Kiến trúc HuếLịch sử

Cố đô Huế với “kho tàng” kiến trúc Pháp cần được bảo tồn

Khi nhắc đến Huế, hầu hết chúng ta thường nghĩ đến mảnh đất Thần kinh với sự hiện hữu của kiến trúc Kinh thành, Lăng tẩm và cung điện của triều đại nhà Nguyễn cùng với kiến trúc nhà vườn Huế, cảnh quan danh thắng dọc bờ sông Hương… Nhưng Huế còn nổi tiếng bởi rất nhiều công trình Kiến trúc Pháp vừa hiện đại vừa cổ kính, mang một vẻ đẹp vô cùng ấn tượng. Theo thống kê, hiện nay tại Cố Đô Huế còn lại 240 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, rất cần được bảo tồn.

Những công trình này mang phong cách kiến trúc du nhập từ Pháp và có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống bản địa. Điều đó đã tạo nên một thể loại kiến trúc đặc trưng riêng biệt góp phần vào quỹ kiến trúc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ở Huế, người Pháp quy hoạch khá bài bản. Các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp ở Huế khá đa dạng và phong phú với nhiều thể loại khác nhau như công trình công cộng, biệt thự, công sở, cung điện, lăng tẩm, kinh thành,… Dòng sông Hương đóng vai trò là dải ngăn cách giữa 2 bờ Bắc và Nam.

Ở bờ Bắc, khu vực Kinh thành Huế cơ bản thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn trừ đồn Mang Cá do người Pháp chiếm đóng. Sau này, một số công trình được xây dựng chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp như điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự và một số nhà vườn truyền thống (bên trong là hệ Rường được bọc ngoài bằng tường trang trí kiến trúc Pháp).

Ở bờ Nam, người Pháp tạo nên khu phố “Tây” với nhiều công trình mang phong cách kiến trúc Pháp (xem thêm ở Phan Thuận An, 2008). Điều đáng nói là người Pháp cho xây dựng những công trình này rất bài bản và tuân theo các nguyên tắc kiến trúc trong quy hoạch và xây dựng. Các công trình nằm dọc bờ sông Hương (trục đường Lê Lợi) luôn có khoảng phân cách là cây xanh, cảnh quan giữa sông và công trình, độ cao từ 2 đền 3 tầng, có độ lùi tạo tầm nhìn và bảo vệ cảnh quan và giá trị của sông Hương. Các trục đường khác như Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt,… có bề rộng lớn hơn hẳn so với các đường trong khu vực Kinh thành. Hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè được thiết kế và xây dựng đầy đủ.

Một số loại hình kiến trúc Pháp ở Huế:

1️⃣Kiến trúc công trình công cộng

Loại hình này bao gồm các công trình như khách sạn, nhà ga, bảo tàng, văn hóa, y tế, giáo dục,… Ở Huế những công trình tiêu biểu cho loại hình kiến trúc này có thể kế đền như khách sạn Morin, nhà ga Huế, Đại học Huế, Đại học Khoa học, trường Quốc Học,…2️⃣Kiến trúc công trình biệt thự

Quỹ công trình Pháp có dạng biệt thự, nhà ở còn khá nhiều ở Huế. Thể loại công trình này nằm rải rác trong thành phố nhưng tập trung nhiều vẫn ở bờ Nam như bảo tàng Điềm Phùng Thị (1 Phan Bội Châu), Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi), biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt (vừa bị phá dỡ năm 2017), trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi),… Nhìn chung, các công trình này mang của phong cách kiến trúc địa phương Pháp và kiến trúc Đông Dương. Đặc điểm nhận dạng chính là thường có 2 – 3 tầng. Tầng dưới hoặc để có thể bằng đá, tầng trên bằng gạch theo nguyên lý cân bằng ổn định trong kiến trúc. Mái dốc nhô ra khỏi tường và được đỡ bằng các con sơn gỗ. Hệ thống cửa vòm cuốn có gờ lanh tô trang trí phía trên. Tường gạch dày có tác dụng chống nóng và chịu lực. Hệ thống cửa trong kính ngoài chớp. Bậu cửa và lanh tô hơi dốc và có gờ móc có tác dụng thoát nước nhanh chóng.

3️⃣Kiến trúc công trình khác

Ngoài những loại công trình nêu trên, một số dạng công trình khác có thể kể đến như Kinh thành Huế, cung điện, lăng Khải Định, cầu, nhà máy và đài tưởng niệm. Kinh thành Huế được xây thời vua Gia Long (1802 – 1820) theo nguyên tắc phong thủy và kiến trúc truyền thống phương Đông. Nhưng rõ ràng vòng thành ngoài cùng (Kinh thành) chịu ảnh hưởng kiến trúc thành lũy phòng thủ Vauban (kiểu phòng thủ điển hình phương Tây thời bấy giờ). Cầu Trường Tiền được khởi công vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái (1889 – 1907) do đơn vị thiết kế và thi công là hãng Eiffel, Pháp. Đây là công trình vượt khấu độ lớn, sử dụng vật liệu thép khá xa lạ so với thời điểm lúc bấy giờ. Ngoài ra, lăng vua Khải Định, cung An Định và một số công trình trong Đại nội Huế (điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự) cũng chịu ảnh hưởng các phong cách kiến trúc PhápHiện nay, có khá nhiều công trình kiền trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc đang dần bị phá hủy, triệt hạ như các biệt thự dọc đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám ở thành Phố Huế hay một số trường học ngày xưa. Điều đó quả thật đáng tiếc vì những công trình này là nhân chứng phản ảnh một giai đoạn lịch sử trước đây và cũng là một loại hình phong cách kiến trúc rất đặc trưng trong quỹ kiến trúc của Huế.Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, việc quy hoạch xây dựng của người Pháp rất tôn trọng giá trị của sông Hương, cũng như hài hòa với tổng thể kiến trúc kinh đô Huế cổ kính. Lắng nghe làn điệu “chầu văn” trong các chương trình ca Huế, có những câu:

“Núi sông trời đất cỏ cây,
Bên kia lối mới, bên này kiểu xưa
Càng nhìn càng ngắm càng ưa,
Càng say đắm cảnh, càng ngơ ngẩn lòng”…

Việc khảo sát, phân loại và đánh giá giá trị của những công trình kiến trúc Pháp để có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của chúng là điều cần thiết đối với chính quyền, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người dân xứ Huế. Mong sao Huế sẽ có được một dự án quy hoạch nghiêm túc và kiểm kê cụ thể những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc hiện còn bảo lưu được trên đất Huế để có một thái độ ứng xử thích hợp đối với loại hình di sản văn hóa mang giá trị lịch sử và nghệ thuật của một thời kỳ đã qua.
———————-

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button