Danh lam thắng cảnh

Cảnh đẹp thứ mười một: HƯƠNG GIANG HIỂU PHIẾM

Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương –
第十一景-香江曉泛

“Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành,
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.
Ba bình xuân thuỷ lung yên sắc,
Chu trục thần phong động lỗ thanh.

Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,
Sơn hoa do luyến kết vân anh.
Kỷ hồi hà yết Thương lang khúc,
Song khuyết phương thăng thuỵ nhật minh”.

Xin mượn lời bản dịch của Ông Phan Thuận An để quý vị hiểu thêm về ý thơ của Vua Thiệu Trị về “Cảnh đẹp thứ mười một – Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương”.

“Ôm lấy kinh đô nước uốn dòng
Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong
Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói
Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung

Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm
Cổ hoa quyến luyến mây còn ngưng
Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt
Đã thấy trời đông hửng ánh dương”.

Sông Hương cùng Núi Ngự từ rất lâu đã được xem là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng. Người Huế thường rất tự hào về dòng sông xinh đẹp này và xem nó là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác nghệ thuật. Từ xưa đến nay đã có quá nhiều tác giả, tác phẩm ngợi ca sông Hương và sẽ còn nhiều nữa. Nhưng hôm nay Nhịp Cầu Huế xin được giới thiệu đến quý vị @everyone một vẻ đẹp khác của Sông Hương:

– hùng tâm và bi tráng –

📝 Trường giang như kiếm lập thanh thiên

Khi đọc câu thơ này trong bài “Hiểu quá Hương giang” (Buổi sáng qua sông Hương) của Cao Bá Quát, tôi không hiểu tại sao Sông Hương đẹp, thơ mộng như vậy, lại được ví như lưỡi gươm dựng giữa trời. Tuy nhiên khi tra cứu thêm về dòng sông Hương, chúng ta mới cảm nhận được hào khí của hình tượng lưỡi gươm trong câu thơ Cao Bá Quát ngày xưa.

Thật vậy, dòng sông Hương chứa đựng quá nhiều can qua, kéo dài mấy trăm năm. Dòng sông này luôn tràn trề nguồn năng lượng dưỡng nuôi khát vọng mở cõi của một vương triều.

Tính từ khi Phú Xuân là thủ phủ xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, cho đến về sau là kinh thành Phú Xuân của triều đại Tây Sơn, rồi triều đình nhà Nguyễn, sông Hương gắn liền với kinh thành không chỉ vì đẹp, mà vì đặc điểm quân sự. Kinh thành có hộ thành hào, còn sông Hương là hộ thành hà, con sông hộ thành này là sự ban tặng của thiên nhiên.

Sông Hương không chỉ là tuyến phòng thủ ngay mặt trước kinh thành, mà từ cửa biển đi vào ở vùng Thuận An và hai bên bờ sông Hương còn có tới 25 pháo đài để bảo vệ kinh đô. Có thể kể tên một số pháo đài như Trấn Hải, Hà Nhuận, Tân Mỹ, Hi Du 1, Hi Du 2, Thuận Hòa 1, Thuận Hòa 2, Triều Sơn, Thủy Tú…

Sông Hương còn được biết đến là nơi tập trận, luyện thủy binh của Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đóng thuyền, luyện binh, thao diễn thủy quân trên dòng sông này. Cho nên mới có được những đội quân hùng mạnh từng đánh bại hải quân Hà Lan trong trận hải chiến cửa Eo giữa thế kỷ 17.

Ngày 7.7.1643, Thế tử Nguyễn Phúc Tần, không kịp được lệnh cha là chúa Nguyễn Phúc Lan, đã dẫn 50 thuyền ra cửa Eo, tấn công đội thuyền Đông Ấn Hà Lan do thuyền trưởng Pieter Baek chỉ huy. Một chiến hạm của địch bị hạ, thuyền trưởng địch tử trận, hai chiến hạm khác bỏ chạy. Đây là trận đánh đầu tiên thủy quân người Việt đánh thắng hạm đội châu Âu.

Dòng sông Hương cũng ghi lại những trận chiến mà thủy binh nhà Nguyễn thất trận. Có điều, cho dù chiến thắng hay bại trận, dòng máu chảy ra cũng là dòng máu anh hùng của người dân nước Việt. Trận chiến ngày 20. 8.1883, tàu chiến Pháp do Đô đốc Courbet chỉ huy tấn công hải đồn phòng thủ cửa biển Thuận An. Chỉ một ngày sau, Trấn Hải đài của quân triều đình Huế thất thủ, các quan trấn thành là Lê Sĩ, Lê Chuân, tử trận, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhẫn nhảy sông tự tử. Thất bại trận này đẩy nhà Nguyễn vào thế yếu, bắt buộc phải ký hòa ước Harmand, chấp thuận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ.

