Kiến trúc Huế

Khám phá lịch sử Kinh thành Huế

Kinh thành Huế thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO đã công nhận là Di sản Văn Hóa Thế giới vào ngày 11/12/1993. Công trình này đã lưu trữ nhiều ký ức triều đại nhà Nguyễn dưới thời phong kiến.

Kinh Thành Huế tọa lạc bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình. Công trình kiến trúc này còn được gọi là Thuận Hóa kinh thành (chữ Hán là 順化京城). Đây là nơi đóng đô của triều nhà Nguyễn từ năm 1805 đến năm 1945. Tính đến nay, Kinh Thành Huế đã trải qua 218 năm xây dựng và đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của đất nước từ lúc thịnh đến lúc suy.

⛩️ Lịch sử xây dựng Kinh Thành Huế

Kinh Thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long – triều Nguyễn. Vào năm 1803, vua Gia Long đã sai người đi khảo sát địa hình để xây dựng mở rộng Kinh Thành. Đến tháng 4 năm 1805, vua Gia Long đã cho khởi công xây dựng sau khi bộ Lễ đã chọn được ngày tốt để làm lễ tế trời đất. Hơn 3 vạn lính và dân phu từ các tỉnh Quảng Bình đến Quy Nhơn đã được huy động đến Huế để xây dựng.

Theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, Quyển 23, Mặt khắc 13 thì Kinh thành Huế được xây dựng với quy mô như sau:

Ngày Quý Mùi, xây đắp Kinh thành. Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Ðức, cửa Chính Nam, cửa Ðông Nam, bên tả là cửa Chính Ðông, cửa Ðông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Ðịnh; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình“.

Sau hơn 10 năm xây dựng, số lượng người tham gia đã hơn 80 nghìn người. Lúc này, tất cả tập trung xây dựng gạch ốp ở cả 4 mặt Đông – Tây – Nam – Bắc. Mãi đến năm 1831 – 1832, vua Minh Mạng đã cho xây thêm tường bắn ở mặt ngoài vòng thành. Hoàn thiện kiến trúc tổng quan Kinh Thành Huế.

Công trình kiến trúc Kinh Thành Huế được khởi công từ hè năm 1805 và hoàn thành vào năm 1832. Gần suốt 30 năm vừa làm vừa nghỉ, vừa tu bổ do lũ lụt vừa xây dựng, Kinh Thành Huế đã trở thành kiến trúc đồ sộ và tồn tại đến ngày nay. Khu kinh thành hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

⛩️ Kiến trúc Kinh Thành Huế

Kiến trúc Kinh Thành Huế được lọt vào top những công trình ấn tượng và độc đáo. Tổng diện tích là 520ha cùng 10 cổng thành bao quanh. Mặt trước gồm 4 cổng quay về hướng Nam và 3 mặt còn lại, mỗi mặt 2 cổng thành. Nhìn từ trên cao, Kinh Thành Huế có hình dạng gần với hình vuông. Chu vi kinh thành rộng hơn 10km và được xây dựng theo kiến trúc thành lũy VAUBAN. Như vậy, Kinh Thành Huế sẽ gồm có 3 vòng thành là Kinh Thành – Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Sơ đồ Kinh thành Huế

Đặc biệt, vòng thành cao đến 6,6m, dày 21m. Ban đầu vòng thành được đắp bằng đất. Đến cuối đời Gia Long thì được xây bằng gạch. Hệ thống sông đào bao quanh khu vực thành nội và sông Ngự hà bảo vệ Tử cấm thành được hoàn tất vào năm 1832 dưới triều vua Minh mạng. Hệ thống sông đào này có chức năng bảo vệ và giao thông đường thủy với chiều dài hơn 7km.

⛩️ Kinh Thành Huế gồm 10 cửa chính gồm:

– Cửa Chính Bắc (còn gọi là cửa Hậu, nằm ở mặt sau Kinh Thành).

– Cửa Tây-Bắc (còn gọi là cửa An Hòa).

– Cửa Chính Tây

– Cửa Tây-Nam (còn gọi là cửa Hữu, bên phải Kinh Thành).

– Cửa Chính Nam (còn gọi là cửa Nhà Đồ).

– Cửa Quảng Đức.

– Cửa Thể Nhơn (tức cửa Ngăn).

– Cửa Đông-Nam (còn gọi là cửa Thượng Tứ).

– Cửa Chính Đông (tức cửa Đông Ba).

– Cửa Đông-Bắc (còn gọi là cửa Kẻ Trài)

⛩️ Khám phá bên trong Kinh Thành Huế

Bên trong Kinh Thành Huế gồm 2 vòng là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Khu vực Hoàng Thành chính là nơi hoạt động chính trị quan trọng. Còn Tử Cấm Thành là nơi ở của vua và gia quyến. Chúng ta thường gọi Đại Nội Huế cũng là ám chỉ Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

📌 Hoàng Thành

Hoàng Thành là vòng giữa của Kinh Thành Huế với hơn 100 công trình lớn nhỏ cùng hệ thống cung điện nguy nga. Khu vực này có 4 cửa ở 4 mặt với cửa chính là Ngọ Môn (ở phía Nam).

Những công trình tiêu biểu, nổi bật ở trong Hoàng Thành như:

– Cổng Ngọ Môn: Đây là cổng chính dẫn vào Hoàng Thành được xây dựng vào năm 1834 (dưới đời vua Minh Mạng 14). Nơi đây được lựa chọn diễn ra những buổi lễ Duyệt binh, lễ Truyền Lô hay lễ Ban Sóc.

– Điện Thái Hòa: Là nơi thiết triều hoặc diễn ra các nghi lễ như sinh nhật vui, tiếp đón sứ thần hay lễ đăng quang. Đây là biểu tượng quyền lực một thời của Hoàng triều Nguyễn.

