Danh lam thắng cảnh

Đệ Tam Cảnh – Tịnh Hồ Hạ Hứng (第三景-淨湖夏興)

– Cảnh đẹp thứ ba – Bài thơ “Cảm hứng hè ở hồ Tịnh Tâm” của Vua Thiệu Trị

Hôm nay Nhịp Cầu Huế xin mời quý vị @everyone cùng tìm hiểu về cảnh đẹp thứ 3 của đất Thần Kinh – HỒ TỊNH TÂM – qua bài thơ “Cảm hứng hè ở hồ Tịnh Tâm” của Vua Thiệu Trị

Đệ tam cảnh – Tịnh hồ hạ hứng
Trừng luyện hàm không nhất vọng xa,
Thiềm nha ảnh thuỷ trám tinh hà.
Lâu đài hoa thụ trường sinh cảnh,
Thiên địa giang sơn tứ hải gia.
Vũ phiến mạn giao thi hoá nhật,
Thuấn cầm uyển nhĩ nhập thi ca.
Y nhiên nhân trí tình vô hạn,
Đồng lạc giao phu vạn vật gia.

Dịch nghĩa

Nhìn ra xa một vùng nước trong vắt phản chiếu cả bầu trời,
Bóng những mái hiên nhà lấp lánh như đám sao rơi.
Lâu đài cùng hoa cây (ở đây) tạo ra cảnh trường sinh,
Trời đất cùng sông núi (ở đây) đúng là gom cảnh đẹp của bốn biển.
(Cảnh sắc hoà dịu như) lúc vạn vật dưới luồng gió giáo hoá thời Vũ vương,
(Và) mát mẻ như khi vua Thuấn dùng khúc hát dịu dàng ca ngợi gió nam.
Quang cảnh ở đây vẫn hợp với tình cảm của người nhân và người trí,
Để cùng vui với vạn vật tươi tốt hoà hợp lẫn nhau.

✍️Hồ Tịnh Tâm là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của đất kinh kỳ dưới thời Nguyễn. Hồ nằm ngay trong kinh thành, phía bắc Hoàng Thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, thành phố Huế. Hồ nguyên là một đoạn sông Kim Long đã được cải tạo lại, với tên gọi ban đầu là ao Ký Tế. Trong hồ có hai hòn đảo nhỏ, trên đó xây hai nhà kho, một nhà chứa hoá dược (ở đảo phía bắc) và một nhà chứa diêm tiêu (ở đảo phía nam). Năm 1839, vua Minh Mạng đã cho dời hai kho thuốc súng này đi nơi khác và sửa sang lại ao Ký Tế. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đô thống hữu quân Nguyễn Tăng Minh và Tham tri bộ hộ Đào Trí Phú, 8000 binh lính triều đình đã tham gia vào công cuộc cải tạo này. Sau khi hoàn thành, ao Ký Tế được đổi tên thành Tịnh Tâm hồ, ngoài ra còn có một tên gọi khác là Bắc Hồ.

Theo sự mô tả của sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, hồ Tịnh Tâm được xây dựng rất cầu kỳ, kiểu thức như một vườn ngự uyển vào hàng bậc nhất của hoàng gia. Trên hồ có ba hòn đảo là Bồng Lai (đảo lớn nằm ở phía nam), Phương Trượng (đảo lớn ở phía bắc) và Doanh Châu (đảo nhỏ nằm ở phía tây đảo Bồng Lai). Chu vi của hồ là 354 trượng 6 thước (khoảng 1450m). Chính giữa đảo Bồng Lai là điện Bồng Doanh quay mặt về phía nam. Điện gồm gian 2 chái, mái chồng diêm, lop ngói hoàng lưu ly, bốn mặt bao quanh bằng lan can gạch.

Trước điện Bồng Doanh là cửa Bồng Doanh và cầu Bồng Doanh nối đảo Bồng Lai với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh là nhà thuỷ tạ Thanh Tâm quay về hướng đông. Phía tây là lầu Trùng Luyện quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ, trước cửa có chiếc cầu cùng tên.

Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân quay mặt về hướng nam, hai tầng, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Phía nam có cửa Bích Tảo và cầu Bích Tảo. Phía bắc là lầu Tịnh Tâm quay mặt về hướng bắc. Phía đông có nhà Thiên Nhiên (tên cũ là Hạo Nhiên, năm 1848 mới đổi tên) quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo là đình Tứ Đạt. Ở đây có một hành lang 44 gian, mái lợp ngói, nối liền hai đảo với ngôi đình trên và thông với hai cầu Bích Tảo (phía bắc) và Hồng Cừ (phía nam).

Giữa hồ có một con đê tên gọi là Kim Oanh, hai bên có lan can gạch, nối liền từ phía đông đến phía tây. Phía đông có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía tây có một hành lang dài 56 gian, giữa là cầu Bạch Tần. Ở phía nam cầu này là một ngôi nhà xây trên mặt nước để thuyền vua ngự, gọi là xưởng Thanh Tước. Cuối phía tây của hành lang dài ngoặt sang phía nam có thêm 5 gian, đến mặt hồ là nhà Khúc Tạ. Phía nam nhà này lại có thêm Khúc Tạ Hà Phong. Hai nhà thông với nhau bằng một hệ thống hành lang dựng trên mặt nước. Phía nam Khúc Tạ Hà Phong là đảo Doanh Châu.

Bốn phía quanh hồ, cách bờ khoáng 5m có xây một lớp tường gạch cao, trổ bốn cửa ở bốn hướng. Phía nam là cửa Hạ Huân, phía bắc là cửa Đông Hy, phía đông là cửa Xuân Quang, phía tây là cửa Thu Nguyệt. Ở góc đông bắc của hồ có xây cống ngầm thông với hồ Học Hải. Trên các đảo Bồng Lai và Phương Trượng, tại bốn góc đều có dựng đá làm non bộ. Còn đảo Bồng Doanh thì đã như một hòn non bộ lớn nổi giữa mặt hồ. Hai bên đê Kim Oanh, chung quanh hai đảo lớn và quanh bờ hồ trồng rất nhiều liễu, tre, trúc và các loại hoa. Khắp mặt hồ trồng sen.

Trên đây là sự mô tả cảnh quan hồ Tịnh Tâm vào thời điểm nguyên vẹn nhất của nó. Về sau, trải thời gian và những biến động lịch sử, các công trình kiến trúc bị hư hỏng hoặc bị triệt giải dần. Theo hai tác giả Nguyễn Đình Hoè và L. Cadière viết trong B.A.V.H. 1922, khu vực này đến thời điểm ấy đã chẳng còn gì ngoài bức tường cao vây quanh và bốn cửa ở bốn hướng. Đến năm 1946, vòng tường này lại bị phá để xây bằng tường thấp hơn.

Năm 1960, hồ Tịnh Tâm được tôn tạo bằng việc xây dựng thêm bức tường lan can chung quanh đảo Bồng Lai, dựng một ngôi nhà bát giác nhỏ trên vị trí của điện Bồng Doanh cũ và xây một chiếc cầu bê tông nối liền đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh. Ngày nay ở khu vực hồ Tịnh Tâm, các kiến trúc cổ hầu như chẳng còn gì đáng kể ngoài chiếc cầu bê tông và một số nền móng cũ. Duy chỉ có sen trong lòng hồ thì vẫn còn tồn tại. Cứ mỗi khi hè về hoa sen lại nở kín cả mặt hồ. Hương sen bay đi rất xa như bâng khuâng, hoài vọng về cái thuở Tịnh Tâm còn rực rỡ vàng son.

/Bên dưới là giới thiệu Hồ Tịnh Tâm của hôm nay/

– La Hạnh Thảo –

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button