Danh lam thắng cảnh

Cảnh đầu nguồn sông Hương

qua bài thơ “Đệ thập ngũ cảnh - Trạch nguyên tiêu lộc” của Vua Thiệu Trị

第十五景-澤源哨鹿

Bài thơ “Cảnh đẹp thứ mười lăm – Săn nai đầu nguồn” viết:

“Tập lao dị vũ hữu hà phương,
Đắc thất hưu hiềm thả học Thang.
Phong độ vân nham nhân hưởng động,
Sương ngân thú kính mã đề dương.
Miễn thương hoà cốc cầm mi lộc,
Thứ lợi tiều tô sát hổ lang.
Lễ bị hình đăng cung tẩm tiến,
Dĩ thời sưu thú giới cầm hoang”.

Mời quý vị @everyone cùng Nhịp Cầu Huế tìm hiểu thêm ý thơ qua bản dịch sau:

“Ngại chi luyện võ chịu gian nan,
Được mất đầu cần chỉ học Thang.
Xao xác tiếng người vang đỉnh biếc,
Ruổi rong vó ngựa đọng đường quang.
Giúp mùa ngũ cốc bắt tuần lộc,
Lo cảnh tiều phu diệt hổ lang.
Đem lễ dâng lên nơi tẩm điện,
Mê săn chìm đắm việc sao đang”.

Huế không chỉ gắn với vẻ đẹp cổ kính của những đền chùa, thành quách, lăng tẩm… mà còn nổi tiếng với dòng sông Hương thơ mộng. Vẻ đẹp, sức quyến rũ của dòng sông Hương đã từng được vua Thiệu Trị ca ngợi trong 20 cảnh đẹp của mảnh đất Cố đô bao gồm: “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương). Cùng với Núi Ngự, sông Hương chính là “hồn cốt”, là “tinh thần” của xứ Huế.

Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tuỳ theo thời gian có nhiều tên khác nhau.

Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1435), viết là Sông Hương là sông Linh; Sách “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang); Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn gọi là sông Hương Trà (Hương Trà nguyên). Từ nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.

năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc Thừa tuyên Thuận Hoá. Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hoá (1558), huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà.

✍️Huyền tích về dòng sông Hương

Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là sông Hương, cũng có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông, thậm chí có nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông. Nhưng có “một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho”.

✍️Sông Hương bắt nguồn từ đâu

Sông Hương có hai nguồn lớn là Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng. Từ kinh thành nhìn lên, nguồn Tả Trạch nằm ở bên trái và Hữu Trạch ở bên tay phải. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Tả Trạch bắt nguồn từ Động Dài và khe Sơn Ba, chảy khuất khúc qua Điện Sơn. Biên Lộ và Phổ Giang 59 dặm. Đến Thác Thú, nguồn nước chuyển sang phía đông qua các khe và thác thêm 36 dặm mới đến ngã ba Bằng Lãng. Còn Hữu Trạch, bắt nguồn từ phía đông núi Chấn Sơn chảy quanh co qua nhiều rừng núi, có đến 14 ngọn thác rồi mới từ từ nhập vào ngã ba Bằng Lãng. Ngã ba Bằng Lãng còn có một tên gọi nữa là ngã ba Tuần. Sở dĩ có tên gọi này là do từ đầu thời Gia Long, triều Nguyễn đã đặt một Tuần Hộ Sở, gồm 3 đội, 27 người, đứng đầu là chức Thủ ngự để tuần phòng và thu thuế nguồn. Sang thời Minh Mạng, những vùng đất trống ở hai bên nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch đều đặt các đồn điền để khai khẩn đất đai và định cư dân chúng.

Tuy nhiên ở đây vẫn còn nhiều khe núi, đầm hồ chưa được khai phá và rừng phía thượng nguồn lại rậm rạp hoang vu. Đó là nơi thú rùng và chim chóc tụ tập sinh sôi vô cùng phong phú. Hàng năm, các vua nhà Nguyễn thường ngự thuyền rồng ngược sông Hương, sau khi thăm viếng lăng tẩm của tổ tiên thì lên các khu rừng đầu nguồn để săn bắn. Đây là bài thơ ra đời sau một chuyến vui thú săn bắn như vậy.

Hiếm có dòng sông nào chảy trong lòng thành phố, và với Huế, sông Hương là dòng sông duy nhất ấy. Chính vì thế nên vẻ đẹp của sông Hương là vẻ đẹp vang bóng một nền văn hóa trải qua nhiều thăng trầm nhưng cũng rất đỗi bí ẩn, quyến rũ của cố đô Huế. Vì vậy, nhà thơ Thu Bồn đã chấp bút:

“Con sông dùng dằng, con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” – Đó là những lời thơ nổi tiếng trong bài “Tạm biệt Huế” của ông mà sau này đã được phổ nhạc thành ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Xuân An.

Cùng với bề dày lịch sử của mình, sông Hương cũng đi vào thơ ca nhạc họa với bấy nhiêu trầm tích và dấu ấn. Từ những lời ca dao dân ca, đến những lời ca Huế. Là hình ảnh trong “Trường ca”, “Tình ca” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (ca khúc Tiếng Sông Hương)…, Sông Hương còn trở thành người bạn trong thơ của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo (“Sông Hương hóa rượu ta đến uống – Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say…”); là cảm hứng về một vùng đất của nhạc sĩ Duy Khánh (“Ai ra xứ Huế thì ra – Ai về là về núi Ngự – Ai về là về sông Hương – Nước sông Hương còn vương chưa cạn – Chim núi Ngự tìm bạn bay về…”)… Có lẽ bao nhiêu tình cảm với Huế là bấy nhiêu sự gợi nhắc về sông Hương.

Lời kết

Vẻ đẹp sông Hương đã đi vào thi ca nhạc họa nhưng chỉ khi bạn tự mình trải nghiệm thì mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng, huyền ảo của dòng sông này. Ngắm ráng chiều, hoàng hôn trên sông Hương hay những hình ảnh hoa đăng dập dềnh, văng vẳng giọng hò ca Huế nhặt khoan luôn là nỗi nhớ của biết bao thế hệ…
————————

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button