– Các Điện Miếu: Nơi đây bao gồm những miếu thờ tổ tiên và vị vua nhà Nguyễn được đặt dọc hai bên trục Hoàng Thành:

○ Triệu Tổ Miếu thờ Nguyễn Kim (cha của Tiên Nguyễn Hoàng).

○ Thái Tổ Miếu thờ các vị chúa Nguyễn.

○ Hưng Tổ Miếu thờ cha mẹ vua Gia Long.

○ Thế Tổ Miếu thờ những vị vua nhà Nguyễn.

○ Điện Phụng Tiên thờ vua và hoàng hậu nhà Nguyễn.

– Phủ Nội Vụ: Nơi cất giữ tài sản, vật dụng của vua, hoàng hậu, của công: vàng bạc châu báu, gấm vóc – tơ lụa, vật cống hiến… Đây cũng là nơi sản xuất vật dụng cho vua và nội cung.

📌 Vườn Cơ Hạ

Nơi các hoàng từ học tập, giải trí.

📌 Trường Sanh cung và Diên Thọ cung

Nơi ở dành cho Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu.

📌 Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng của Kinh Thành Huế. Khu vực này được rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật. Như đã giới thiệu ở trên thì Tử Cấm Thành chính là nơi ở của vua và gia luyến:

– Đại Cung Môn: Cửa chính đi vào Tử Cấm Thành

– Điện Càn Thành: Đây là nơi ở của vua

– Cung Khôn Thái: Nơi ở của các Hoàng hậu và Hoàng Quý phi

– Duyệt Thị Đường: Nhà hát biểu diễn những vở tuồng cung đình phục vụ vua, gia luyến, đại thần, sứ thần…

– Thượng Thiện: Đây là khu vực nấu ăn cho vua

– Viện Dưỡng Tâm, Thái Bình Lâu: Là nơi vua nghỉ ngơi và đọc sách

– Điện Minh Quang: Là nơi ở của những hoàng tử

– Điện Trinh Minh: Là nơi ở của những phi tần

⛩️ Những di tích trong Kinh Thành Huế

Ngoài những công trình tiêu biểu trong Hoàng Thành hay Tử Cấm Thành được chúng tôi giới thiệu ở trên. Kinh Thành Huế còn rất nhiều di tích có giá trị lịch sử đáng để tham quan như Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, các Pháo đài…

📌 Trường Quốc Tử Giám

Trường Quốc Tử Giám Huế

Đây được xem là trường Đại học đầu tiên của nước ta được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Ngày đó, vua Gia Long rất coi trọng việc đào tạo và tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Vào năm 1803, ông đã cho xây dựng Đốc Học Đường tại huyện Hương Trà. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, hướng ra sông Hương.

Hiện tại, trường Quốc Tử Giám là nơi lưu trữ dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ cùng phó bảng dưới triều Nguyễn. So với các công trình khác trong quần thể di tích cố đô Huế, Quốc Tử Giám vẫn còn nguyên vẹn hơn.

📌 Điện Long An

Điện Long An được xây dựng dưới đời vua Thiệu Trị vào năm 1845. Đây cũng là nơi an nghỉ của vua sau mỗi buổi lễ Tịch điền đầu xuân.Điện Long An còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quý cung đình giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống vua chúa ngày xưa.

📌 Các pháo đài

Pháo đài Tây Thành

Toàn bộ vòng thành có tổng cộng 24 pháo đài. Mỗi mặt gồm 5 pháo đài và 4 pháo đài ở 4 góc. Mỗi pháo đài được đặt một tên riêng tương ứng với các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Đặc biệt, ở góc Đồng Bắc còn có Trấn Bình đài – chính là pháp đài 25 của Kinh Thành.

Với tổng chiều dài hơn 11km, các pháo đài được bố trí cách đều nhau. Kèm theo chính là hệ thống tường bắn, xưởng súng, kho đạn, pháo nhãn, điểm canh…

📌 Duyệt Thị Đường

Duyệt Thị Đường nằm ngay trong Tử Cấm Thành. Đây là nơi các vua chúa nhà Nguyễn cùng triều đình thưởng lãm âm nhạc. Hiện nay, Duyệt Thị Đường đã được khôi phục và phục vụ khách du lịch với các hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế. Số lượng du khách ghé thăm tham dự khá lớn.

📌 Hồ Tịnh tâm

Hồ Tịnh Tâm Huế

Hồ Tịnh Tâm được xây dựng dưới đời vua Minh Mạng năm 1838. Đây là nơi tiêu giao, giải trí của vua chúa lúc bấy giờ. Đến thời vua Thiệu Trị, Hồ tịnh tâm được đánh giá là một trong 20 cảnh đẹp nhất Thần Kinh. Hồ tịnh tâm rất thu hút du khách nhờ vào cảnh đẹp thơ mộng, đúng với tên gọi của nó.

Kinh Thành Huế là công trình kiến trúc ở thời kỳ lịch sử Việt Nam cận đại được xem là nguy nga, đồ sộ về bề thế nhất. Hàng chục nghìn người tham gia trong suốt 30 năm với hàng triệu mét đất đá. Trải qua hai đời vua nhà Nguyễn là vua Gia Long và vua Minh Mạng. Nó là minh chứng cho sự hành trình và phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX.

Hy vọng qua bài viết này, quý thành viên và những người yêu mến Huế sẽ cảm nhận được sự nguy nga, đồ sộ của công trình kiến trúc lịch sử này.

/Sacramento, ngày 12 tháng 11 năm 2023/

Ảnh sưu tầm trên mạng

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button