Danh lam thắng cảnh

Đệ Thập Cảnh: Thuận Hải Quy Phàm

Thông qua bài thơ “Thuận hải quy phàm” của Vua Thiệu Trị, Nhịp Cầu Huế xin phép được giới thiệu đến quý vị @everyone đôi nét về CỬA BIỂN THUẬN AN HUẾ

Thơ rằng:

“Hải bất dương ba tịch chiếu quang,
Viên thành kiệt các diểu trùng dương.
Tịch phiêu hiếu tiếp tranh hoa điệp,
Chu sử hân khan trạch mộc sương.

Cẩm lãm phi hồng phao hán biểu,
Nha tường tỉ trất trục thương lang.
Khấu huyền Ai nãi thanh thanh khởi,
Đô thị thì điều kỷ thắng chương”

Trong lời đề dẫn bài thơ đệ thập cảnh Thuận Hải quy phàm, vua Thiệu Trị đã mô tả khung cảnh cửa biển Thuận An về chiều vừa thanh bình nhưng cũng thật hùng tráng trong khí thế của một tiền đồn quân sự trấn ải nơi đầu sóng:

“Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An, lớp lớp tường thành, cúi nhìn biển cả. Lầu cao ngắm biển, trời nước mênh mông. Nắng chiều vạn dặm, sóng lặng gió mát thoảng qua. Thuyền buồm căng gió, ngàn chiếc nương sóng quay về. Quân thuyền diễn trận nối đuôi nhau như đàn cá, trở về như tên bắn. Chiến hạm tuần dương đối đầu rẽ sóng tựa thoi đưa. Ghe đánh cá xếp hàng về chợ. Thuyền tải hàng theo lớp về kho…” (theo bản dịch của sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa 1997).

Xin thưa rằng, dưới thời các chúa Nguyễn, Thuận An là thủy lộ chính của ba con sông Hương, Bồ và Ô Lâu qua phá Tam Giang để ra Biển Đông. Thuận An cách Kinh thành Huế về hướng đông khoảng 13 km, gắn với di tích Trấn Hải thành, được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.

Thuận An vừa là một địa danh lịch sử, vừa là một cảnh đẹp nổi tiếng của cố đô Huế. Cái tên xưa nhất của cửa biển này là Yêu Hải môn, tục gọi là cửa Eo. Đến năm 1813, dưới thời Gia Long, cửa biển này được đổi tên thành cửa Thuận An và sử sách triều Nguyễn gọi một cách chính thức là “Thuận An hải khẩu”.

Đây là một vị trí chiến lược xung yếu về mặt quốc phòng và giao thông vận tải bằng đường biển của kinh đô. Cho nên, cũng vào năm 1813, triều đình đã cho xây dựng bên cạnh cửa biển một pháo đài rất lớn, đặt tên là Trấn Hải đài. Đến năm 1831 triều Minh Mạng đổi tên là Trấn Hải thành và cho chạm toàn cảnh Thuận An hải khẩu, trong đó có hình ảnh toà thành này vào Cửu Đỉnh.

Trấn Hải thành là một toà thành luỹ được xây dựng rất kiên cố theo kiểu Vauban. Thành có hình tròn, xây bằng gạch vồ, chu vi 302m, cao 4,4m, dày 12m. Cứa chính quay mặt về hướng nam, nơi có phá Tam Giang. Trong thành có lầu Quan Hải, một số bệnh xá và kho quân nhu, đạn dược. Quanh mặt thành bố trí 99 ụ súng và ven ngoài chân thành đào hệ thống hào rộng 9m, sâu 2,4m để phòng thủ. Ngoài thành trồng hàng ngàn cây dừa để giữ cát, còn về phía bờ biển thì đóng cọc lim và kè đá để ngăn sóng lớn làm xói lở. Toà thành đã được củng cố và tu bổ nhiều lần dưới các thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Dưới thời vị vua thứ tư của triều Nguyễn, một loạt đồn bốt lớn nhỏ đã được xây dựng thêm ở các vị trí quan trọng lân cận trong vùng Thuận An để yểm trợ cho trọng điểm quân sự ấy.

