Dấu Tích Đàn Cổ – Đàn Sơn Xuyên
Đàn tế cổ xưa nằm giữa sân trường ở Huế
Ít ai biết, trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc ở 245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế có đàn tế thần sông núi còn lại duy nhất trong cả nước hiện nay – ĐÀN SƠN XUYÊN!
Hơn 170 năm trôi qua, ngôi đàn vẫn còn đó, trầm mặc giữa rêu phong, ngay bên con đường Bùi Thị Xuân nhộn nhịp. Đàn nằm lộ thiên, lọt thỏm trong khuôn viên trường tiểu học Phường Đúc với nhiều cây xanh và cỏ dại.
Trong quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm 5 đàn tế: Đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên, đàn Tiên Nông và đàn Tịch Điền. Trong đó, đàn Sơn Xuyên được xây dựng vào năm 1852, dưới thời vua Tự Đức. Triều đình nhà Nguyễn đã giao Bộ Công trực tiếp phụ trách việc xây dựng đàn. Lúc bấy giờ, theo định lệ của nhà vua, loại đàn này được triển khai xây dựng tại 26 tỉnh suốt từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, sử liệu có ghi rằng ở mỗi tỉnh, hằng năm mỗi khi triều đình tổ chức cúng tế xong là triệt giải chứ không làm kiên cố như đàn Sơn Xuyên ở Huế.
Sách Đại Nam Nhất thống chí có viết: “Đàn Sơn Xuyên (Huế) ở xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thuỷ, mặt hướng về Nam, thờ các vị thần núi cao sông lớn trong cõi”.
Đàn Sơn Xuyên được dựng ở chỗ đất đắp cao, dùng vào việc cúng tế thần núi và thần sông. Đàn Sơn Xuyên có lối kiến trúc khá giống đàn Xã Tắc – một đàn khác dùng để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa, giúp mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an – hiện đã được phục dựng tại phường Thuận Hòa (TP Huế).
Hai tầng của đàn Sơn Xuyên đều được quy chế hình vuông. Các thợ phu ngày ấy, xây bao quanh mỗi tầng bằng gạch vồ, đá núi và ở giữa được đổ đầy đất rồi nện chặt. Xung quanh trồng cây xanh, ở trên trồng thêm cây cảnh. Tầng trên của đàn cao hơn 1m, mỗi cạnh rộng 22m; tầng dưới cao gần 0,5m, mỗi cạnh dài khoảng 45m. Đàn Sơn Xuyên chính là khuôn mẫu nhỏ hơn của đàn Xã Tắc. Để phục dựng đàn Xã Tắc, các nhà nghiên cứu đã tham khảo lối kiến trúc từ đàn Sơn Xuyên.
📝 Quy định về việc tế, lễ:
Theo sử cũ ghi, việc tế lễ ở đàn Sơn Xuyên được thực hiện vào các tháng trọng xuân và trọng thu (tức là tháng 2 và tháng 8 Âm lịch) hằng năm. Ngoài ra, triều Nguyễn còn tổ chức tế lễ tại đàn Sơn Xuyên nhân dịp nhà vua đi tuần thú trở về, năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) hay đại lễ Tấn quang, năm Duy Tân thứ nhất (1907). Qua việc tế lễ, người dân cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi…
📝Châu bản triều Nguyễn và sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên có ghi về quy định nghi lễ và vật tế lễ ở đàn, năm Tự Đức thứ tư (1851), Bộ Lễ tấu đề nghị thống nhất nghi thức và phẩm vật tế lễ ở các đền miếu: “các nghi lễ, tế phẩm ở các đàn Xã Tắc, Tiên Nông, miếu Hội đồng, đàn Sơn Xuyên và đền thờ thần sông, hơn kém nhau không thống nhất…”.
Năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), triều đình nhà Nguyễn quy định về vật tế lễ “4 án ở Đàn Sơn Xuyên gồm 1 con bò ở chánh án, 1 con heo, 1 mâm xôi lớn, 8 mâm quả, hương đèn, vàng bạc, rượu, trầm trà”.
