Danh lam thắng cảnh

Cảnh Đẹp Thứ 13 – Linh Hựu Quán

Qua bài thơ “Đệ thập tam cảnh - Linh quán khánh vận”

第十三景-靈觀磬韻

Lời thơ xưa của Vua Thiệu Trị viết rằng:

“Bỉ thử vô quan hán đạo khôi
Tuẫn dân tồn cổ lạc xuân đài
Trai minh thịnh phục đồ vi nhĩ
Kiết kích minh cầu nhập diệu tai
Nhị ngọc kỳ văn thông giác ngộ
Phù kim dư hưởng tự đăng lai
Huyền lê minh khúc tuy tương gián
Tổng thị ưu du thọ vực khai”.

Nhịp Cầu Huế xin phép được trích dẫn bản dịch của tác giả Vĩnh Cao để chúng ta hiểu thêm ý thơ và cảnh đẹp này nhé:

“Đạo gia nào đáng được trùng tân
Tráng lệ cảnh xưa nghĩ đến dân
Lễ phục giới trai theo phép tắc
Chuông vành khánh gióng nhập tiên thần
Du dương tiếng ngọc thông tri giác
Văng vẳng âm kim đạt thánh ân
Thong thả thanh vang tuỳ điệu khú
Tiêu dao mở lối vượt hồng trần”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì “mặc dù nhà Nguyễn chỉ quan tâm đến đạo Nho của Khổng Tử, nhưng các vua Nguyễn cũng không thể phủ nhận được thực tế là xã hội Việt Nam đầu Thế kỷ XIX vẫn còn giữ tinh thần Tam giáo đồng nguyên (Phật, Lão, Nho). Do đó, ngoài Văn Thánh thờ Khổng Tử, nhà Nguyễn còn cho sửa sang nhiều ngôi quốc tự để thờ Phật, xây dựng Linh Hựu Quán để thờ Lão Tử. Văn Thánh được dựng ở Kinh đô và nhiều địa phương trong cả nưóc, các chùa thờ Phật thì có khắp nơi, riêng Linh Hựu Quán thờ Lão Tử thì chỉ có ở Kinh đô Huế và chỉ có một mà thôi”.

Quán Linh Hựu được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Quán là nhà thờ của Đạo sĩ. Triều Nguyễn xây dựng Linh Hựu Quán như đã nói trên là để thờ Lão Tử. Quán toạ lạc tại phường Ân Thạnh (sau đổi thành Tây Linh), phía bắc sông Ngự Hà, phía tây Trấn Bình Đài (Mang Cá) trong Kinh thành. Có thể nói Linh Hựu là một đền thờ hiếm hoi của đạo Lão nằm ngay trong kinh thành. Hơn nữa, các pháp sư, đạo sĩ đều được triều đình bổ nhiệm và cấp bổng lộc. Quán gồm có một điện chính là điện Trùng Tiêu, 5 gian; nằm ở giữa, bên trái có gác Từ Vân, bên phải có gác Tường Quang. Hai gác này có kiến trúc tương tự như nhau: tầng dưới 1 gian, 2 chái; tầng trên 1 gian. Bên trái và bên phải còn có hành lang, mỗi bên 5 gian. Trước quán là cổng tam quan, 3 gian và phía trước cổng này còn có một cổng phường môn nữa nằm gần sông Ngự Hà.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chi viết thời Tự Đức (Bản dịch Nxb KHXH, HN 1969. t.1, tr.71) và soạn lại dưới thời Duy Tân (Bản dịch , tập Kinh sư, bản dịch, Bộ QGGD, SG. 1960, tr.87) thì di tích Linh Hựu Quán đứng đầu trong mục Tự Quán (chùa quán). Vua Thiệu Trị, qua bài thơ “Linh quán khánh” nêu trên cũng xếp Linh Hựu Quán vào hàng thứ 13 trong 20 thắng cảnh đẹp nhất xứ kinh kỳ.

