Danh lam thắng cảnh

Tìm hiểu tên gọi kỳ lạ của các địa danh tại Huế

NONG - TRUỒI

Xứ Huế kinh đô một thuở thường gắn liền với những địa danh mỹ miều như Sông Hương, Núi Ngự, Kim Long, Nam Giao … vậy nhưng vẫn có những địa danh nghe rất kỳ lạ, chỉ độc một âm, rất khó hình dung ra ý nghĩa như Làng Nong, Xứ Truồi, chợ Nọ, chợ Dinh, làng Sam, ngã ba Sình, chợ Sịa, Rú Chá, đầm Chuồn…

Đến Huế mà hỏi Nong, Truồi ở đâu, bạn sẽ được chỉ tay về phía nam kèm theo câu giới thiệu: “Nong lên thì Truồi cũng lên”. Nong, Truồi là những vùng quê văn vật của đất Thừa Thiên, nay thuộc huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế khoảng tầm 30km, nằm ngang giữa con đường thiên lý xưa mà nay là quốc lộ 1.

“Nong lên thì Truồi cũng lên” là cách ví von của dân gian, ngụ ý rằng “anh thách thì tui cũng thách lại anh”, xuất phát từ tình huống năm xưa khi hàng hóa chợ Nong lên giá thì chợ Truồi (cách khoảng 7km) cũng lên theo.
Nong-Truồi là hai địa danh gắn liền với rất nhiều chuyện kể và là “gốc gác” của rất nhiều người Huế khắp nơi nhưng không biết đó là từ ngữ của tộc người nào từng sinh sống ở vùng đất này trong suốt mấy ngàn năm qua: Hán, Nôm, Chăm hay Pa Cô, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu…

Xứ truồi mít ngọt dâu thơm

Nhiều nhà nghiên cứu đã tốn không ít giấy mực nhưng những địa danh độc âm bí ẩn này vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn.

Tra cứu từ sách Ô châu cận lục, cuốn dư địa chí viết về dải đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam vào đầu thế kỷ 16, dưới thời Lê – Mạc làng Nong có tên là Minh Nông, sau đổi thành An Nông. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết do kỵ húy chữ Minh trong thụy hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu cho nên đổi thành An Nông.

Sách Đại Nam nhất thống chí, cuốn địa chí nước Đại Nam được biên soạn dưới triều Nguyễn vào cuối thế kỷ 19 – đầu 20 đã ghi chép nhiều về làng An Nông và tổng An Nông (bao gồm vùng Nong – Truồi hiện nay). Theo Ông Vinh, Làng An Nông có sông An Nông, cầu An Nông, bến đò An Nông… Như vậy, chữ Nong là cách nói chệch âm từ chữ Nông mà ra. An Nong chính là An Nông, một vùng quê nông nghiệp an bình từ thuở xưa cho đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, lại có 1 giả thuyết khác theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đưa ra như sau:

Trong sách Tiếng Huế, người Huế, văn hóa Huế (NXB Văn Học 2005), giả thuyết tên Nong có thể xuất phát từ chữ tnoong (cái cót đựng lúa) trong tiếng Pa Cô, một sắc tộc thiểu số từng cư trú tại vùng đồng bằng này từ thời Champa trở về trước.

Khám phá vùng Nong
Khám phá vùng Nong

Vậy phải chăng làng Nong ở đây có nghĩa là cái nong (nia) đựng lúa? Làng nào làm nông mà chẳng có nong nia. Tuy nhiên, lang Nong lại chẳng hề có nghề đan lát nong, nia, rổ rá, dần sàng gì cả.

Thêm vào đó, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân gian Tà Ôi, Pa Cô cho biết tiếng Pa Cô, Tà Ôi đều gọi cái cót đựng lúa là “chăt”. Cùng hướng giả thuyết này, nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang lại cho rằng Nong có thể bắt nguồn từ “pnang” trong tiếng Pa Cô, có nghĩa là “cau” (theo Xưa & Nay 10-2001). Nhưng Nong xưa nay chưa hề là vùng chuyên trồng cau.

NÚI TRUỒI AI ĐẮP MÀ CAO …

Có câu ca dao rằng:

“Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu”

Câu ca dao nổi tiếng ấy đã lưu hành khắp nước Việt, từ khi xứ Huế còn là kinh đô. Sông Gianh ở Quảng Bình thì ai cũng biết, còn núi Truồi thì ở đâu?

