Văn chương

Bản lĩnh người cầm bút

Hiện nay các diễn đàn văn chương online khá nhiều. Chúng ta tham gia diễn đàn với những vai trò khác nhau, có thể là độc giả, tác giả hay quản trị viên. Cho dù với vai trò gì thì bản lĩnh vẫn là điều cần thiết.

📝“Văn là người “

Ông cha ta ngày xưa vẫn thường nói “Văn là người” hay “Văn tức là người” hay “Văn học là nhân học”. Trích dẫn vậy để nhận định rằng văn học thể hiện sự rung cảm, đồng cảm sâu sắc trong tâm hồn của con người với con người và con người với thiên nhiên thông qua giá trị của chân – thiện – mỹ.

Chúng ta hiểu câu đó với nghĩa là người thế nào thì văn cũng như thế. Người lịch sự thì văn phong nho nhã, người bình dân thì văn phong mộc mạc, dễ hiểu. Người thiếu chuẩn mực thì văn phong dễ dãi, dụng tục … Vì thế cho dù chúng ta chấp bút với vai trò nào, trường phái nào, chính luận nay hài hước thì văn phong nhất định phải “tinh, sạch”. Chúng ta làm vậy để tỏ lòng tôn trọng độc giả và thể hiện bản lĩnh của người cầm bút.

📝Hiểu sao về câu “văn mình vợ người”

Có một điểm chung khá phổ biến là chúng ta hay tự cho “văn mình” bao giờ cũng hay hơn “văn người”, ngược lại “vợ người” thường bao giờ cũng đẹp hơn “vợ mình”!

Bốn từ đơn “văn, mình, vợ, người” đều có nghĩa riêng; chia thành hai cặp từ đăng đối: văn mình và vợ người.

– “văn” đối với “vợ”,

– “mình” đối với “người”.

Câu thành ngữ có ý khéo léo phê phán tính chủ quan, cảm tính của chúng ta khi tự phụ cho văn mình hơn hẳn văn người khác; với vợ thì vì đã quá quen nên lại thấy vợ mình là người bình thường, thậm chí tầm thường; trong khi đó lại thấy vợ người là đáng để chiêm ngưỡng.

Khi bạn có một bài văn, một bài thơ hay thì bạn rất tâm đắc, bởi bạn xem nó như đứa con tinh thần của mình. Ai ai cũng có tâm lý hài lòng nên chúng ta không thể tránh khỏi có chút gì tự phụ cho những gì mình viết là hay nhất, đúng nhất. Tuy vậy, khi tác phẩm của bạn đến với độc giả thì mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Vì thế nên chăng chúng ta phải bình tĩnh đón nhận những phản ứng đa chiều của bạn đọc.

– Khi có một “Comment” đồng cảm, tán dương mình, thì chúng ta ai cũng rất vui nhưng cũng không quên sự khiêm tốn. Những câu cảm ơn và giao lưu xen chút hài hước với độc giả luôn tạo ra niềm vui cho nhau.

– Cũng lắm khi chúng ta chẳng may gặp phải một “Comment” trái chiều hoặc không như ý. Nếu là người quen, chúng ta hãy nhắn tin nhờ người ta gỡ bỏ chứ đừng tự ý xóa đi. Như vậy, người quen sẽ thấy được tôn trọng.

Nếu là của độc giả, khi chúng ta thấy “comment” đó vi phạm các quy tắc cộng đồng, vi phạm các quy ước xã hội, chia rẽ thành viên, ảnh hưởng đến tính văn minh và thuần phong mỹ tục … thì nên chăng chúng ta cứ xóa để tránh phiền lòng những người khác. Ngược lại nếu chỉ là hiểu sai, chưa thống nhất thì chúng ta hãy kiên trì, tự tin tranh luận đến khi hai phía vui vẻ thấu hiểu. Cũng có khi chúng ta gặp phải đối phương không thiện chí “ngang như cua” thì thôi vậy, “thanh giả tự thanh”.

Một điều cần thiết nữa với người cầm bút như chúng ta là trước khi nhấn nút đăng bài, nên đọc kỹ lại bài viết của mình để xem có sai sót gì về lỗi chính tả, về dấu câu, hay vô tình nhảy chữ hay những từ viết hoa bị nhầm lẫn.

Thiết nghĩ, chúng ta là những người cầm bút, một khi đã quyết định đưa bài viết lên các diễn đàn công khai thì chúng ta đồng thời cũng đã “tôi luyện” bản lĩnh để chấp nhận và dung hòa các phản ứng thuận chiều hay trái chiều của độc giả.

Rất mong Nhịp Cầu Huế luôn là một diễn đàn #hue #Nhipcauvanchuong #nghiencuuvanhoa #timhieulichsu được xem là thân thiện, có trách nhiệm với cộng đồng.

Mến chúc Quý thành viên @everyone thảnh thơi và thong dong tận hưởng hành trình “trao yêu thương, bền kết nối” của một NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG. Chúng ta hãy tận tâm sẻ chia cùng độc giả muôn mỗi chuyện “đời”, chuyện “người” để ai ai cũng có những cuộc dạo chơi trên văn đàn hữu ích và vui vẻ.

Trân trọng!

💜 LHT

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có quan tâm
Close
Back to top button