Danh lam thắng cảnh

A Lưới, Miền Tây Xứ Huế – Vẻ Đẹp Hoang Sơ Và Văn Hoá Bản Địa Độc Đáo

Những năm 2002-2004, tôi dẫn dắt nhiều dự án của World Bank, lĩnh vực phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Một trong những nơi luôn làm tôi trăn trở, nhớ nhung là A Lưới, một vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây sở hữu những vẻ đẹp hoang sơ và rất nhiều nét văn hóa bản địa độc đáo.

Quá tìm hiểu, được biết rằng các tộc người thiểu số ở A Lưới có sinh hoạt văn hóa thường xuyên gắn bó với từng cá thể, từng gia đình, làng, bản. Văn hóa truyền thống ở A Lưới với những giá trị văn hóa vật thể là các kết cấu không gian ba chiều và tập tục liên quan ghi đậm dấu ấn tư duy, lối ứng xử trong mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên và với xã hội cộng đồng.

Với văn hóa phi vật thể, đó là những giá trị văn hóa “ẩn tàng” trong đời sống lam lũ bình dân nhưng lại ánh lên những sắc vàng lấp lánh của triết lý sống, lối ứng xử giàu tính nhân văn cao cả đã làm nên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới.

Dưới đây là khái quát những giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện trong văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.

1. Truyện cổ

Kho tàng truyện cổ của các tộc người thiểu số ở A Lưới rất phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại như truyện Piêr choonh của dân tộc Pa cô, truyện Nàng A đủ Trun của dân tộc Ka tu… Chủ đề mồ côi cũng được nhắc đến nhiều trong truyện cổ của các tộc người ở đây. Đa số truyện cổ đều có nội dung ca ngợi tinh thần lao động, những người dân lao động dù họ thuộc tầng lớp nghèo, mồ côi trong xã hội. Ngược lại truyện cổ cũng có những đề tài phê phán những thói hư, tật lười nhác lao động và họ sẽ nhận được những kết cục xấu.

2. Các loại hình dân ca

Mỗi thể loại dân ca, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, âm sắc, chủ đề, nội dung…còn chịu sự quy định của một số điều kiện kèm theo như không gian, thời gian, người trình bày, người nghe. Thể loại dân ca của các tộc người Ka tu, Tà ôi và Pa cô có những làn điệu đặc trưng sau:

📌Ru con – Ru kacon/ru akay

Hát ru có thể xem như là một tài sản trong vốn văn nghệ dân gian của các tộc người nói chung và ở A Lưới nói riêng. Chúng ta có thể chứng kiến những người già, bà mẹ, anh chị…của các tộc người ở đây không thể tách rời đứa con/cháu/em của mình ngay cả trong công việc lên nương, giã gạo, lấy nước…

📌Ba bói: Ba bói là thể loại dân ca chỉ hát vừa đủ để nghe trong gia đình hoặc một nhóm người thân cận với cách hát đối đáp, nội dung của làn điệu này thường là những lời tâm sự, bàn bạc công việc, chia sẽ kinh nghiệm trong lao động.

📌Vơ nót/Kâl lơi: Vơ nót/Kâl lơi là thể loại hát giàu tính triết lý thường được người già sử dụng hát đối đáp trong các buổi uống rượu, dịp hội hè, đám cưới…

📌Cha chấp, Xiềng: Cha chấp cũng là một thể loại hát đối đáp, thường dành cho những đôi trai gái khi đến tuổi trưởng thành làm quen, tìm hiểu, bày tỏ, thổ lộ những tình cảm yêu nhau, họ gửi vào đó những niềm mong ước sau này.

📌Hát và nói lý: Hình thức hát lý đều phổ biến ở cả ba tộc người Pa cô, Tà ôi và Ka tu ở A Lưới nhưng ở tộc người Ka tu là phổ biến nhất, nó được dùng vào trong những trường hợp cần đến sự lý lẽ, biện minh, giải thích.

3. Các thể loại dân vũ

Có thể nói ở mỗi tộc người đều có một vũ điệu đặc trưng cho tộc người của mình.

