Huế! Vùng đất hiếu học
ĐẤT LÀNH SAO CHIM ĐẬU CHẲNG YÊN?
Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử nước Việt thì Huế luôn được biết tới như “điểm sáng” của 1 vùng đất Văn hóa! Từ một vùng biên viễn được coi là “Ô châu ác địa”, Huế đã trở thành một trọng trấn rồi thủ phủ vùng miền, rồi lại trở thành kinh đô của cả nước thời Nguyễn, được kế thừa rất nhiều giá trị, thành tựu ưu việt bậc nhất của đất nước.
Với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Cố đô như Hiếu Đạo, Hiếu khách, Hiếu Học … người Huế Xưa & Nay luôn trân trọng, giữ gìn để tạo nên một “Chất Huế” không thể bị trộn lẫn, hoà tan với bất kỳ nơi đâu!
Theo lời Ông Ðỗ Bang, PGS.TS và chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế thì nền học vấn của vùng đất này đã hình thành từ thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, khoảng đầu thế kỷ 17. Khi nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô của nước Việt Nam thì nơi đây bắt đầu trở thành vùng đất hội tụ nhân tài cả nước. Nhiều địa danh của Huế đã được biết đến như “cái nôi” của nhân tài nước Việt.
Đầu tiên xin nhắc đến Làng La Chữ !
Ai từng nghe đến làng La Chữ chắc hẳn đều biết câu chuyện từ khi lập làng, trải qua nhiều triều đại, cho đến năm Kỷ Mùi (1919) thì vùng đất này đã có rất nhiều nhà khoa bảng trong thời Hậu Lê, thời các chúa Nguyễn. Đặt biệt vào thời nhà Nguyễn, theo sách Quốc Triều Khoa Bảng và Đăng Khoa Lục, làng La Chữ có đến 18 vị cử nhân làm việc ở kinh thành, có nhiều cống hiến cho đất nước. Ở đây có nhiều dòng họ có truyền thống hiếu học, danh gia vọng tộc như Lê Đình, Lê Công, Lê Phú, Trần Hữu, Hà Thúc.. trong đó nổi danh là họ Hà, một dòng họ cống hiến nhiều công thần văn võ cho triều đình nhà Nguyễn mà đến nay trong dân gian vẫn còn lưu câu “Thân vô gia, Hà vô dân”, ý nói dòng họ Thân không ở nhà bình thường mà ở phủ, còn họ Hà không làm dân bởi đa số đều làm quan từ to đến nhỏ, hay xếp theo thứ tự có câu “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà” là vì vậy!
Kế đến là Làng An Truyền!
Nằm bên đầm Chuồn, làng An Truyền, xã Phú An gọi là làng Chuồn từ xưa cũng nổi tiếng là làng quê hiếu học. Nhiều gương mặt từ vùng đất này đã làm rạng danh quê hương, xứ sở như học sinh Võ Sao Khuê tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin Đại học Khoa học Wien (Áo), Đoàn Quốc Hoài Nam – một trong 4 đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic hóa học quốc tế 2014; Võ Thị Kim Thảo – nghiên cứu sinh tiến sĩ nhỏ tuổi nhất Đại học Huế… và mới đây là Hồ Đắc Thanh Chương, vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2016.
Hồi giữa tháng 4/2022, tôi về làng Phước Tích để tìm hiểu về nghề Gốm truyền thống nơi đây. Tình cờ, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện Hiếu học của ngôi làng này và vô cùng ấn tượng với con số hơn 30 giáo sư và tiến sĩ đã xuất thân từ vùng quê này! còn con số cử nhân và thạc sĩ thì đếm không xuể! Nên nói đến sự học thì Phước Tích thật đúng là 1 trong những ngôi làng hiếu học nổi tiếng nhất nhì xứ Huế. Hiện nay trong làng Phước Tích, mỗi gia đình ít nhất cũng có một người theo nghề dạy học.
