Truyện ngắn

Mẹ Tôi (Phần Ba)

Rồi một ngày, Ba tôi cũng được con cháu của Bác khoan hồng cho trở về sum họp bên gia đình sau bao năm dài xa cách. Với tấm thân tàn ma dại cùng mảnh giấy ra trại học tập cải tạo chuyên ngành lao động khổ sai từ một miền rừng núi xa xôi.

Ngày ấy, Mẹ tôi đã đợi chờ trong mòn mỏi, nỗi đợi chờ khá dài cho một kiếp người. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những cuộc hành trình gian truân cùng Mẹ tôi vượt đèo lội suối đi thăm Ba ở trại cải tạo. Tôi được Mẹ cho đi theo trong chuyến thăm Ba sau cả tháng trời chuẩn bị. Nói là chuẩn bị chứ thật ra chẳng có gì để mà chuẩn bị cả vì hằng ngày chúng tôi cũng chẳng có gì ăn thì lấy đâu ra mà để dành cho chuyến đi thăm.

Tối hôm đó, sau buổi cơm chiều toàn bo bo, sắn lát. Mẹ biểu tôi đi ngủ sớm để sáng mai thức dậy vào lúc 2 giờ sáng mà ra bến đò. Mẹ tôi căn dặn các em tôi ở nhà thật ngoan và nghe lời dạy bảo của Bà Ngoại. Ngoại tiễn Mẹ con tôi ra khỏi mái hiên và căn dặn:

– Đi đường nhớ cẩn thận.

Trong đêm tối, tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò của Ngoại vì lo cho Mẹ con tôi phải chịu những nhọc nhằn ở con đường phía trước. Tôi thương Ngoại và hiểu rõ tình cảm mà Ngoại đã dành cho gia đình tôi. Tôi may mắn hơn tất cả những anh chị em khác trong bà con vì đã được sống gần gũi với Ngoại, được Ngoại bảo bọc, lo lắng để Mẹ tôi đỡ vất vả hơn. Thỉnh thoảng Bà hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện trên đời như thời Ông Ngoại tôi còn sinh tiền, và đặt biệt về những nỗi gian nan nhọc nhằn của những gia đình sống ở vùng hoạt động của Việt Minh ngày xưa, phải chịu đựng sự khổ đau mà Việt Minh đã gây nên, Việt Minh là tiền thân của chế độ hiện thời. Tôi thấy Ngoại kể quả thật không sai tí nào. Vì sau này khi tôi chứng kiến những hình ảnh mà tôi đã trải qua trong những chuyến đi thăm Ba, qua những gì tôi đã nghe và nhìn thấy với đầu óc non nớt của một đứa trẻ.

Đến bến đò sớm nhất, Mẹ con tôi đi xuống để kiếm chỗ ngồi và được một chỗ khá tốt bên cạnh cửa sổ. Để tôi có dịp ngắm nhìn thành phố vào khuya của một đêm không trăng.

Khi đò rời bến, một luồng gió mát thổi vào mặt tạo cho tôi một cảm giác tỉnh hẳn khỏi cơn buồn ngủ. Tôi miên man với nhiều suy nghĩ trong đầu là sẽ được gặp lại Ba tôi và sẽ được nhìn thấy những điều mới lạ trong chuyến đi này.

Những tia nắng ban mai xuyên qua chỗ tôi ngồi. Tôi nhận thấy những phụ nữ cùng đi chung trên một chuyến đò cũng trạc cỡ tuổi Mẹ tôi và những người con cũng trạc cỡ tuổi tôi.

Sau khi trao đổi đôi lời, tôi nhận thấy mấy Dì ấy và Mẹ tôi đang có cùng một hoàn cảnh giống nhau là cùng dẫn con đi thăm chồng bị lưu đày nơi rừng thiêng nước độc. Tôi có cảm tưởng Mẹ tôi và các Dì ấy đang nói chuyện với nhau rất vui vì có người đồng hành với mình, có thể nương dựa vào nhau trong chuyến đi này.

Nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy những bức ảnh quê hương đẹp tuyệt vời hiện ra trong mắt tôi. Những dãy núi đồi trùng điệp nối liền nhau ở phía hai bên bờ cùng những hàng cây xanh mọc xen kẽ nhau ở hai bên sườn núi và những đám mây trắng lững lờ bay bay dưới nền trời xanh thẳm tạo thành một bức tranh sinh động của giang sơn Việt Nam gấm vóc và hùng vĩ. Những hình ảnh đó tiếp tục hiện ra trước mắt tôi khi con đò uốn lượn theo những khúc quanh dưới sườn núi. Có những đoạn con đò chạy xuyên qua những cánh rừng có khu dân cư với những căn nhà ọp ẹp thô sơ. Một số người dân đứng trước những căn nhà thô sơ đó trong những bộ áo quần tả tơi đang dõi mắt nhìn theo con đò của chúng tôi rẽ nước chạy qua. Tôi chạnh lòng khi nhìn ra được những hình ảnh nghèo nàn của làng quê tương phản với hình ảnh thiên nhiên thật đẹp. Được ngắm nhìn quê hương hùng vĩ đang lùi dần ở lại phía xa xa và được Mẹ cho ăn những thức ăn ngon hơn thường ngày tôi cảm thấy trong lòng thật là thú vị.

Rồi con đò đi xuyên qua những mỏm đá. Mùa hè là mùa khô hạn ở xứ miền trung quê tôi, dòng sông có đoạn rất cạn, tôi có thể nhìn thấy rong rêu và những hòn sỏi to như những nắm tay bên dưới khi con đò chạy ngang qua.

Rồi con đò cập bến dưới cái nắng nóng gay gắt cùng những cơn gió khô hắt lất phất quanh tôi. Chúng tôi nhễ nhại mồ hôi đi bộ trên con đường đầy cát bụi, những hạt cát cứ đua nhau chui vào đôi dép ‘’Bình Trị Thiên’’tôi mang, tạo nên một cảm giác thật khó chịu. Vốn là đứa trẻ chân đất, thích chạy nhảy, leo trèo. Tôi xách đôi dép để đi chân không. Nhưng chỉ được một lúc, tôi cảm thấy như đi trên chảo cát nóng hổi và tôi phải vội mang đôi dép vào.

Sau này, qua sách vở tôi được biết mình đang đi dưới cái nắng nóng và gió khô thổi qua từ đất nước anh em của Bác. Hơi nước trong gió đã bị dãy Trường Sơn chắn lại. Cho nên mảnh đất miền trung quê tôi luôn bị cái nóng khô khốc dày vò vào mỗi mùa hè.

Chúng tôi vẫn tiếp tục đi bộ thêm khoảng mười cây số nữa trên những con đường lên dốc xuống đèo đầy sỏi đá, bụi mờ và ngoằn ngoèo dưới cái nắng gay gắt mà không có lấy một bóng mát. Mẹ con tôi mỗi người một giỏ đồ trên tay nặng trĩu lê bước mãi trên con đường cùng đoàn người đi thăm nuôi với những bộ áo quần tả tơi trên những tấm thân còm cõi. Chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để Mẹ và các Dì nghỉ lấy sức. Khi đến một giao điểm, tôi thấy có một tấm bản nhỏ bên góc trái, đó là bản chỉ đường. Đoàn người chúng tôi tạm chia tay nhau để đi theo bản chỉ đường. Chỉ có vài gia đình trong chúng tôi là rẽ trái để tiếp tục đi. Hai bên đường những hàng cây khoai mì được trồng thẳng tắp trông rất đẹp mắt. Đứng trên đỉnh dốc tôi thấy cả cánh đồng khoai mì bao la bát ngát mà tôi nghĩ đó là do những bàn tay của những người tù khổ sai tạo nên và tôi cũng không nhìn thấy một ngôi nhà dân nào hết. Cảm tưởng trong tôi đây là một vùng đất khô cằn hoang sơ thiếu sự sống.

Chúng tôi đi và đi mãi cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi. Thấp thoáng ở phía xa xa những gian nhà làm bằng phên tre và mái tranh hiện ra trước mắt tôi mỗi lúc một gần hơn. Những gian nhà nằm chơi vơi giữa vùng đất hoang vu vắng vẻ. Xa xa là những dãy núi bao quanh. Căn nhà được chia ra làm nhiều phần. Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là nơi gặp gỡ của những người tù và thân nhân đến thăm nuôi.

