Danh lam thắng cảnh

Cảnh Đẹp Thứ 17 Của Cố Đô Huế ⛩️ Chùa Giác Hoàng ⛩️

qua bài thơ Đệ thập thất cảnh - Giác Hoàng phạm ngữ

第十七景-覺皇梵語

Tiếng kinh chùa Giác Hoàng

Quốc tự Giác Hoàng được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 17 của đất Thần kinh như lời thơ vịnh trong bài “Giác Hoàng phạn ngữ” được khắc vào bia đá dựng bên trái ngôi chùa. Mặc dù bây giờ tấm bia đá này đã thất tán nhưng chúng ta vẫn có thể tìm được trong thư tịch cổ nhờ ý chỉ “cố định hóa” 20 thắng cảnh bằng tranh vẽ, bia đá, mộc bản của vua Thiệu Trị.

Thơ rằng:

“Phúc địa đoan nghiêm khởi pháp cung,
Chung tường thắng tích đối khung lung.
Viên linh bảo tướng quang minh ngoại,
Diệu đế kim cương tưởng tượng trung.
Chứng giác vô ngôn tâm tức Phật,
Chỉ quan nhập định sắc nhi không.
Từ nhân phổ bác quần sinh toại,
Trí huệ hoằng thâm vạn loại thông”.

Bản dịch của tác giả Vĩnh Cao được xem là gần nhất với ý thơ của Vua Thiệu Trị, Nhịp Cầu Huế xin trích lại để quý vị @everyone tiện tham khảo thêm khi cần.

“Trang nghiêm trấn ngự dưới trời xanh,
Thắng tích hun đúc chốn đất lành.
Bửu Tướng phô bày đầy rực rỡ,
Kim Cang ẩn chứa trọn uy linh.
Ấy tâm tức Phật vô ngôn giác,
Mà sắc là không nhập định thành.
Trí tuệ thâm sâu thông vạn loại,
Lòng từ trải rộng khắp quần sinh”.

✍️Lật lại lịch sử, cách đây hơn 185 năm, tại Kinh đô Huế, mùa xuân năm Kỷ Hợi (1839) đã đánh dấu sự ra đời của ngôi Quốc tự mang tên Giác Hoàng, một trong những ngôi chùa nổi tiếng của đất kinh kỳ ngày xưa.

✍️Theo sách Đại Nam nhất thống chí, vị trí của chùa thuộc địa phận phường Đoan Hoà, phía đông nam trong kinh thành, nay thuộc phường Thuận Thành. Nguyên thủy, khu đất này được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của vương triều Nguyễn chọn làm trung tâm thủ phủ Phú Xuân (còn gọi là Chính dinh).

✍️Đến thời Gia Long, ông đã cho quy hoạch, mở rộng Kinh thành rộng rãi, đồ sộ như hiện nay, Chính dinh được ban làm chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng sau này). Sau khi nối nghiệp, mùa xuân năm Kỷ Hợi (1839), nhân chuẩn bị cho lễ Ngũ tuần đại khánh và kỷ niệm 20 năm lên ngôi, thế nước lúc ấy làm vua Minh Mạng cảm thấy hài lòng, mới dụ bảo triều thần: “Ta nhớ lúc còn là hoàng tử được tiên đế yêu thương ban cho “tiềm để” (nơi ở của vua khi còn là hoàng tử) ở phường Đoan Hòa góc Đông Nam bên ngoài hoàng thành… Cuộc đất đó rất quý, nên xây dựng một ngôi chùa thờ Phật để tụ linh khí, phát phúc lâu dài”. Ý chỉ của vua đã được triều đình thực hiện.

Chùa Giác Hoàng được xây dựng khá quy mô. Phía trước có cổng tam quan. Công trình kiến trúc chính là điện Đại Hùng (phía trước) và điện Đại Bảo (phía sau), mỗi toà 3 gian 2 chái. Phía trước điện Đại Hùng có hai ngôi nhà 3 gian ở hai bên. Tiếp đến là lầu Hộ Pháp. Sau điện Đại Hùng hai bên có hai nhà tăng, mỗi nhà 5 gian. Bên trái có một nhà bếp 3 gian. Xung quanh chùa đều có tường gạch bao bọc.

✍️Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847, Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu) được phong giữ chức Tăng cang đầu tiên của chùa. Quốc tự Giác Hoàng là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo của hoàng gia và triều đình, đồng thời là một thắng cảnh nổi tiếng ở đất kinh kỳ.

Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, một bộ phận lính Pháp đã vào chiếm đóng khu vực chùa. Thoạt tiên là làm trại lính, đến thời Thành Thái khi đã “chùa đổ sư tàn”, Giác Hoàng bị triệt giải để xây Viện Cơ Mật, tòa nhà 2 tầng ngay giữa trung tâm đất chùa làm chỗ hội họp của hội đồng thượng thư Nam Triều dưới sự chủ tọa của Khâm sứ Pháp; phía trước là 2 dãy nhà, một làm nơi làm việc của các ông Hội lý người Pháp bên cạnh Bộ Hình và Bộ Lại; một làm Bảo tàng Kinh tế. Vì có 3 tòa nhà như vậy nên dân Huế gọi là Tam Tòa. Và cái tên Tam Tòa “đóng đinh” trong nhiều người cho đến bây giờ dù công năng của cụm kiến trúc này liên tục thay đổi theo thời gian.

✍️Sau khi ngôi chùa bị triệt giải, triều đình đã cho chuyển các pho tượng “Tam thế” và nhiều đồ tự khí “di tản” sang Gia Hội “ngụ” ở Diệu Đế, cũng là một ngôi Quốc tự tại kinh đô Huế. Riêng quả Đại hồng chung thì được cất giữ trong kho của Vũ khố. Đến thời Bảo Đại, các pho tượng “Tam thế” được cung thỉnh lên thờ tại chùa Vạn Phước (Trường An – Huế). Riêng quả Đại hồng chung thì nay không biết lưu lạc phương nào… Từ đây chùa Giác Hoàng bị bỏ hoang.

Ngày nay ở khu vực này, dấu tích của nhà Giác Hoàng xưa hầu như chẳng còn gì ngoài một cái giếng nhỏ. Giếng này được xây bằng đá, rất đẹp và còn tương đối nguyên vẹn. Dẫu sao nó cũng là một chứng tích quý báu giúp người ta có thể liên tưởng về ngôi quốc tự Giác Hoàng một thời lừng lẫy là thắng cảnh của đất kinh kỳ.

———————
#NguoiHue #nhipcauhue
#LichSuHue #VanHoaHue #codohue
📸 internet

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button