Lịch sử

Địa danh Huế có nguồn gốc từ đâu

Thành phố Huế, ba tiếng thân thương này vốn không xa lạ gì đối với mỗi một người Việt Nam dù cái tên “Huế” thì nghe lại rất lạ tai.

Huế vốn không phải phiên âm từ Hán Việt, cũng không có trong từ điển của bất kỳ dân tộc nào trong 54 dân tộc Việt. Vậy cái tên này bắt nguồn từ đâu?

Sự xuất hiện của tên địa danh Huế

Vẫn chưa có nguồn thông tin nào được xem là chính xác. Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thì từ trước đến nay, chúng ta đã quen với danh xưng chính thức của tỉnh Thừa Thiên Huế từ sự gắn kết của thành phố Thừa Thiên thời Nguyễn và Huế trong quá trình đô thị hóa cuối thế kỷ XIX.

Để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc tên gọi của địa danh HUẾ, Nhịp Cầu Huế xin mời quý vị @everyone cùng quay ngược thời gian trở về thời Trần. Thời đó, để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, vua Chiêm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý (mà một phần trong đó là địa phận Thừa Thiên ngày nay) cho Đại Việt. Sau này vua Trần chia cả nước thành các trấn, mà thành phố Huế thuộc trấn Thuận Hoá. Tương truyền Thuận Hoá được ghép bởi tên hai châu là châu Thuận và châu Hoá, trong đó Thuận (順) là “êm xuôi” (như “thuận lợi”) còn Hoá (化) là “thay đổi” (như “biến hoá”). Thuận Hoá có thể được hiểu là “trở nên thuận lợi”.

Địa danh Thuận Hoá được sử dụng qua nhiều thời kì. Tới thời Lê, Thuận Hoá bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Sau không rõ vào lúc nào, Thuận Hoá được hiểu là vùng mà ngày nay gọi là Huế.

Theo một số nguồn tư liệu tham khảo thì chúng tôi xin được tổng hợp thông tin như sau:

📝 Vua Lê Thánh Tông được cho là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”. Bài này có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then”.

📝 Ngoại trừ “Quốc triều chính biên toát yếu” thì tại các tài liệu sử học cũ khi nói tới Huế đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên HUẾ.

📝 Tham khảo bộ sách Việt Nam sử lược – bộ sách sử Việt đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ của tác giả Trần Trọng Kim thì có thể ghi nhận rằng ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây có sự xuất hiện của tên Huế.

📝 Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1849 thì cái tên Huế cũng xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là HUÉ.

📝 Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải Quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.

📝 Trong một lá thư viết tại SÀI GÒN ngày 15 tháng 7 năm 1789 của Olivvier de Puynamel gởi cho Létodal ở MA CAO, hai lần cái tên HUÉ được nhắc đến khi nói về tình hình nơi này.

Cũng theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, Huế được ký âm là Hoá trong văn liệu cổ, và âm này được tìm thấy trong tác phẩm “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” của vua Lê Thánh Tông như đã đề cập trên đây.

Như vậy, chúng ta tạm có cơ sở để cho rằng Huế chính là biến âm từ Hoá trong Thuận Hoá. Trong tiếng Việt, sự thay đổi từ “oa” sang “uê” tương đối dễ bắt gặp, điển hình như “hoà nhau” biến âm thành “huề nhau”.

Nhưng tại sao Thuận Hoá lại biến thành Hoá rồi thành Huế? Thật ra đây là thói quen của dân gian, khi người ta thường giản lược tên gọi địa danh còn một âm tiết cho gọn, như thành phố Hải Phòng trước năm 1975 nhiều người cũng chỉ gọi là Phòng. Thuận Hoá cũng tương tự như thế, từ Thuận Hoá thành Hoá rồi Huế.

Nói thêm về cái tên Thừa Thiên – Huế, tên này có từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Tuy chưa có nhiều tài liệu nhưng cứ xem mặt chữ mà xét thì Thừa là “vâng theo” (như “thừa lệnh) còn Thiên là “trời”, vậy Thừa Thiên có thể hiểu là “vâng mệnh trời”.

Ngoài ra, Huế từng có tên gọi Phú Xuân, trong đó Phú (富) là giàu còn Xuân (春) là mùa xuân, Phú Xuân chỉ sự sung túc.

Cho dù được gọi là Thuận Hoá, Thừa Thiên hay Phú Xuân hay Huế bây chừ thì ý nghĩa của tên Huế cũng thật hiền hòa và dễ thương, phải không quý vị ?

Mong rằng bài viết này sẽ góp phần giúp quý vị có thêm thông tin tham khảo về vùng đất CỐ ĐÔ, quê hương của những người con Huế.
————————————

– La Hanh Thao –

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button