Bỗng trước mắt tôi hiện ra một hình ảnh thật cảm động. Tôi thấy hai người công an cầm súng đi phía sau những người tù đang choàng tay nhau để giúp những người tù quá yếu không thể tự mình đi được. Khi đoàn người tới gần tôi nhìn thấy những người tù trong bộ đồ màu xám đã bạc màu và không còn nguyên vẹn. Những người tù thật ốm và xanh xao như những bộ xương biết đi. Riêng có một Bác với thân hình chỉ còn bộ xương khô đang ngồi trong cái thúng và được hai người tù khác gánh. Một cảnh tượng thật buồn và thê lương.

Nghĩ tới cảnh gia đình sắp sum họp khi tôi biết chắc rằng Ba tôi cũng không khác chi những người tù mà tôi vừa thấy.

Chiều đến tôi thấy những đoàn tù đi lao động về ngang qua gian nhà với những ánh mắt lạc thần, buồn tủi nhìn vào bên trong. Các đội đi thành bốn hay năm hàng dọc và những người công an cầm súng đi hai bên. Tôi chạy sát đến đoàn người tù và đưa mắt nhìn các Bác các chú với tấm lòng thương cảm vô biên. Tôi mong mỏi trong đoàn người tù coi có Ba tôi không. Nhưng có lẽ khi thấy Ba, tôi cũng chẳng nhận ra.

Màn đêm phủ xuống dần trên vùng đồi núi với những tiếng côn trùng kêu đêm, quang cảnh thật buồn, hãi hùng và ảm đạm. Mẹ và tôi nằm co ro trong đêm tối, những ngọn đèn tỏa chút ánh sáng yếu ớt không đủ nhìn rõ mặt nhau. Trong gian nhà thiếu ánh sáng và không cửa, tôi nhìn ra bên ngoài mà chỉ thấy một màn đen dày đặc phủ kín đến đáng sợ.

Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm và đi bộ ngược lại trên con đường đất mà hôm qua chúng tôi đã đi vào vì tôi đoán là các đội người tù sẽ đi lao động khổ sai theo hướng này. Khi ra gần tới ngã tư tôi đứng lại vì tôi không biết là các đội sẽ đi hướng nào. Đứng trên gò đất, tôi thấy từng đội người tù đang đi về hướng mình. Những ánh mắt trìu mến của các người tù cùng nhìn về phía tôi. Tôi đứng đó nhìn các Chú, Bác lòng thương cảm và quặn đau, với màu áo tù xám bạc, thân hình gầy gò, mặt mày bơ phờ và sạm nắng. Có nhiều Chú Bác đi qua đưa tay vuốt đầu tôi. Tôi đã nhận được nhiều tình cảm yêu thương của các Chú Bác đối với một đứa trẻ trạc tuổi con mình. Tôi còn cảm nhận được sự thương nhớ gia đình của những người tù. Sau đó tôi chạy về gian nhà thì được Mẹ cho biết là sẽ được gặp Ba trưa nay. Rồi với bản tánh hiếu kỳ, tôi đi lang thang để khám phá nơi đây có gì lạ….?

Từ bên kia ngọn đồi, tôi thấy có một căn nhà nhỏ và rất xinh, quang cảnh xung quanh ngôi nhà được trồng những luống rau lang và ớt xanh đỏ trông rất đẹp mắt. Càng tới gần mà sao tim tôi đập nhanh quá. Nhưng với bản tánh tò mò tôi vẫn nhẹ nhàng tiến về phía trước. Bỗng tôi thấy một người đàn ông với cái quần xà lỏn màu bộ đội, Cặp giò ốm tong ốm teo ôm hằng những vết sẹo to như những đồng bạc cắc. Ông ấy cũng mang đôi dép Bình Trị Thiên giống như tôi và ở trần để khoe mấy cái xương sườn với cái bụng nước lèo. Ông ta đang chạy về phía tôi mà quát lớn

– Địt mẹ chúng mày đi đâu đây? Có muốn tau bắt nhốt chúng mày lại không? Đeo mẹ bọn phản động.

Tôi giật bắn người, mặt không còn giọt máu, sợ quá… tôi vắt hai giò lên cổ cắm đầu bỏ chạy một mạch thật nhanh về tới chỗ Mẹ tôi ngồi. Đứng bên trong, tôi thấy người đàn ông đạp xe thật nhanh kiếm tôi. Tôi thiết nghĩ người đàn ông này chắc là một cán bộ cao cấp của Bác Hồ kính yêu.

