Truyện ngắn

Đôi Dép Bình Trị Thiên Và Anh Cu Đen Chăn Bò!

TG: Mười Rạng

Thuở hàn vi, Tý ốm nhom ốm nhách vì thiếu ăn và đen thủi đen thui như cột nhà cháy. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành Nội Huế, Cha Mẹ làm công chức nhà nước và ngày đất nước trở lại thanh bình, không còn nghe tiếng bom đạn giết chóc nhau, thì đó cũng là lúc Ba Tý được chính quyền mới ưu ái đưa vào trại tập trung cải tạo để được đào tạo thành con người mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và nhà nước XHCN.

Tiễn chân người chồng, người cha trụ cột trong gia đình lên đường, Mẹ Tý bơ vơ lạc lõng ở lại cùng bầy con dại. Vừa tròn sáu tuổi, Tý đã biết cho em ăn, dỗ em ngủ, tắm cho em và chăm sóc em mỗi khi Mẹ vắng nhà.
Sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền mới đã trưng dụng thành phần giáo viên cũ của chế độ miền Nam cho công cuộc tái thiết và xây dựng một đất nước giàu mạnh theo gương các nước XHCN anh em. Mẹ Tý phải đứng trên bục giảng ngày hai buổi để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho con em trong xã hội mới.

Anh em Tý “bị Mẹ Tý nhốt” trong nhà từ ngày này qua ngày khác để Mẹ yên tâm góp một bàn tay chăm lo việc nước. Hằng ngày cứ đến buổi trưa, Mẹ Tý chỉ đủ thời gian ghé ngang nhà và chuồi chút ít đồ ăn qua song cửa sổ cho anh em Tý lót dạ. Cuộc sống thiếu thốn, khổ đau lúc ấy đã giúp tôi luyện ý chí và tạo nên một con người kiên cường của Tý về sau.

Bà Ngoại Tý là chiếc phao giữa dòng đời. Bà thường xuyên lui tới ngõ hầu chăm lo được phần nào cho những đứa cháu côi cút đang rất cần ở sự trợ giúp của Bà trên bước ngoặc đau thương này.

Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi và Mẹ Tý không còn đủ sức khỏe, tinh thần lẫn nghị lực để đơn thân lo cho anh em Tý nữa. Với tình yêu thương mà Bà Ngoại Tý đã dành trọn cho Mẹ và anh em Tý, cả nhà Tý được Bà Ngoại yêu quý đem về cưu mang trong tình thương yêu vô bờ bến của Bà.

Về với Ngoại, kể như cuộc đời của Tý lên hương. Cái đói, cái rét đã được cải thiện rất nhiều. Mảnh vườn nhà Ngoại Tý không thiếu thứ gì. Mỗi loại trái cây trong vườn đều có quanh năm, nào ổi, mãng cầu, dâu, “bụ sữa”, nào khế chua khế ngọt, me, chuối, dừa xiêm, mận, đào lông và lựu. Chẳng hạn như ổi thì có nhiều loại ổi, mãng cầu cũng có nhiều loại mãng cầu… Tý được hình hài như hôm nay là cũng nhờ vườn trái cây của Ngoại Tý ngày xưa.

Ai có ở Huế thì mới hiểu và thấm thía thời tiết giá lạnh rét mướt của xứ Huế.

Bà Ngoại Tý hay noái câu “lạnh nhứt xương”.

Bốn mùa mưa nắng Tý chỉ có độc nhất 2 chiếc quần đùi để thay đổi và không có dép để mang. Lớp da ở dưới đôi chân Tý có độ dày như da trâu. Nên khi đá banh đạp lên sỏi đá hay gai nhọn chúng chẳng hề hấn gì.