  • Người Ka tu nổi bật nhất là điệu múa Zazã (đối với nữ) và Tân tung (đối với nam).
  • Người Tà ôi, tiêu biểu nhất là điệu Azakoonh được thể hiện trong lễ hội cầu mùa, mừng cho mùa màng bội thu. Điệu A zưn ti ría là điệu múa trong lúc tiến hành nghi thức đâm trâu, hay điệu múa lúc mừng nhà mới….
  • Tộc người Pa cô có điệu múa đặc trưng nhất đó là Ra zóoc với ý nghĩa mừng mùa màng bội thu, tạ ơn Yàng đã che chở cho bản làng khỏi ốm đau bệnh tật; hay như điệu múa Pa dưr Yang đạa với ý nghĩa tạ ơn thần sông, thần suối…

4. Các loại nhạc cụ

Cùng với văn nghệ dân gian là các loại nhạc cụ dân tộc rất phong phú như: trống, cồng chiêng, thanh la, đàn ântoong, sáo, tù và, khèn… Đây là một nét độc đáo riêng có của bản sắc văn hoá các dân tộc ở huyện vùng cao này. Hệ thống nhạc cụ của các tộc người thiểu số ở A Lưới rất đa dạng với nhiều bộ khác nhau. Có thể phân bộ như sau: Bộ gãy như Ta lư, Tất lư, Tâm plưng..; Bộ thổi như Khèn bè, Âng koái, Amam, Kârdooc azol..; Bộ gõ như Acưr, Atúc, Xaar, Cồng chiêng, Ân,toong; Bộ kéo như Adong, Abel…, mỗi thứ mang những chức năng đặc trưng riêng.

5. Một số nghi lễ truyền thống trong hoạt động sản xuất hàng ngày

Từ những tín niệm tôn giáo xoay quanh niềm tin thiêng liêng về “vạn vật hữu linh” đã đưa đến một hiện tượng phổ biến ở các tộc người Ka tu, Tà ôi, Pa cô là những lễ thức tôn giáo gắn liền với hoạt động sản xuất, sinh hoạt, quan hệ xã hội…

📌Nghi lễ trong chu kỳ canh tác nông nghiệp thường có các lễ như: Lễ trỉa lúa; Lễ cúng khi trỉa xong; Lễ cúng khi lúa sắp lên nương; Lễ cúng trước khi thu hoạch; Lễ cúng đưa lúa về kho; Lễ cúng lúa mới khi thu hoạch xong.

📌Lễ hội mừng lúa mới (Nonkrăng/A riêu A za…). Đây là một lễ hội cộng đồng mang nhiều ý nghĩa: vừa mang ý nghĩa của một nghi lễ cuối cùng trong năm, khép lại một chu kỳ sản xuất, đồng thời là lễ hội đầu tiên của mùa lễ hội mới, năm mới, mở ra khoảng thời gian nông nhàn, vui chơi trước khi bước vào vụ mùa mới.

📌Lễ bỏ mã (têeng ping/Ariêu Piing)

Trong đời sống văn hoá của các tộc người Ka tu, Pa cô ở đây, yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên/siêu nhiên, biểu hiện một cách sinh động trong thế giới quan tộc người… Điều này được thể hiện qua nhiều nghi lễ trong chu kỳ vòng đời như: sinh đẻ, lễ đặt tên, thành đinh, cưới, lễ lập làng, lễ làm nhà Gươl, lễ kết nghĩa, lễ hiến sinh… đã thể hiện rõ điều đó.