Truyền thống Hiếu học của Người Huế có thể nói là tồn tại rất lâu đời ở hầu hết các làng quê ở Huế, giới hạn của 1 bài viết không thế nào chuyển tải hết được! Nếu có thời gian, những người yêu Huế hãy tìm về vùng Phú Lễ, tên xa xưa là Bái Đáp, từ trong tên gọi từ thuở lập làng đã ẩn chứa một ý nguyện tốt đẹp về văn hóa lễ nghĩa; Hay Phú Lộc, cũng là nơi xuất hiện nhiều nhân tài, anh kiệt của đất nước mình.
Theo thống kê thì toàn Tỉnh Thừa Thiên Huế có tới hơn 4.000 dòng họ, là 1 thiết chế xã hội bền vững, 1 lợi thế để xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá vô giá của vùng đất Kinh kỳ này !
Không chỉ có lợi thế về giá trị văn hoá có nền móng lâu đời từ dòng họ, làng xã mà Huế còn là nơi được biết đến với những ngôi trường “đẳng cấp” có một không hai !Chuyện xưa thì phải nhắc đến Ngôi Trường Quốc Tử Giám ở Huế, là trường đại học đầu tiên được xây dựng dưới thời vua Gia Long vào năm 1803. Ban đầu được thành lập, trường có tên là Đốc Học Đường, về sau được vua Minh Mạng đổi thành Quốc Tử Giám (1820). Nơi đây đã in dấu chân của hơn 500 tiến sĩ, phó bảng dưới triều Nguyễn.
Chuyện nay thì lại phải nhắc đến Trường Quốc Học, một trong những ngôi trường nổi tiếng ở Huế. Năm 1896, trường được thành lập theo chỉ thị của vua Thành Thái. Lúc mới thành lập, trường có tên là “Pháp tự Quốc học Trường môn”, rồi lần lượt mang tên École Primaire Supérieure, Khải Định, Ngô Đình Diệm và trở về với tên gốc từ năm 1956 đến nay.
Bên cạnh “anh chàng” Quốc Học là cô bạn láng giềng duyên dáng – Trường Đồng Khánh, 1 ngôi trường cổ kính thứ hai ở Huế. Trường được thành lập năm 1917. Lễ đặt viên đá đầu tiên có sự tham dự của vua Khải Định. Ban đầu trường mang tên Đồng Khánh, là trường nữ sinh đầu tiên dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ trong thời điểm bấy giờ. Sau đổi tên là trường cấp III Trưng Trắc. Năm 1981, trường lại được đổi tên thành trường THPT Hai Bà Trưng và tên gọi này được sử dụng cho tới ngày nay.
Đi một vòng xưa & nay để thấy rất rõ là Huế luôn là vùng đất coi trọng các giá trị văn hóa, lễ giáo, hiếu học, tôn sư trọng đạo. Huế là cái nôi của Nhân tài nước Việt nhưng Huế lại lưu giữ được rất ít nhân tài. Học sinh giỏi của Huế phần nhiều theo học tại các đại học ở Sài Gòn, Hà Nội và nước ngoài, nhưng quay về với Huế chỉ là số ít.
Câu hỏi rất gây trăn trở, Huế có thể sản sinh và đào tạo rất người nhân tài nhưng tại sao không lưu giữ được ?
ĐẤT LÀNH SAO CHIM ĐẬU CHẲNG YÊN?
Phải chăng vì Huế ngày nay không còn giữ vị thế của kinh đô? Hay tại truyền thống hiếu học ở Huế nặng tính khoa cử? Hay tại nền sản xuất, xã hội của địa phương có phần tụt hậu? Hay tại cơ chế, các chính sách khuyến học, khuyến tài chưa đủ để giữ chân thầy tài, thu hút trò giỏi ở lại Huế “dụng võ”?
Là vùng đất của Phật giáo, lại là vùng đất Cố đô với những giá trị Nho giáo thẩm thấu sâu đậm nhiều thế kỷ nên lòng hiếu đạo và tính Hiếu học luôn được người Huế đời đời, nhà nhà trân trọng giữ gìn.
Mong sao, Huế sẽ tiếp tục trở mình để luôn là nơi SINH, DƯỠNG và LƯU GIỮ được “Người tài” bởi HIỀN TÀI
LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA!
– La Hạnh Thảo –