Thương cháu, Bác của Tý mua cho Tý đôi dép Bình Trị Thiên. Tý nghe Ngoại Tý kể rằng ngày trước dưới thời Việt Nam Cộng Hoà Bác ấy là giáo sư hay thanh tra viên gì đó của sở giáo dục. Vì không có cấp bậc hay chức vụ gì quan trọng của chế độ miền Nam nên sau ngày thống nhất đất nước Bác “không được” đi học tập cải tạo. Và nghe nói Bác làm nghề bỏ báo “Sài Gòn giải phóng hay quân đội nhân dân miền Bắc Anh hùng” chi đó. Cuộc sống gia đình Dì, Bác của Tý cũng cơ cực không kém gì gia đình Tý, chỉ may mắn hơn vì Bác không đi học tập cải tạo nên mấy anh chị cũng đỡ khổ và tủi thân.

Từ khi có được đôi dép Bình Trị Thiên, cuộc sống của Tý cũng được thay đổi nhiều. Buổi tối khi leo lên giường ngủ đôi chân Tý không còn dính bê bết đất nữa và lớp da ở dưới đôi chân cũng đang mỏng dần. Với đôi dép mới nó mang đi khoe cùng bạn bè lối xóm.

Thời gian qua mau Tý miên man sống trong hạnh phúc cùng đôi dép Bình Trị Thiên. Ở trường năm nào cũng vậy, Không hiểu răng Thầy Cô Tý luôn xếp cho Tý ngồi ở bàn đầu, cạnh cửa ra vào hay cửa sổ, rồi còn kẹp thêm 2 đứa con gái ngồi hai bên. Nhưng ấn tượng nhất vào năm đó Tý bị xếp ngồi giữa 2 đứa con gái dễ thương như búp bê. Cả hai bạn ấy đều học rất giỏi. Có thể đây là ý tốt của thầy cô chăng?

Tuổi mới lớn Tý chưa đủ cảm xúc để yêu con gái. Nhưng Tý đã biết thích con gái từ rất sớm. Nhưng lạ thay 2 bạn gái học giỏi và dễ thương như búp bê ngồi kẹp hai bên thì Tý không màng để ý đến mà Tý hay đứng từ xa thập thò nhìn một bạn gái khác học cùng trường. Về sau bạn ấy được chuyển đi học trường chuyên văn.

Ngồi ở lớp học gần cửa ra vào mà không có cửa. Với chiếc quần đùi tai bèo, hai bắp vế Tý luôn luôn nỗi da gà vào những ngày mưa gió.

Cứ mỗi buổi sáng trước khi đến trường, Ngoại Tý giúi cho nó vài hào bạc để mua khoai sắn mà ăn lót dạ.

Nhưng khoảng sau hai tiết học thì bụng Tý đã cồn cào không chịu nỗi. Ngồi ở lớp học mà đầu óc Tý chỉ nghĩ đến Mệ vợ ông Dũ bán khoai sắn. Đúng là một xã hội đã tạo nên những tính cách và bần cùng hoá lương tri cả một thế hệ con người.

Tý có rất nhiều kỷ niệm với Mệ Dũ bán khoai sắn lắm luôn. Cứ mỗi buổi sáng sớm tinh mơ Mệ Dũ vai xách nách mang một rổ đầy ắp nào khoai lẫn sắn đến đặt bàn bán gần cạnh hàng rào chè tàu bên hông vườn nhà của Ngoại Tý. Có khi thiếu hàng vì nguồn cung bị nhà nước kiểm soát. Mệ Dũ là một đại doanh nghiệp có đầu óc và nhiều sáng tạo. Hoài bão về tương lai trên con đường kinh doanh của Mệ khá bao la. Mệ có mối quan hệ rộng rãi với các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế chuyên về ẩm thực “ăn độn“. Nên mặt hàng kinh doanh của Mệ thường đa dạng thêm những thứ khác như khoai từ, khoai môn, củ bình tinh và hột mít luộc… Mệ là một trong những doanh nhân thành đạt ở thời bo bo, sắn lát. Kỷ xảo kinh doanh của Mệ áp dụng cũng khá bài bản và cao siêu.

Nên khách hàng của Mệ rất đông và có khi phải xếp hàng đợi rất lâu mới đến lượt mình là chuyện thường.
Mệ rất thương Tý vì nó là thằng tà lọt luôn tỏ ra năng nỗ trong việc giúp Mệ kê cái bàn, xếp cái ghế. Nên mấy hào bạc mà Ngoại Tý cho vào mỗi buổi sáng được Mệ bán với giá đặt biệt.