Trong quan niệm về thế giới vô hình và hữu hình, các tộc người Katu, Pa cô, Tà ôi đều cho rằng có một thế giới của người chết tồn tại song song và đối nghịch với thế giới thực tại của họ đang sống. Hai thế giới này tuy khác nhau bởi một màn mỏng vô hình mà mắt thường không thể nhìn thấy thế giới người chết. Quan niệm này phản ánh thái độ đối xử rạch ròi của cộng đồng tộc người đối với các thế lực thần linh/ma quỷ, lành/dữ trong mối quan hệ với con người. Do vậy, để kết thúc chu kỳ đời người thì lễ bỏ mả là một nghi lễ không thể thiếu, là sự kết nối nhiều yếu tố văn hóa, tín ngưỡng trong quan hệ giữa người sống và người chết. Vì đây là lần tiễn biệt cuối cùng mà người sống giành cho người đã khuất, cũng là sự giải phóng tâm lý đối với người sống, thể hiện ước vọng cầu mùa, nhu cầu âm nhạc, nghệ thuật tạo hình… Đó là những nét chấm phá quan trọng về thế giới của các tộc người ở A Lưới. Trong lễ bỏ mã của người Ka tu, Pa cô, các giá trị nghệ thuật được bàn tay của các nghệ nhân thể hiện những họa tiết trang trí rất sinh động trên và trong nhà mồ, chúng ta thường bắt gặp các loại tượng người phụ nữ múa, người đàn ông thổi khèn và đánh trống, người ngồi hút thuốc với chiếc tẩu dài, biểu tượng cho chủ làng. Những tượng người này thể hiện sự chia ly giữa người sống và người chết, theo cách giải thích của họ thì đây là một hình thức đánh lừa ma trong giai đoạn vĩnh biệt này. Các hoa văn khác như mặt trời, mặt trăng, các hoa Atút (lá cây đùng đình), cá, gà, chim,… đều thể hiện một tư duy lưỡng hợp mang tính hài hoà, những con vật này thể hiện được mối quan hệ xã hội giữa nhà trai, nhà gái mang tới. Luật tục của các tộc người ở đây quy định, trong lễ nghi này, khi nhà trai mang lễ vật tới đóng góp cho nhà gái, sản phẩm thường là các con vật 4 chân, biểu hiện cho sức mạnh của nhà trai, còn nhà gái lại mang tới những con vật hai chân, thể hiện sự cần cù của gia đình nhà gái. Ngoài ra, cũng có thể linh hồn của chúng khi chết sẽ về bên nhà mồ, kéo theo bầy đàn của chúng để đi theo người chết qua thế giới bên kia.

Trong lễ bỏ mả, nghệ thuật diễn xướng của các tộc người ở đây thể hiện rất đặc trưng. Khi trâu đã vào cột thì suốt đêm, tiếng cồng, chiêng, cùng tiếng trống… nổi lên, nhiều vũ điệu Tân tung của đàn ông, phụ nữ Zazã đều đi vòng quanh con trâu nhảy theo nhịp trống, cồng, chiêng…

Đây là giai đoạn chuyển tiếp cuộc chia ly nên lễ bỏ mả thường kéo dài nhiều ngày cho vơi bớt niềm thương nhớ, cũng như người sống sẽ được hồn thiêng che chở. Là giai đoạn cuối cùng của vòng đời, kết thúc bằng nghi lễ ma chay để từ đó, bắt đầu một hành trình mới về với tổ tiên. Từ nay hồn người chết thuộc một thành viên của Yàng Camoách/ Yàng cu múi. Đó là một cuộc tiễn đưa người thân đến nơi tổ tiên của họ.

Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa, những biểu hiện văn hóa đặc trưng cho nền văn hóa dân tộc để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, nó bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc, thể hiện trí tuệ, tâm hồn, cốt cách của một dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế cao hay thấp, số lượng lớn hay nhỏ đều sáng tạo nên những bản sắc riêng biệt, độc đáo và đều có giá trị như nhau. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều đã sáng tạo ra những yếu tố văn hóa riêng biệt, làm phong phú bản sắc văn hóa độc đáo, thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Mong rằng @everyone sẽ có thời gian cùng Nhịp Cầu Huế đọc và tìm hiểu thêm về A Lưới, một vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có những vẻ đẹp hoang sơ và rất nhiều nét văn hóa bản địa độc đáo nhé.
__________________
#nhipcauhue #NguoiHue
#danhlamthangcanhhue #canhdephue
#VanHoaHue #LichSuHue

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button