Trên ghế nhà trường, tôi thường được Thầy Cô dạy hay qua công tác tuyên truyền trên loa phóng thanh ở các ngã tư đường gần nhà Ngoại tôi. Nào cán bộ là đầy tớ của nhân dân hoặc nào là đạo đức cách mạng v v … Tôi nhận thấy có sự tương phản với những gì tôi nhìn thấy ở nơi người công an được mệnh danh là con cháu của Bác Hồ mà lại đi chửi thề và hăm dọa một đứa trẻ.

Thế rồi, giây phút mong chờ của Mẹ con tôi là được gặp lại Ba tôi đã đến. Chúng tôi vội vàng thu dọn hành lý để bước qua gian nhà thăm nuôi nơi ở giữa có cái bàn dài và hai hàng ghế hai bên. Tôi thấy Ba tôi đang từ từ tiến về hướng chúng tôi, đi bên cạnh có một người công an áp giải. Chúng tôi im lặng nhìn nhau và đi vào hai dãy ghế đối diện. Một người công an khác đang đứng ở phía bên phải chúng tôi và đang đưa đôi mắt cú vọ quan sát buổi thăm nuôi. Khi nhìn thấy Ba tôi trong thân hình gầy guộc và khuôn mặt khác lạ, hốc hác. Mẹ và tôi rất ngỡ ngàng và khóc thật nhiều. Mẹ và tôi cố chồm qua bàn để ôm và nắm tay Ba thì bị người công an có hàm răng đưa ra khỏi đôi môi trái tim đen thui vì hút thuốc lào lên giọng nói hống hách:

– Bà và con bà ngồi xuống tại chỗ cho tôi, có nghe không? Muốn chết hả?

Tôi cảm thấy quá căm hận vì hành động côn đồ và thiếu văn hóa của người thi hành công vụ.

Thời gian thăm nuôi chỉ diễn ra khoảng 30 phút theo qui định của trại tù dưới sự quan sát của những đôi mắt cú vọ và lắng nghe của những người công an. Nên chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện gia đình. Ba tôi hỏi thăm Mẹ và các em tôi, xong Ba nói với tôi:

– Con là con lớn trong nhà, con phải lo học hành cho giỏi và ngoan ngoãn rồi phải giúp đỡ Mẹ những việc nặng nhọc thay Ba nghe con. Ba luôn thương nhớ các con.

– Dạ Ba, tôi đáp lại lời Ba trong nghẹn ngào không thành tiếng.

Qua lời nói của Ba, tôi có cảm tưởng là mình không còn gặp lại Ba lần nào nữa. Vì Ba tôi là người tù khổ sai không được kêu án, nên sẽ không biết đến khi nào là “ngày trở về”.

Xế trưa, Mẹ và tôi chào tạm biệt những người Mẹ đi thăm nuôi chồng để trở lại con đường cũ ra về. Ngồi trên con đò tôi mãi mông lung hồi tưởng lại giây phút kỷ niệm và những hình ảnh mà tôi đã ghi nhận trong những ngày qua. Tôi đã nhìn thấy sự nghèo nàn của người dân, đói khổ của những người tù cải tạo và đạo đức suy đồi của những người công an được mệnh danh là con cháu của Bác sau ngày họ cưỡng chiếm miền Nam. Tôi nhận ra được sự dối trá của các cấp chính quyền mới, khi họ rêu rao là đang xây dựng một thiên đường tiến lên XHCN như trong mơ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy nỗi nhọc nhằn nơi thân hình gầy guộc và những khuôn mặt hốc hác của những người tù bị đày ải làm việc khổ sai trên những vùng đất núi rừng khô cằn và hoang vu. Tôi nhận được tình yêu thương của Ba tôi và các Chú Bác là những người bạn tù của Ba tôi. Tôi đã nhìn thấy sự vất vả của Mẹ tôi trên cuộc hành trình đầy gian nan khi đi thăm chồng, thăm cha bị lưu đày trong vùng rừng thiêng nước độc.