Còn về tế phục khi hành lễ tại đây thì các quan tế đều phải mặc quan phục đại triều.
Việc cúng tế ở đàn Sơn Xuyên được nhà Nguyễn duy trì đến triều Hàm Nghi năm thứ 1 (năm 1885) và Thành Thái thứ 1 (năm 1889).
📝 Châu bản cũng ghi chép triều Nguyễn cho sửa chữa tại đàn Sơn Xuyên. Bản tấu của Bộ Công ngày 15 tháng Tư năm Thành Thái thứ 18 (1906) về việc xin chi tiền tu bổ đàn Sơn Xuyên. Tuy nhiên, từ đó đến sau năm 1945, không thấy tài liệu nào nhắc đến việc sửa sang cũng như tế lễ ở đàn Sơn Xuyên. Do vào giai đoạn sau, chủ quyền của đất nước ngày càng rơi vào tay thực dân Pháp nên việc cúng tế các thần sông núi cũng không được quan tâm.
📝 Hiện nay, dấu tích của đàn Sơn Xuyên còn nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Phường Đúc ở đường Bùi Thị Xuân, TP Huế (Thừa Thiên – Huế). Đàn chỉ còn tầng trên bị bóng hàng cây xanh phủ kín miệng. Những án thờ chư vị thần núi sông, bài vị và bia đá không còn. Thay vào đó là hai bệ thờ bằng bê tông, một điểm hóa vàng mã được người dân xây dựng từ khoảng năm 1969…
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, là một trong 26 ngôi đàn thờ tế các thần núi nổi tiếng và sông lớn (danh sơn đại xuyên) trong nước, đàn Sơn Xuyên Huế có lẽ mang tầm quan trọng về lễ nghi, lại nằm ngay tại vùng đất kinh kỳ nên quy mô xây dựng bề thế hơn cả. Chưa thấy có sử liệu nào ghi chép đàn Sơn Xuyên được xây dựng kiên cố dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn.
Ấn định thời vua Tự Đức thứ 5 (1852), hai tầng đàn Sơn Xuyên được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 8.410m2. Nhưng phần đất này đang thuộc phạm vi quản lý của trường học và nhà dân. Trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc hiện chỉ còn tầng trên của đàn nằm nổi khỏi mặt đất, cây cối xanh tươi. Những án thờ chư thần núi sông, bia đá, bài vị đều đã không còn. Thay vào đó là hai bệ thờ bằng bê tông, một điểm hóa vàng mã do người dân địa phương tự xây dựng để hương khói. Đồng thời, để thuận tiện trong việc lên xuống đàn, làm vệ sinh, dọn rác, nhà trường đã bỏ kinh phí xây dựng các bậc tam cấp dẫn lên đàn và lát gạch quanh nơi thờ cúng.
Hơn 170 năm trôi qua, ngôi đàn vẫn trầm mặc tồn tại cùng với thời gian. Một giáo viên dạy lâu năm ở trường Tiểu học Phường Đúc chia sẻ: “Hình ảnh quen thuộc của dấu tích đàn Sơn Xuyên đã trở thành một phần của trường chúng tôi. Hằng ngày, nhà trường thường tổ chức cho các em học sinh dọn dẹp vệ sinh xung quanh đàn. Qua đó, giáo dục các em biết tôn trọng những giá trị văn hóa của thế hệ trước”.
Đàn Sơn Xuyên là ngôi đàn cổ thờ thần núi, sông còn lại duy nhất trên đất nước Việt Nam hiện nay. Đàn không chỉ tôn vinh sự vĩnh hằng, kỳ vĩ của non sông gấm vóc Việt Nam mà còn cho thấy sự đa dạng về đời sống tâm linh và khát vọng về một cuộc sống bình yên của người dân mảnh đất Thừa Thiên xưa.
Thông qua bài tổng hợp này, Nhịp Cầu Huế hy vọng quý vị @everyone hiểu thêm về Lịch sử và Văn hóa của Cố Đô Huế – quê hương của chúng ta nhé.
——————————
#nhipcauhue #NguoiHue
#lichsuvanhoahue #codohue
#ditichlichsuhue