Hải Vân Quan – Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan –
Nhân sự kiện “Di tích Hải Vân Quan dự kiến sẽ được mở cửa để đón khách du lịch đến tham quan miễn phí từ ngày 1-8”, Nhịp Cầu Huế mời quý vị @everyone cùng tìm hiểu và đóng góp tư liệu liên quan đến Hải Vân Quan “xưa & nay” nhé.
✍️Tìm hiểu lịch sử hình thành
Theo tài liệu lịch sử trước năm 1306 ghi chép thì vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, châu Lý của Vương quốc Champa. Sau sự kiện Huyền Trân công chúa nhà Trần lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa.
Năm 1402, nhà Hồ chia vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đèo Hải Vân trở thành ranh giới giữa châu Hóa và lộ Thăng Hoa.
Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông thân chinh Champa thì đèo Hải Vân được lấy làm ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Trong một lần vi hành, Vua Lê Thánh Tông đã ban tặng nơi đây 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
📌Nhịp cầu Huế xin trích lại những thư tịch cổ có đề cập đến vị trí và tầm quan trọng của núi Hải Vân và Hải Vân quan như sau:
– “Dư địa chí” do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 143 đã nói đến địa danh “Ải Vân”,
– Dương Văn An đời Mạc trong “Ô châu cận lục” (1555),
– Hòa thượng Thích Đại Sán trong “Hải ngoại ký sự” (cuối thế kỷ XVII),
– Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” (cuối thế kỷ XVIII)
Mọi tài liệu ghi chép đều cho biết sự bao la hiểm trở của núi và ải Hải Vân. Đây là nơi xung yếu trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam và đều có cửa ải, đặt binh canh giữ.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn và nhiều bản đồ xuất bản dưới thời Nguyễn như Thừa Thiên toàn đồ (1832), Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ (1886 – 1888), Đại Nam nhất thống chí (Duy Tân năm thứ 3 – 1909) đều ghi rõ, chi tiết vị trí của núi Hải Vân và Hải Vân quan.
📌Kể từ khi các chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí hiểm yếu, có tầm chiến lược hết sức quan trọng. Chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) nhận định đây là “đất yết hầu của vùng Thuận Quảng”.
📌Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu (1692 – 1725), khi đi qua đèo Hải Vân đã cảm tác viết bài “Ải lĩnh xuân vân”:
“Việt nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên
Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền
Đạo nhân thư”
để miêu tả khung cảnh hùng vĩ, hiểm trở…của nơi này.
📌Năm 1774, tướng Hoàng Ngũ Phúc của chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân đã cho đắp một bờ lũy cao chắn ngay đỉnh đèo Hải Vân gọi là Đỉnh Lũy.
📌Vua Quang Trung (1788 – 1792) lấy núi Hải Vân làm nơi hội tụ quân sĩ để tiến đánh quân Trịnh ở Phú Xuân. Đến khi Nguyễn Ánh tiến quân ra Phú Xuân đã sai các tướng lĩnh “đến cửa ải Hải Vân theo chỗ hiểm mà đóng giữ”.
Khi triều Nguyễn thiết lập, Huế trở thành Kinh đô, đèo Hải Vân và núi Hải Vân ngày càng được coi trọng trong việc bảo vệ phía nam Kinh đô, đây là đài quan sát bao quát toàn bộ khu vực cả ở trên biển và trên đất liền và là yết hầu của đường bộ gần như duy nhất từ phía nam ra Huế, đồng thời khống chế được cả con đường biển đi qua dưới chân núi.
Nhận thức được tầm quan trọng của ải Hải Vân, ngay từ thời Gia Long (1802 – 1820), triều đình đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời Minh Mạng (1820 – 1840), để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại.
📌 Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Hải Vân quan được xây dựng, tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân (Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã – Hải Vân nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng), cách trung tâm Tp. Huế khoảng 90km về phía Nam, cách trung tâm Tp. Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.
Cụ thể, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân, cửa trước viết ba chữ Hải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Từ đó, muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm,sau đó triều đình phái biền binh chở súng ống theo viên tấn thủ đóng giữ.
Về mặt quản lí và canh phòng Hải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân.
Năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ thì cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885, sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884), số lính chỉ còn khoảng 5 người.
Sang đầu thế kỷ XX, năm 1918, khi H.Cosserat tới Hải Vân quan khảo cứu cửa ải đã bị bỏ hoang không còn ai canh gác. Cuối năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược nước ta đã cải tạo Hải Vân quan thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ trên đỉnh đèo hiểm trở do hai trung đội lính Âu – Phi chiếm giữ. Sau năm 1954, hệ thống nhà ở, đồn bốt, công sự… được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng.
📌Năm 1918, khi H.Cosserat khảo cứu Hải Vân quan (Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân – BAVH, số 2/1921) cho thấy Hải Vân quan tuy bị hoang phế nhưng diện mạo các công trình xây dựng còn tương đối rõ nét về vị trí, quy mô, cấu trúc… nhưng trong giai đoạn 1946 – 1975, Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã bị xây thêm phía trên để tăng thêm độ cao của các cổng nhằm mở rộng tầm kiểm soát. Một vài đoạn tường lũy, hệ thống bậc cấp, đường đi nội bộ… đã bị triệt giải, hạ thấp độ cao hoặc xây mới lệch khỏi vị trí nguyên gốc. Các ụ súng thần công, Trú sở và Vũ khố đều bị các dãy nhà binh, nhà trại, kho ngầm, ụ súng… được xây dựng trong thời kỳ quân đội Pháp, Mỹ đồn trú thay thế. Cửa ra vào Thiên hạ đệ nhất hùng quan bị xây bít lại bằng gạch hiện đại và bị đất cát…bồi lấp dày gần 2m. Đường Thiên lý từ phía Nam dẫn lên Hải Vân quan và từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế cũng bị san ủi, bồi lấp. Bên cạnh đó, xung quanh Hải Vân quan, các đơn vị quân đội Pháp, Mỹ đã xây thêm 5 lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này.
Hiện nay, di tích Hải Vân quan đã có sự biến đổi rất nhiều so với các tư liệu chính sử triều Nguyễn, các tư liệu của người Pháp đầu thế kỷ XX và các nguồn tư liệu khác được ghi nhận trong khoảng thời gian 1946 – 1975.
Nhìn chung, đèo Hải Vân không chỉ là một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta với tên gọi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” – mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua.
✍️ Hải Vân Quan ngày nay – Điểm tham quan nổi tiếng
Công trình phòng thủ đồng thời là công trình kiến trúc độc đáo này đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Không chỉ có giá trị to lớn về quân sự, lịch sử, Hải Vân Quan còn có vị trí “độc nhất vô nhị” thu hút sự tò mò của bất cứ ai khi có dịp ngang qua. Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng, hấp dẫn mọi du khách khi đến với Đà Nẵng – Huế.
Cùng với Lăng Cô – Bạch Mã – Cảnh Dương, Hải Vân Quan là một điểm đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển.
—————————-
Người Huế #nhipcauhue
#LichSuHue #VanHoaHue
#danhlamthangcanhhue
#dulichhue #canhdephue
📸 internet