Khi con đò chạy xuyên qua những dãy núi ngoằn ngoèo, nhìn qua khung cửa sổ tôi thấy một đàn vịt trời đang bơi lội trên một khúc sông. Bỗng chúng cất cánh bay lên và bay về một hướng theo một con đầu đàn. Qua hình ảnh ấy tôi đã cảm thương cho thân phận mình, cho Mẹ tôi, cho các em tôi khi không có cha bên cạnh để dìu dắt chúng tôi ở con đường phía trước của những năm tháng tuổi thơ. Khi đến thăm Ba, đôi tay của Mẹ tôi trĩu nặng hành lý với những món quà được đong đầy tình yêu thương. Khi ra về tình cảm đong đầy yêu thương của Ba tôi dành cho Mẹ và các anh em tôi để mong nuôi dưỡng một tình yêu thương gia đình mãi mãi là bất tận.

Tôi chào đời khi đất nước của tôi đang chìm trong vòng lửa khói của chiến tranh. Vì chủ thuyết Nga,Tàu, con cháu của Bác đã xua quân đánh chiếm miền nam với sự trợ giúp vũ khí từ các nước XHCN anh em. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để nhận biết một cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra trên quê hương mình. Tôi vẫn hồn nhiên tươi cười quấn quýt bên cạnh Ba Mẹ tôi. Lúc đó tôi thấy Ba tôi quá oai phong trong bộ quân phục Việt Nam Cộng Hoà. Tuổi thơ của tôi khi có hình ảnh đẹp của Ba Mẹ bên cạnh đã theo tôi mãi cho đến khi một ngày những tiếng súng nổ rền vang từ nơi xa vọng về thành phố tôi đang ở. Ba Mẹ tôi đã lùa anh em tôi lên một chiếc xe Citroen Traction Avant do Bác tôi từ phía bên kia đèo Hải Vân ra đón. Không lâu sau ngày ấy tôi đã không còn nhìn thấy Ba và những kỷ niệm tuổi thơ với Ba cũng như mãi không còn nhìn thấy Ba bên cạnh.

Năm tháng dần trôi, tôi sớm nhận ra ngày ấy là ngày toàn thắng của con cháu Bác Hồ. Đó cũng là ngày đen tối nhất của cả dân tộc miền Nam Việt Nam. Từ ngày ấy đất nước tôi được cai trị bởi đường lối cộng sản vô thần, dân tộc tôi bị đàn áp đoạ đày, gia đình tôi đã bị ly tán và phân biệt đối xử. Là anh cả trong một gia đình có năm anh em, khi Ba tôi bị chính quyền mới đưa đi lao động khổ sai thì tôi đã sớm nhận ra những mất mát thiệt thòi ở tuổi thơ của anh em tôi kể cả tuổi thanh xuân của Mẹ tôi. Khác hẳn với những đứa trẻ cùng xóm, anh em tôi sớm biết tự lo cho mình khi Mẹ tôi thường xuyên vắng nhà. Khác hẳn với những đứa trẻ cùng trang lứa, tôi đã sớm giúp Mẹ trông nom và bảo vệ các em tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, hằng ngày cứ đến buổi chiều lúc trời vừa chạng vạng tối thì anh em tôi dìu dắt nhau ra ngồi la lết kế bên cột điện ngoài đầu đường để đợi Mẹ tôi đi dạy về. Mọi người đi ngang qua nhìn vào anh em tôi không khác chi một lũ ăn mày áo quần tả tơi và ốm trơ xương.
Còn niềm vui nào hơn khi nhìn thấy Mẹ trong tà áo dài phất phơ trong gió trên chiếc xe đạp mini màu trắng đục xa xa đang từ từ đến gần. Vì Mẹ là tình thương và là chỗ dựa duy nhất của anh em tôi khi ấy. Nhớ những ngày tựu trường, Mẹ tôi phải lo chạy vạy đủ thứ cho anh em tôi. Vì không có cha bên cạnh anh em tôi bị mấy đứa con nít con của mấy ông bà cán bộ ngoài Bắc mới vào ăn hiếp và đánh đập. Mặt dù ở trường, tôi luôn mang khăn quàng đỏ, vì là cháu ngoan Bác Hồ, rồi hát bài như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng và bài đêm qua em mơ gặp Bác Hồ râu Bác dài tóc Bác bạc phơ…. Nhưng không hiểu răng chúng vẫn còn gọi anh em tôi là đồ con ngụy, đồ cái lũ ăn gan uống máu dân và cút đi cho khuất mắt tụi tao.

Còn nữa…

Phố núi Ventana Hills Clovis California March 26/2024.

<Quanganh Pham>

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button