Cảnh Đẹp Thứ 8: Vườn Thường Mậu
Vài nét về vườn Thường Mậu – một danh viên dưới triều Nguyễn
Vườn Thường Mậu xưa tọa lạc tại phường Thừa Đức, phía nam Tịch Điền trong Kinh thành, nay là khu vực nhà máy dệt Phú Xuân ở phía Đông đường Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Đại Nam Nhất Thống chí ghi chép: năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), mở một danh viên ở trước Tịch Điền, lấy vật liệu ở hiên và lầu trong Ngự Uyển, đem đến xây dựng ở đây, đắp núi, đào hồ, đặt tên là Thường Mậu viên, nhân đấy cho Hiến Tổ Chương Hoàng Đế làm nơi nghiên cứu Kinh, sử trong thì giờ rảnh việc(1). Lại theo bản phụng Thượng dụ của Lâm Duy Nghĩa ở Nội Các ngày 7 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) ghi: Năm trước (1840) Hoàng Khảo Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế có cho xây dựng một khu vườn trong Kinh thành và đặt tên là vườn Thường Mậu(2). Như vậy, căn cứ theo Đại Nam Nhất Thống chí và tài liệu Châu bản ghi chép, vườn Thường Mậu được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840).
Về kiến trúc trong khu vườn gồm có: nhà Chỉ Thiện, 5 gian 2 chái, cột bên bắc treo biển đề là “Tàng tu du tức”, bên tả bên hữu trước nhà đều xây tường ngăn, bên tả là cửa Thường Ninh, cửa Thường đạo; bên hữu là cửa Thường Thái, cửa Thường Tại. Phía bắc nhà là hồ Thanh Minh, giữa hồ có đảo lớn gọi là đảo Bồng Hồ, trên đảo là lầu Thừa Ân, 5 gian 2 tầng, cửa kính, phía nam là hiên Tu Tề, biển đề là “Nhật tư hiếu hữu” phía bắc là nhà Tâm Trai, có biển đề là “Đào thực tính tình”. Phía nam hành lang vòng bên tả bên hữu hiên Tu Tề qua hồ Thanh Minh liền với nhà Chỉ Thiện; khoảng giữa hành lang vòng bên tả là cầu Quang Phong; khoảng giữa hành lang vòng bên hữu là cầu Tế Nguyệt. Hành lang cánh gà bên hữu nhà Tâm Trai chiết góc về phía bắc bên tả là nhà tạ Trừng Thanh, bên hữu là gác Thông Minh, đều ở giữa chỗ nước, hướng bắc.
Cửa phường bên nam bên bắc ở hồ chính giữa trước hiên đều 3 cửa, cột gạch, trang trí bằng mảnh sứ ghép lại, biển ở cửa phường bên bắc đề là: “Thiên chân lạc thú” và “Vô hạn phong quang”; biển ở cửa phường bên nam đề là “Thiên nhiên cảnh sắc” và “Chỉ ư chí thiện”.
Lại giữa hồ ở phía bắc lầu có núi gọi là núi Tam Thọ, phía nam núi là đình Lục Hợp, phía đông là quán Tứ Đại, phía tây là tháp Giác Viên.
Bốn chung quanh hồ, phía đông nam là Vũ Trúc nhai, phía tây nam là Sương Tần phố, phía đông bắc là đò Phong Hòe, phía tây bắc là bến Yên Liễu, phía đông có giếng Cam Lễ. Lấy tường cung phía nam làm cửa Phương Mậu, phía bắc làm cửa Phong Mậu, phía đông làm cửa Thúy Mậu, phía tây làm cửa Tư Mậu(3).
Sau khi vua Minh Mệnh mất, nhân một lần đi qua khu vườn (Thường Mậu), nhìn thấy lầu Thừa Ân trong lòng (vua Thiệu Trị) đau xót cảm khái mãi không thôi. Nên cho đổi tên lầu đó làm lầu Kỷ Ân truyền cho Hữu ty đem dụ này khắc vào bia đá dựng ở vườn để cho rõ việc này(4).
Dự định ban đầu của vua Minh Mệnh khi xây dựng khu vườn này là làm nơi nghỉ ngơi và học tập cho Hoàng tử Miên Tông. Sau khi lên ngôi, đến năm 1843 vua Thiệu Trị cho sửa lại khu vườn với quy mô rộng thêm để làm nơi nghỉ ngơi sau mỗi lần đi cày ruộng tịch điền(5).
Với thiết kế cảnh quan nói trên, khu vườn đã được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 cảnh đẹp xứ Thần Kinh.
Vườn Thường Mậu cũng như bao công trình khác trong Kinh thành không tránh khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung, sự vô tình của thời gian làm cho các tòa nhà, lầu gác trong vườn nhiều lần bị xuống cấp, hư hỏng đã được vua Thiệu Trị, Tự Đức cho tu bổ, sửa chữa. Tài liệu Châu bản còn ghi lại được một số lần sửa chữa đó. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1843), do mưa bão làm các tòa nhà và lầu trong vườn Thường Mậu tường vách bị xiêu vẹo, bậc thềm sụt lở, bộ Binh đã điều 200 lính giao cho Nguyễn Văn Phượng quản lý và lĩnh vật liệu tu sửa gấp(6). Năm Tự Đức thứ 12 (1859) vua ban dụ: vườn Thường Mậu là vườn các cụ ban cho vua cha ta để khi việc nước rảnh rỗi làm nơi đọc sách. Lúc đầu xây dựng quy mô tráng lệ. Nay qua mấy kỳ sương tuyết, tường đổ cột xiêu, phần lớn không còn như trước nữa. Giao cho bộ Công tiến hành xem xét và phái 100 quân lính đến sửa chữa để được tráng lệ như quy mô ngày trước. Lại lệnh cho trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh(7). Năm Tự Đức thứ 13 (1860), gỗ lạt, vật liệu các tòa lầu, lan can trong vườn bị hư mục đã sức điều phái lính thợ theo đúng mẫu sửa chữa. Trong đó có tòa gác Thông Minh nay đổi lợp bằng ngói phiến màu vàng cho phù hợp(😎. Năm 1885, sau khi Kinh thành thất thủ, khu vườn này ngày một suy tàn.
Trải qua thời gian, thiên tai và chiến tranh, hiện nay khu vườn không còn nữa. Qua nguồn sử liệu, tài liệu Châu bản còn sót lại đã giúp chúng ta phần nào tái hiện lại được một vườn thượng uyển cảnh đẹp có tiếng trong Kinh thành dưới thời các vị vua đầu triều Nguyễn.
Chú thích tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam nhất thống chí, quyển 1 tập Kinh sư.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
3. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Nxb Thuận Hóa 1993, tập 13.
4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6, tr.534.
6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
– Tác giả Lê Thông –
📸 ảnh mạng