Đầu thế kỷ 19, khi xây dựng Kinh thành Huế, nhà Nguyễn lập Trấn Bình Đài để bảo vệ Kinh đô từ phía đông bắc. Do đó, trong quá trình đánh Huế, thực dân Pháp tìm mọi cách chiếm hữu Trấn Bình Đài. Điều 5, Hiệp ước Giáp thân (6.1884), thực dân Pháp ép triều đình Huế phải nhượng Trấn Bình Đài cho Pháp đóng quân. Từ đó dân Huế gọi Trấn Bình Đài là đồn Mang Cá. Trong vụ thất thú kinh đô (1885), một bộ phận quân Pháp đã vào chiếm đóng khu vực quán và một số công trình khác của triều đình như cung Bảo Định. Qua năm 1886, Toàn quyền Paul Bert với sự tham mưu của Trương Vĩnh Ký lại ép triều Đồng Khánh nhượng tiếp khu đất nằm giữa Trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để Pháp xây dựng thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương, kho hậu cần. . . . Linh Hựu Quán bị triệt giải.

Cũng theo thông tin được Ông Nguyễn Đắc Xuân tổng hợp thì “dân Huế gọi khu nhượng địa mới nầy là Mang Cá Lớn, khu Trấn Bình Đài cũ là Mang Cá Nhỏ. Lúc bấy giờ có một số dân theo đạo Thiên chúa ở thôn Cự Lại (vùng Thuận An) lên sinh sống chung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, họ làm bồi bếp, nấu ăn, buôn bán. . .Lấy lý do giúp đỡ những giáo dân nầy về mặt tôn giáo, linh mục Eugène Marie – Joseph Allys (1852-1936) xin cất một nhà thờ trên đất Linh Hựu Quán để giáo dân “có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạc Chúa nhật”. Nhưng vì luật lệ của Triều đình cấm xây dựng Nhà thờ Thiên chúa giáo trong Kinh thành nên chuyện không thành. Sau đó dưới triều Thành Thái Duy Tân, do sự vận động của Thượng Thị vệ Ngô Đình Khả (1857-1923), một nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng trên đất của Linh Hựu Quán, lấy tên là Họ Cầu Kho. Theo sách Nhân vật giáo phận Huế (tập I, tr.241, chú thích 15) của Lê Ngọc Bích, nhà thờ ấy “chỉ được lợp tranh tre” mà thôi. . . .Dưới thời Ngô Đình Diệm (1954-1963), chính quyền cho phép triệt hạ nhà thờ cũ để làm trường Tín Đức (ngày nay là Trường PTCS Thuận Lộc) nhà thờ mới được xây dựng khang trang vào đúng vị trí Linh Hựu Quán ngày xưa(1). Đó là Nhà thờ Giáo xứ Tây Linh trên đường Thái Phiên phường Thuận Lộc ngày nay (Xem ảnh). Theo L. Cadière địa danh Tây Linh có chữ Linh gốc từ Linh Hựu Quán”.

Giáo xứ Tây Lunh
Giáo xứ Tây Lunh

Hiện nay tại số 57 Nguyễn Chí Thanh thuộc phường Phú Hiệp có một kiến trúc gỗ, chính đường ba gian hai chái, tiền đường dài 7m, rộng 3m, mang tên Quán Linh Hựu, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, bên trong thờ Phật, thờ Mẫu. Có người cho rằng, đây chính là quán Linh Hựu ở bờ bắc sông Ngự Hà xưa chuyển về, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể nào để xác nhận ý kiến này.

Tại quán Linh Hựu xưa, sau khi làm bài thơ này, vua Thiệu Trị đã cho khắc vào bia đá và dựng ở nhưng không rõ biến mất từ thời nào. Trước năm 1933, L.Cadière cố công đi tìm vẫn không thấy.

Dù ngày nay không còn nhiều tín đồ của đạo Lão nhưng Linh Hựu Quán không chỉ là bằng chứng cho giai đoạn Tam giáo đồng nguyên của xã hội Việt Nam ngày xưa mà nó còn là một công trình kiến trúc đẹp, được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ 13 trong “Thần Kinh nhị thập cảnh”.

Rất mong những nhà nghiên cứu Huế sẽ tổng hợp thêm tư liệu về cảnh đẹp này để hậu bối @everyone có cơ hội tìm hiểu sâu hơn. Và nếu được ước nguyện thì rất mong một ngày không xa, những người chịu trách nhiệm “bảo tồn” các di tích của Cố Đô sẽ phục dựng lại một Linh Hựu Quán đúng tầm “Đệ thập tam cảnh” như lời bài thơ “Linh quán khánh vận” của Vua Thiệu Trị năm nào.

—————————-

#nhipcauhue #NguoiHue
#danhlamthangcanhhue #canhdephue
#lichsuhue #VanHoaHue

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button