Trong thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn thường về đây, ngồi trên lầu Quan Hải để duyệt khán những cuộc tập trận của thuỷ quân. Có một lần, vào năm 1830, vua Minh Mạng sau khi quan sát một lượt các khu vực quanh thành đã nói rằng: “Mấy năm nay, cửa biển này mỗi ngày một sâu, hai hải cải bồi lên ôm lấy bên tả bên hữu, lại có pháo đài phòng giữ, thời phía ngoài dù có thuyền tàu hàng nghìn cũng không làm gì được, thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi cho kinh sư vậy”.

Ngoài tính xung yếu về quân sự, vùng Thuận An còn là một thắng cảnh của đất thần kinh. Vua Minh Mạng đã cho xây dựng hành cung Thuận An, gần thành Trấn Hải để các vua Nguyễn về đây nghỉ mát trong những ngày hè.

📌Dấu xưa giờ đã không còn

Không ít người khi nghe tả cảnh đẹp như vậy của cửa biển Thuận An đã nhầm tưởng với cửa biển đang tồn tại hiện nay.

Trong chuyến về thăm lại cảnh đẹp xưa đã đi vào sử sách, ngay tại di tích Trấn Hải thành, chúng tôi được cho biết rằng thực chất cửa biển hiện nay, nằm ở vị trí cắt đôi làng Thái Dương Hạ (phía bắc thuộc xã Hải Dương, Hương Trà và phía nam thuộc thị trấn Thuận An, Phú Vang) là cửa biển mới, được mở trong trận lụt lịch sử năm 1904.

Còn cảnh đẹp cửa biển Thuận An được mô tả trong bài thơ “Thuận Hải quy phàm” của vua Thiệu Trị lại thuộc làng Hòa Duân (thị trấn Thuận An, Huyện Phú Vang), ngày nay đã bị bồi lấp hoàn toàn.

📌Cảnh đẹp và trang sử bi hùng

Theo tài liệu lịch sử mô tả, quân Pháp với tàu chiến và hỏa lực mạnh tấn công vào Trấn Hải thành. Quân Nam triều đã kháng cự anh dũng. Trận chiến diễn ra suốt hai ngày đêm, nhưng do vũ khí quá thua kém nên cuối cùng Trấn Hải thành thất thủ vào ngày 20.8.1883. Các tướng lĩnh Nam triều hy sinh trong trận đánh này gồm Thống chế Lê Chuẩn, Đô thống Lê Sĩ, Chưởng vệ Nguyễn Trung. Sách Việt Nam sử lược cho biết, cũng ngay hôm ấy Trần Thúc Nhẫn, Tham tri Bộ Lễ, trưởng đoàn đi thương thuyết với quân Pháp bất thành và Lâm Hoành (cũng được gọi là Lâm Hoằng, quan trấn giữ Trấn Hải thành) nghĩ mình không làm tròn trọng trách với non sông, đã gieo mình xuống sông tự tử. Cuộc chiến đẫm máu đã làm hơn 1.200 binh lính và dân thường bỏ mạng.

Mặc dù Trấn Hải thành thất thủ, nhưng lòng quả cảm của quân dân nước Việt đã làm quân Pháp cảm phục. Trong hồi ký của mình, Destelan, một sĩ quan chỉ huy chiến hạm Pháp sau khi chiếm thành đã ghi lại: “Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm. Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất ở sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên tuyệt vời…”.

Sau khi Pháp chiếm Thuận An (1883), quân Pháp đã đồn trú ở Trấn Hải thành từ đó cho đến năm 1954. Chính vì vậy, ngay trong Trấn Hải thành, ngoài dấu tích của những công trình kiến trúc triều Nguyễn còn có những lô cốt, công sự của người Pháp để lại.

📌Thuận An đang lưu giữ thông tin một số sự kiện, di tích lịch sử – văn hóa tâm linh ghi dấu công cuộc giữ nước của dân tộc, như đền Âm Linh (mả làng) để thờ cúng chiến sĩ trận vong và người dân tử nạn trong cuộc chiến chống Pháp giữ Trấn Hải Thành vào năm Quý Mùi (1883)… Hằng năm vào ngày 16.7 âm lịch, lễ tế này vẫn được duy trì cho đến nay.

Thuận An mang trong mình một hệ sinh thái thiên nhiên và nhân văn đa dạng có tính đặc thù, là cơ sở để phát triển kinh tế, du lịch.

Mong rằng bài viết này sẽ giúp độc giả có thêm nguồn tư liệu để tham khảo về địa danh Thuận An Huế.

—————————

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button