Nhân mùa vu lan thắng hội bàn về: “tiết trung nguyên, vu lan, xá tội vong nhân trong tâm thức dân gian người việt”
Ngày nay các tiết lễ Trung nguyên, Vu lan hay Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng Bảy đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Các hoạt động này vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội, là sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Sách Việt Nam phong tục có đoạn viết: “Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy.Tục đốt mã là do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần”.
Trước đây dưới thời Nguyễn, vua Minh Mạng khi cho lập đàn siêu độ ở chùa Thiên Mụ rằm tháng bảy đã nói với quần thần rằng: “Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, là để giúp cho âm phúc được nhờ. Nay ta sai Bộ Lễ sắm sửa lễ vật đến tiết Trung nguyên truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Phật giáo tuy huyền vi mà chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta tưởng nhớ đến tướng sĩ thì không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là ngụ ý thương xót [của ta], chứ không chỉ là dốc lòng mê tín đạo Phật đâu”.
Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Hội hè lễ tết của Người Việt cho rằng: “Theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có hồn và phách (vía). Những linh hồn này tồn tại trong thân thể, khi chết tức là hồn vía bỏ đi. Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc, đó chỉ là việc người ta chuyển sang một cõi khác. Người xưa quan niệm “âm dương đồng nhất thể” (tức trần sao âm vậy), nên bày ra tục cúng tế để tỏ lòng biết ơn báo đáp ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời. Người ta đốt đèn nến để soi sáng bước đi của hồn, đốt tiền vàng để trả tiền đò giang khi xuống ấm phủ, cúng đồ ăn thức uống để hồn khỏi đói khát, cúng đốt đồ mã để người âm có cái dùng như lúc sinh thời. Nhưng trong cõi âm còn có những vong hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc hoặc không có người thân thích nên ngày rằm tháng bảy mới có tục cúng vong. Đó là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo”.
Từ đó, có thể thấy rõ việc lập đàn tràng chay tế của người xưa trong ngày rằm tháng Bảy mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Việc tế lễ không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, cũng là một dịp để tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước. Bản chất các lễ tiết này đều mang ý nghĩa hướng thiện, là dịp thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ, không chỉ với người quá cố mà còn cả với người đang sống. Đó chính là hạnh hiếu của nhà Phật và tâm hiếu của con người đồng thời cũng là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
“Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
“Hiếu vi vạn hạnh chi tiên” – Được thể hiện lòng hiếu thảo với bậc làm cha làm mẹ, những người đã cho ta nguồn sống, tình yêu thương bao la thật hạnh phúc biết nhường nào!
———————
#NguoiHue #nhipcauhue
#muavulan #hieudao #tuybut
Nhịp Cầu Huế gửi @everyone
📸 Internet