Giới thiệu về nhà vườn Huế
Nói đến di sản văn hóa của vùng đất Cố đô, người ta thường nghĩ ngay đến kiến trúc truyền thống Huế – nhà vườn truyền thống Huế. Kiến trúc nhà vườn Huế vừa mang nét tinh hoa quý tộc nhưng cũng vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Nhà vườn không chỉ đơn thuần là nơi để ở mà còn chiếc cầu nối truyền tải tâm tư và nếp sống của chủ nhà.
Dưới triều Nguyễn, ban đầu nhà vườn Huế có quy mô khá lớn, kiến trúc nhà chính làm theo kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” và có thể lên đến 7 gian, nghĩa là không hề thua kém cung điện của nhà vua trong Đại nội. Tuy nhiên, từ thời vua Minh Mạng trở đi, triều đình đã ban hành luật lệ khống chế quy mô kiến trúc nhà vườn của hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc xuống còn 3 gian 2 chái, không được làm nhà kép. Do vậy, nhà vườn Huế vào thời điểm này có cấu trúc 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái là phổ biến. Về sau, do những quy định trên không còn nghiêm khắc như trước nữa nên việc xây dựng nhà vườn 5 gian 2 chái vẫn còn xuất hiện.
⛩️ Đặc sắc kiến trúc nhà vườn ở Huế
Nhà vườn ở Huế thường được xây dựng theo luật “dịch lý” và phong thuỷ. Kiến trúc nhà là tập hợp của một hệ thống được sắp xếp theo chiều Bắc – Nam. Không gian thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn.
⛩️ Lối vào nhà vườn ở Huế
Lối vào nhà vườn thường có một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu được cắt tỉa đẹp mắt và hai hàng cau ở đầu hồi phía phải của ngôi nhà; tiếp đến là bình phong đủ để che chắn cho ngôi nhà khỏi mọi tai ương đến từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao làm che khuất tầm nhìn. Phía trong, sau bức bình phong, trước ngôi nhà là một bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ; đây là yếu tố “minh đường” trong phong thủy.
⛩️ Bình Phong
Trong khuôn viên nhà của Huế xưa phải có một bức bình phong án ngữ ngay mặt tiền ngôi nhà. Tùy theo nhu cầu, điều kiện, những bức bình phong có thể được làm từ những chất liệu khác nhau như gỗ, gạch, mây, đá, cây cảnh, tre, trúc.. nhưng phổ biến nhất vẫn là những bức bình phong xây bằng gạch đá được trang trí, chạm trổ công phu bằng cách ghép sành sứ. Bình phong không dùng để cầu lộc, tiền tài mà chỉ cầu sự may mắn, trường tồn. Đây là lý do tại sao từ trước nay không hề thấy chữ Lộc được dùng trang trí trên các bình phong.
⛩️ Sân vườn
Vườn hợp thể với kiến trúc, làm mềm mại những đường nét thô cứng của ngôi nhà, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Theo quan niệm của người Huế, vườn không chỉ là chỗ để chơi mà còn là nơi để chiêm nghiệm về cuộc sống. Vì thế, người Huế cũng rất kỳ công trong việc chọn lựa và xếp đặt vị trí của cây cối quanh vườn. Xin được liệt kê như sau để Quý vị hiểu thêm tính tỉ mỉ của người Huế khi lập vườn. Nhà vườn nào ở Huế cũng đều có những loại cây sau:
– Các loại cây dại có ích như rau má, mã đề, rau trai, ngò tây,… được sử dụng để nấu món canh quê nổi tiếng “canh rau Tập Tàng” đến những cây bông được dùng chưng bàn thờ khi cần đến như phượng cúng, hoàng anh, hoa chuối, vạn thọ…
– Các loại hoa cảnh như hoàng mai, phong lan, địa lan, sen, súng…; hay các loại hoa tạo mùi hương như dạ lý, hoàng lan, ngọc lan, quỳnh hương.…
– Các loại cây thuốc để trị bệnh hay làm gia vị như ngải cứu, hành, riềng, sả, ớt, long tu, lá lốt, rau thơm…
– Các loại cây dùng làm lá gói hoặc nguyên liệu làm bánh trái trong các ngày lễ tết như lá dong, lá gai, lá chuối… ở góc vườn còn có các loại rau xanh, xà lách, cải, bí, bầu, mướp… để tiện việc bếp núc.
– Cây cảnh tạo thế như mai, trúc, sanh, si, mân…
– Cây ăn trái có cả đào, thanh trà, măng cụt, nhãn lồng, vú sữa, cóc, mít, dừa…
– Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn như sầu đông, mít, bàng… vừa để tạo bóng mát quanh nhà.
⛩️ Nhà rường
Qua khoảng sân rộng là đến những ngôi nhà rường cổ. Đây là công trình quan trọng nhất trong kiến trúc nhà vườn Huế. Từ “rường” là cách nói gọn của rường cột. Cách nói này được dùng để chỉ một ngôi nhà có hệ thống cột, kèo gỗ được dựng nên theo một quy cách nhất định. Nhà rường của Huế có rất nhiều dạng, từ một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái cho đến nhà rường lầu.
⛩️ Nội thất nhà vườn ở Huế
Nội thất nhà rường là một trong những điểm đáng chú ý nhất của nhà vườn Huế. Nội thất trong nhà đại đa số đều là đồ dùng bằng gỗ. Các nét chạm trổ lấy ý tưởng từ thiên nhiên được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Trong đó, hoành phi, câu đối, sập gụ và tủ chè là những món đồ không thể thiếu đối với một ngôi nhà vườn kiểu Huế. Gian chính nhà vườn là nơi thờ phụng tổ tiên ông bà nên được chủ nhân thiết kế hết sức công phu. Gian nhà chính thể hiện rất rõ tính lễ giáo và truyền thống gia tộc…
Cách bài trí đồ đạc trong nhà cũng là cách mà chủ nhân ngôi nhà thể hiện vai vế, đẳng cấp và cá tính cá nhân.
Có thể nói, kiến trúc nhà vườn Huế giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Chất vườn rừng trong không gian cây xanh quanh những ngôi nhà Huế phải được xem là ấn tượng đầu tiên khi tiếp cận với nó”.
Chính vì vậy, nhà vườn của Huế không thể lẫn tạp với bất cứ kiểu kiến trúc nhà vườn nào khác, đúng như đánh giá là “di sản văn hóa” của Cố Đô Huế.
La Hạnh Thảo
/Tổng hợp và biên soạn/hình sưu tầm trên mạng/