Tìm hiểu về những trận hải chiến năm xưa, không thể không liên tưởng đến bài thơ “Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục: “Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu. Tự tương ma tẩy nhận tiền triều” (Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết. Tự tay mình mài giũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại đã qua).

📝 Hương giang nhất phiến nguyệt

Đại thi hào Nguyễn Du viết bài thơ “Thu chí” (Thu đến), có thi khúc rằng

“Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Vảng sự bi thanh trủng”

Biết bao thăng trầm, tranh giành, được mất. Thế sự với những thân phận, bao vương triều, vua chúa có rồi không, tàn phai cùng với vinh quang và cay đắng. Cuộc đời của Huyền Trân Công Chúa, bước chân ngàn dặm của nàng đến nay vẫn vạn chữ giải chưa hết nỗi niềm. Có những điều riêng không ai hiểu được, không ai có thể sẻ chia, lịch sử cũng chưa đủ để sáng tỏ những oan tình của hơn 700 năm trước. Chỉ biết rằng, cuộc hôn nhân của nàng là một cuộc chia ly, một sự hy sinh, để Đại Việt có được hai châu Ô, Lý. Không chỉ là đất đai thành trì, mà nàng ra đi để đem về niềm “hòa bình trong ái ân”, bao giáo gươm dẹp lại. Và còn nữa, cũng nhờ nàng mà Huế có được dòng sông Hương.

Hãy chờ đợi và hy vọng đến một ngày, ở dòng sông này, có một tượng đài Huyền Trân Công Chúa, đứng ngắm “đám mây thời Thuận Hóa, vẫn bay về phiêu phiêu” (Trần Mạnh Hảo).

📝 Đế vương hồi cựu chỉ

Để dựng nghiệp đế vương phải có tài trên trường văn cũng như trận võ. Cho nên, các chúa, hoàng đế, hoàng tử nhà Nguyễn làm thơ về sông Hương, luyện thủy binh trên sông Hương, đánh trận trên sông Hương. Năm 1808, Hoàng đế Gia Long xây dựng Văn Miếu bên bờ sông Hương để thờ các danh sĩ. Đến năm Minh Mạng thứ ba, 1822 về sau, mới có những tiến sĩ Triều Nguyễn với các đại danh Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…

Năm 1835, hoàng đế Minh Mạng cho xây Võ Miếu bên cạnh Văn Miếu, nhìn ra sông Hương, thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ. Dụ của Minh Mạng: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên… Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài”. Trong khoa thi năm 1865, Võ Văn Đức, người Quảng Nam, đỗ Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ thời Tự Đức, cũng là tiến sĩ võ đầu tiên.

 

Đặt kinh thành bên dòng sông Hương, các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, hoàng đế Gia Long đã nhìn thấy được thế đất, thế nước ở nơi này. Những bàn luận về thế núi làm bình phong, hai cồn làm “tả thanh long, hữu bạch hổ”, người tìm hiểu về Huế thuộc nằm lòng. Nhưng lập chí ĐẾ VƯƠNG như “lưỡi gươm dựng giữa trời xanh” đầy hùng tâm tráng chí đó ẩn chứa rất nhiều niềm tin thần thánh liên quan đến sông Hương chưa nhiều người thấu đạt.

Trong Điện Thái Hòa của kinh thành Huế, có khắc nhiều bài thơ, trong đó có bài: “Xuân thủy nguyên lưu viễn. Xuân sơn khí tượng hùng. Đế vương hồi cựu chỉ. Nam Bắc nhập tân phong”. Nguyễn Phước Hải Trung dịch: “Dòng xuân man mác chốn xa. Non xuân hùng vĩ bao la khí trời. Đế vương dựng nghiệp rạng ngời. Nam Bắc hòa gió muôn nơi xuân về”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, tuy bài thơ không nêu tên sông Hương cụ thể, chỉ ẩn dụ qua hình tượng xuân thủy. Nhưng hào khí núi sông và chí lớn đế nghiệp trong câu thơ thật chất ngất.

Trong bài “Hương giang hiểu phiếm” (Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương) của Hoàng đế Thiệu Trị có câu “Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành” (một dòng nước sâu cuộn chảy bảo vệ kinh thành).

Xin lưu ý chữ “ĐẾ” trong câu thơ này. Đế chứ không phải “VƯƠNG”, là kinh thành của hoàng đế một nước, không phải vương, không phải chư hầu của hoàng đế thiên triều phương nào cả. Tới đây lại nhớ “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi chấp bút cho Lê Lợi có câu: “Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương” (cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương).

Lịch sử Đại Việt, Việt Nam đầy tráng lệ, đó là vốn liếng muôn đời cho con cháu. Học cha ông chưa bao giờ là đủ, dù thành hay bại, được hay mất, bi hay tráng, nhưng trang sử nào cũng chất chứa hùng tâm. Mong rằng bài tổng hợp này giúp quý vị có thêm thông tin về Dòng sông Hương không chỉ thơ mộng mà còn rất hùng tráng.
————————-

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button