Xứ Truồi xuất hiện nhiều trong các bài ca dao:

“Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về”

Truồi không phải là làng mà là xứ. Xứ Truồi là vùng đất rộng bao quanh con sông Truồi với hơn 20 làng lớn nhỏ, nay thuộc hai xã Lộc An và Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

“Xứ Truồi ruộng cả đồng sâu
Muốn ăn cơm trắng làm dâu xứ Truồi”

Xứ này nổi tiếng với những sản vật như dâu Truồi, mít Truồi, chè Truồi…

Danh thần Đào Duy Từ đã đến lập phủ để sống (tại làng Bàn Môn) khi làm quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Phía đầu nguồn sông Truồi, từng có hành cung để các vua Nguyễn đến đây nghỉ ngơi, săn bắn. Cũng vùng đất này đã sinh ra các quan thượng thư triều Nguyễn là Trần Đình Túc, Lê Thanh Đàm, nghị viên Viện dân biểu Trung Kỳ Hoàng Đức Trạch…

Một vùng đất trù phú và văn vật dày dặn như thế, nhân tài kiệt hiệt như thế nhưng lại mang cái tên nghe vừa nôm na, vừa trúc trắc. Các sách sử và địa chí của triều Nguyễn, và trước đó cả Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục đều không ghi một chữ “Truồi” nào cả. Vậy thì Truồi từ đâu mà ra?

Nôm, Chăm, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Bru-Vân Kiều?

Truồi, chắc chắn không phải là từ Hán Việt, vì trong kho từ Việt gốc Hán không có từ này. Vậy thì Truồi có phải là chữ Nôm vì nghe có vẻ nôm na; là từ của Chăm – chủ nhân của vùng đất châu Rý (Lý) này một thuở; hay là ngôn ngữ của các sắc tộc thiểu số miền tây Thừa Thiên – những người từng cư trú ở vùng đồng bằng này từ thời Champa trở về trước?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho biết trong từ điển Chăm – Việt không có từ nào là “truồi”. Tra cứu, tìm hiểu trong Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính không thấy, nhưng thật may mắn đã tìm thấy chữ Truồi trong sách Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn ngữ học, xuất bản năm 1976 và sách Giúp đọc Nôm và Hán – Việt của linh mục Anthony Trần Văn Kiệm, NXB Thuận Hóa 1999. Tuy nhiên, cả hai từ điển này chỉ giải thích: “làng Truồi, tên làng gần Huế”. Nếu tên Truồi là chữ nôm thì có nghĩa là gì? Không từ điển nào giải nghĩa cả.

Theo lời PGS.TS Trần Văn Sáng ở khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, tác giả của luận án tiến sĩ “Địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở tây Thừa Thiên Huế” năm 2013 thì:

“Truồi là địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số thuộc nhóm Katuics, thuộc chi ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Đó là các dân tộc thiểu số hiện đang cư trú ở miền núi phía tây Thừa Thiên Huế: Cơ Tu, Tà Ôi – Pa Cô, Bru-Vân Kiều.

Các sắc tộc này đã từng cư trú ở vùng đồng bằng này từ thời Champa (xen cư với người Chăm) và trở về trước đó, trước khi người Kinh từ Đại Việt vào tiếp quản hai châu Ô, Rí”.

Theo ông Sáng, trong tiếng Bru-Vân Kiều có từ “Ntruôi” (đọc là Ầng Truôi) nghĩa là “con gà”, tiếng Tà Ôi “Atruôi” cũng là “con gà”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, một người nghiên cứu rất nghiêm cẩn của Huế cho biết ông cũng nghiêng về giả thuyết này.

Tuy nhiên, đến nay thì tất cả vẫn là một giả thuyết thôi vì chưa có một kết luận khoa học nào cho “Truồi” là “Ntruôi”, “Atruôi” cả.

Tìm hiểu dân gian xứ Truồi thì thấy có lưu hành một cách giải thích rằng thuở trước ở sân ga tàu lửa có một hàng cây ổi bị cưa ngang thành một dãy trụ. Người Pháp gọi là ga “trụ ổi” và phát âm thành “truoi”, lâu ngày thành “Truồi”. Tuy nhiên, lối giải thích này không thuyết phục lắm vì cái tên Truồi đã có từ trước khi ga tàu lửa này ra đời.

Cầu Truồi Huế ảnh xưa
Cầu Truồi Huế ảnh xưa

Gần đây lại có giả thuyết mới cho rằng “làng Truồi” là tên chữ Nôm (thuần Việt), bằng chứng là từ điển chữ Nôm đã ghi nhận. Tên đúng của nó là “làng Chồi”, tức là chồi non của cây cối. Do vùng đất này có núi cao, cây cối xanh tươi đâm chồi nảy lộc, gọi là “núi Chồi”. Làng ven sông đất đai màu mỡ, vườn tược trù phú nên gọi là “làng Chồi”. Qua thời gian chữ “Chồi” biến âm thành “Truồi”. Giả thuyết này đang chờ phản biện.

Nhịp Cầu Huế tổng hợp và chia sẻ đến quý vị @everyone những thông tin này để tham khảo nhưng chúng ta biết rằng lịch sử và tên gọi của hai vùng đất NONG – TRUỒI này vẫn cứ mang trong mình ẩn số tiếp tục chờ đợi các nhà nghiên cứu Huế cho họ một lời giải chính xác và chính thức…

Nếu quý vị có thông tin và bài vở, hãy chia sẻ để chúng ta cùng hiểu thêm nhé.

—————————-

#nhipcauhue #NguoiHue
#danhlamthangcanhhue
#codohue #lichsuvanhoahue

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button