Những khoảng lặng
Những khoảng lặng trong các cuộc trò chuyện từng làm tôi bối rối.
Dường như nó tạo ra bầu không khí nặng nề e ngại, gây áp lực cho cả hai người không biết phải nói gì tiếp theo.
Tôi không chắc từ đâu mà chúng ta thường hay cảm thấy vậy.
Nhưng tôi nghĩ, có lẽ vì chúng ta sợ những điều mình không nghe thấy. Chúng ta không biết người khác đang nghĩ gì về mình trong tâm trí họ, và việc đó khiến chúng ta hoang mang…
Nhưng dần tôi học được rằng: những khoảng lặng chẳng đáng sợ đến thế. Vì thật ra ai cũng đều chỉ đang tìm cách lắng nghe chính mình. Khi thoải mái cho phép khoảng lặng xuất hiện, cuộc trò chuyện bỗng nhẹ nhàng êm ả hơn rất nhiều.
Đôi khi những suy nghĩ chân thật nhất cần phải được lắng đọng thật sâu mới diễn đạt được thành lời. Đôi khi có những sự chân thành phải vượt qua được lớp tường rào cảm xúc mới có thể nói ra.
Chỉ trong tĩnh lặng, chúng ta mới thật sự nghe được tiếng nói nội tâm mình. Ai cũng cần thời gian để sắp xếp lại tâm can, để nhìn nhận mọi thứ lại cho rõ ràng trước khi cất lời và lấp đầy khoảng lặng.
Bên cạnh đó, lời nói cũng không phải là thứ phương tiện duy nhất tạo ra sự kết nối. Ngoài ra còn có cơ thể, biểu cảm, ánh mắt… những “ngôn ngữ không lời” mà trong từng khoảnh khắc, chúng ta vẫn đang âm thầm giao tiếp với nhau.
Chất lượng của một cuộc trò chuyện, vì thế không phụ thuộc vào số lượng lời nói, mà phụ thuộc vào việc chúng ta được là-chính-mình bao nhiêu trong cuộc trò chuyện ấy. Đi kèm với đó là sự thấu hiểu, lòng cảm thông, sự đồng điệu về tâm hồn hay giá trị…
Và khi hai người đủ bao dung và tin tưởng để cùng nhau trôi theo dòng chảy của cuộc trò chuyện một cách tự nhiên nhất, thì đó cũng là dấu hiệu của một mối quan hệ tốt đẹp.
Hãy lên tiếng khi cảm thấy cần lên tiếng, và lặng im khi cảm thấy cần lặng im. Đừng quá áp lực khi chưa nhất thời tìm được lời để nói…
Vì khoảng lặng, đâu có nghĩa là khoảng cách.
#nhipcauhue #NguoiHue
#biếtơncuộcsống #Hanhphucquanhta
#gocchiase #khoanglang