Ở trong xóm, Tý được nhiều Mệ thương Tý lắm, chẳng hạn như Mệ Dũ bán khoai sắn, Mệ Khuôn bán chuối mật mốc, Mệ Giáo bán kẹo kéo, Mệ Lài bán cốc dầm, Mệ Quạ bán tạp hóa, Mệ Rớt bán bánh mì xíu, Mệ Khang bán chân gà nướng cho dân nhậu và O Bé bự bán chè thập cẩm.

Ngoài ra Tý cũng rất may mắn là được mấy Ôn thương nữa mọi người ơi! Chẳng hạn như Ôn Toàn thợ lụi, Ôn Bòng ba gác bán củi, Ôn Rạng đạp xích lô, Ôn Việt làm vườn thuê cho Ngoại Tý.

Bên cạnh mấy Ôn mấy Mệ suốt cuộc đời chỉ lo cho cuộc sống khó khăn mà chỉ biết chí thú làm ăn, thì cũng có vài Ôn chuyên đi phá làng phá xóm và chọc ghẹo con nít, như Ôn Vinh chuyên nhậu nhẹt say sưa rồi đập lộn. Thậm chí có Ôn chuyên đi đào ngạch nhà người ta như cha con Ôn Sáu … phải noái cuộc đời của thằng Tý luôn gắn liền với các Ôn các Mệ trong xóm là những nhân vật đặt biệt, là các đại doanh nhân đại gia thành đạt một thời.

Tý rất mê đá banh và Tý cũng là một cầu thủ trong đội banh của trường để đi thi đấu với những trường bạn trong thành phố. Ngoài giờ học ra Tý thường xuyên bám trụ trên sân cỏ. Sân cỏ Hàm Nghi là cả một thời kỷ niệm tuổi thơ của Tý. Có lúc Tý mơ tưởng nếu như nó được sinh ra ở một đất nước có một nền bóng đá cao và có điều kiện thì chắc rằng Tý có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp không chừng!

Trên sân Hàm Nghi Tý đã kết thân cùng anh Cu Đen chăn bò. Anh Cu Đen không được đi học nhưng tính cách của anh ấy làm cho Tý thầm cảm phục. Hằng ngày anh Cu Đen dẫn đàn bò khoảng chục con ra sân cho chúng nó ăn cỏ và tham gia đá banh với bọn Tý. Anh Cu Đen rất hiền và không bao giờ tranh giành với ai. Anh luôn tỏ ra nhường nhịn và làm mọi người vui. Niềm vui của bạn bè là niềm vui của anh. Có khi bọn nhỏ đá banh với cái bụng đoái thì anh không ngần ngại sẻ chia một ít đồ ăn mà anh có. Anh Cu Đen là một trong những người bạn không được học hành nhưng con người anh ấy quá tuyệt vời và đó là một tấm gương cho Tý học hỏi để làm một người tốt về sau.

Có một lần, vì mãi mê trên sân cỏ Tý đã để mất đôi dép Bình Trị Thiên mà nó đã từng nâng niu. Một kẻ gian manh nhóc con nào đó đã cuỗm mất rồi, Tý thút thít ngồi khóc một mình. Anh Cu Đen rất thương và lo lắng cho Tý, anh ấy hớt Hải chạy quanh mong tìm đôi dép cho Tý. Dù đang khổ sở vì mất dép nhưng Tý cũng đủ bình tĩnh để cảm nhận và thấu hiểu tấm lòng của anh Cu Đen đối với Tý, một thứ tình cảm mà Tý sẽ mãi mãi không bao giờ quên về người bạn tốt là anh Cu Đen chăn bò.

Sau bao năm dài xa cách, Tý đã có lần trở lại quê nhà để tìm lại người bạn năm xưa, cũng là một người anh quý mến từ thuở hàn vi. Tý đã hỏi thăm từ đầu trên xóm dưới, nhưng chẳng ai biết anh ấy giờ đã lưu lạc phương nào.

Phố núi Ventana Clovis California

May 26/2024.

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có quan tâm
Close
Back to top button