí lành ngút giữa áng mây tan”
Theo sử sách ghi lại, năm 1838, nhân tiết trùng dương (ngày 9 tháng 9 âm lịch), vua Minh Mạng lên núi chơi và làm thơ ghi lại việc này. Như một thông lệ, dịp này về sau, các vua triều Nguyễn đều đến đây thưởng cảnh đẹp. Bài thơ “Bình lãnh đăng cao” của vua Thiệu Trị ra đời trong hoàn cảnh như thế. Bài thơ đã được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh khá dẹp, kích cỡ 1,35m x 0,52m x 0,175m, được dựng từ thời vua Minh Mạng. Đến triều Tự Đức, vua đã cho sửa chữa lại nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn khá kiên cố, toạ lạc ngay dưới chân núi. Đến nay, toàn bộ tấm bia vẫn còn nguyên vẹn dù nhà bia đã bị hư hỏng khá nặng. Bia hiện nằm trong vườn nhà ông Tôn Thất Đính (phường An Cựu, TP Huế).
NGUỒN GỐC TÊN NÚI NGỰ BÌNH
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì núi Ngự Bình có tên gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn, một ngọn núi không cao hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất nhỏ chầu vào. Từ khi dời phủ về làng Phú Xuân và xây dựng chính dinh ở đây, chúa Nguyễn Phúc Thái tục gọi là chúa Ngãi, lấy Bằng Sơn làm tiền án ở mặt chính nam.
Về sau khi chọn địa điểm xây dựng Kinh thành, vua Gia Long vẫn chọn ngọn núi này làm án ngữ. Ngọn núi linh thiêng này sau đó đã được vua Gia Long đổi tên thành núi Ngự Bình. Người dân Huế thường gọi với cái tên thân quen ngày này là “Núi Ngự”.
Để tôn tạo cảnh quan, vua Gia Long đã cho trồng thông từ chân núi lên đến đỉnh núi, quanh năm xanh tốt. Cụm từ “thông reo núi Ngự” chính là vì thế mà có. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ đều phải trồng thông trên núi Ngự Bình. Sau đó vua Minh Mạng còn cho trồng thêm nhiều hoa cỏ và tổ chức lễ hội ở đây. Núi Ngự Bình vì thế được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ 12 trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh.
NGỰ BÌNH – NGỌN NÚI ÁN NGỮ KINH THÀNH HUẾ
Ngự Bình là một ngọn núi nằm trong dãy Tam Tầng ở về phía Đông Nam Kinh thành Huế thuộc làng An Cựu xưa, nay thuộc xã Thủy An. Thời Gia Long xây Kinh thành đã lấy ngọn núi này làm “đệ nhất án sơn” trấn giữ phía trước mặt, có giá trị phong thủy. Núi Ngự Bình cao 104 m, nhìn từ xa núi có dạng hình thang, đỉnh khá bằng phẳng, hai bên có hai ngọn núi nhỏ hơn chầu vào. Năm 1822, vua Minh Mạng nhân ngự giá lên Ngự Bình đã đặt tên cho hai ngọn núi nhỏ hai bên này là Tả Phụ sơn và Hữu Bật sơn. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù – Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xòe cánh che chở cho đế thành.
Hàng năm, vào các ngày Tết Nguyên tiêu, Trùng cửu người Huế từ xưa (kể cả vua chúa quan lại) thường lên núi thưởng lãm. Đứng trên đỉnh núi Ngự Bình, vươn tầm mắt ra xa, nhìn toàn cảnh Kinh đô với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính, dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn vòng quanh đã khiến vua Minh Mạng vui lòng. Vua hào hứng bảo quần thần rằng: “Lên cao trông xuống, lầu nhà đều thấp, cho nên nói “lên núi Thái Sơn mà thấy thiên hạ nhỏ”. Năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, hình tượng núi Ngự Bình đã được nhà vua cho khắc vào Nhân đỉnh. Năm 1838, nhân tiết trùng dương, vua lại lên núi chơi và có làm thơ ghi chép lại việc này. Từ đây, như một thông lệ, hàng năm, cứ đến tiết này, các vua nhà Nguyễn luôn đến núi “đăng cao, thưởng cảnh”.
Dưới triều vua Khải Định, tiếp nối truyền thống của các đế vương trước, việc chăm sóc núi Ngự Bình cũng được vị vua thứ 12 của triều Nguyễn đặc biệt chú ý. Năm Canh Thân, Khải Định thứ 5 (1920): “Tháng 5. Ngày 1 đến kỳ ra triều, bề tôi bộ Công xin trồng thêm tùng ở núi Ngự Bình để mặt trước kinh thành thêm phần xanh tươi, vua thu nạp lời ấy”.
Qua ghi chép của các thư tịch cổ, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn đối với bức bình phong – núi Ngự Bình như thế nào. Cho đến nay, trải qua hàng thiên niên kỷ, dòng chảy thời gian cũng không thể vùi lấp đi vẻ đẹp vốn có của danh lam này. Bên cạnh vẻ đẹp nên họa, nên thơ, núi Ngự Bình còn mang theo những mạch nguồn lịch sử, văn hóa xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại.
Đứng trên đỉnh Ngự, lắng nghe tiếng thông reo có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co. Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn…, xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông, là những dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của Biển Đông.
Núi không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng hồn người. Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.
Kinh qua bao nhiêu đổi thay, qua “bao lớp sống phế hưng”, Huế vẫn tồn tại với sông Hương và núi Ngự, với bao nhiêu nét đẹp đã đi vào thơ ca, đi vào lòng người như nhà thơ Bùi Giáng trả lời cho một ai đó hỏi về cảm tưởng của ông về Huế, ông chỉ cười và đáp:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Câu thơ lục bát rất đơn sơ, rất ca dao nhưng cũng “rất Huế”. Đừng ai hỏi Huế là gì? Huế là thế nào? Xin thưa “Huế là Huế” là “Hương Bình”.
Đông qua, Xuân về, thời gian và vạn vật không ngừng biến chuyển, đổi thay nhưng thật lành thay khi mấy năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên tiêu, trùng cửu, từng đoàn trai thanh gái lịch đã tụ hội về đây, tiếp bước người xưa lên núi hái lộc, ca xướng ngâm vịnh. Cái sinh khí đã trở lại, hứa hẹn cho Huế một tương lai sáng lạn trên dải đất miền Trung này.
Cũng như mọi người Huế khác tha hương, tôi luôn tin rằng người con nào của Huế cũng sống như lời ca dao:
“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Dẫu ai ăn ở hai lòng
Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng”.
————————-
#nhipcauhue #NguoiHue
#LichSuHue #VanHoaHue
#danhlamthangcanhhue
#toiyeuhue