Truyện ngắn

Thương Người Như Thể Thương Thân!

TG: Mười Rạng

Đầu hè năm 2000, tôi có chuyến đi Việt Nam một mình trong 10 ngày để lo việc cho gia đình bên vợ. Mặc dù đất nước lúc đó đã được chính phủ Mỹ bỏ cấm vận từ lâu và đang trên đà đổi mới. Nhưng tôi vẫn còn gặp những mảnh đời cơ cực, bất hạnh giống tôi hồi còn nhỏ.

Ra khỏi phi trường, tôi lang thang qua nhiều góc phố trên những con đường thân quen ngày nào để tìm lại chút kỷ niệm xưa. Cảm thấy hơi đói bụng, tôi tạt vào một quán ăn bình dân bên đường và xin bà chủ cho mình một dĩa cơm sườn.

Nhớ lại thời còn đi học và ở trọ với gia đình Ông Cậu gần cầu Thị Nghè (Cậu ruột của Ba tôi). Mỗi ngày tôi thường ghé quán phở của Dì út gần đó ăn trưa và tối. Món ăn mà tôi ưa thích lại vừa túi tiền của đời sinh viên là kêu một tô nước phở và một ổ bánh mì nướng. Ngày hai buổi và ngày nào tôi cũng chỉ ăn đúng một món như vậy. Mỗi khi Dì Út thấy tôi vừa dựng xe đạp vào gốc cây thì bên trong Dì Út đã có sẵn đồ ăn cho tôi rồi.

Đang cắm cúi vào dĩa cơm sườn, tự dưng tôi cảm thấy có gì hơi nhột ở đầu chiếc giày. Nhìn xuống thì thấy một em bé độ chừng 8 hoặc 10 tuổi gì đó, thân hình bẩn thỉu, ốm nhom, áo quần tả tơi. Đang cố sức dùng cả đôi tay lôi đôi giày ra khỏi đôi chân của tôi mà không nói lời nào.

Vài giây kinh ngạc, tôi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Nhưng vẫn nhấc bỗng đôi chân cho em bé rút đôi giày ra để xem em đang làm gì.

Em nói:

– Con đánh giày cho chú nhé?

Một giây xúc động, tôi cảm thấy có một điều gì đó làm tim tôi đập nhanh hơn và hai mắt tôi cay cay.

Em không ngồi đó mà cầm đôi giày của tôi đi ra khỏi quán. Với bản tánh tò mò, tôi đứng dậy bước theo em trong khi mọi người khách trong quán đang đổ dồn những đôi mắt tò mò về phía tôi. Tôi thấy em ngồi bệt xuống bên một gốc cây rồi bày hộp đồ nghề ra.

Khoảng 20 phút sau em trở lại với đôi giày bóng lưỡng trên tay. Nhìn thấy hình ảnh đó của em, tôi hồi tưởng về tuổi thơ của mình khi cha đang còn lây lất trong trại tù cải tạo ở miền rừng núi xa xôi.

Tôi kéo một chiếc ghế bên cạnh vào gần tôi hơn và biểu em ngồi xuống.

– Chắc con đói lắm phải không? Chú gọi chút gì cho con nhé?

Em chưa kịp trả lời thì từ phía trong có một người đàn ông tiến lại bàn tôi và từ tốn.

– Anh không nên làm vậy, vì một lát nữa sẽ có khoảng chục đứa đến làm phiền anh đó. Vả lại nội quy của quán không để những đứa trẻ này vào làm phiền khách. Rất mong anh thông cảm.

– Tôi nói nhỏ với người đàn ông là không sao đâu anh, có gì tôi chịu trách nhiệm cho.

Người đàn ông nài nỉ:

– Dạ không được anh ạ…! Nội quy của quán là:

– Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nhưng trường hợp này mong anh thông cảm nhé…!

Tôi cười buồn và rút tiền trả cho phần ăn của mình. Xong quay qua đứa bé tôi nói:

– Con theo Chú.

Đứa bé lẳng lặng đi theo tôi.

– Chú cháu mình kiếm chỗ khác ngồi vậy con.

Đứa bé trả lời:

– Dạ thưa Chú con không dám. Con sợ…

– Con đừng sợ, chút xíu chú trả tiền công đôi giày cho con. Nhưng chú muốn con ăn một bụng no đã trước khi chú cháu mình chia tay.

– Dạ, đứa bé trả lời.

Chúng tôi tạt vào một quán ăn khác cũng nằm trên cùng một con đường và gọi vài món cho đứa bé.

Cháu bé vừa nhìn tôi vừa rụt rè hỏi.

-Có phải Chú là Việt Kiều không Chú?

– Không! Tôi trả lời.

– Chú không phải là Việt Kiều. Chú ở ngoài Huế mới vô thăm Sài Gòn. Tôi nói láo ngon ơ.

– Đứa bé nhìn tôi trìu mến, có vẻ không tin nhưng vẫn im lặng cắm cúi ăn.

Một lát sau đứa bé nói:

-Chắc Chú nói đùa với con thôi, con nghĩ chú là Việt Kiều bởi chú có mùi thơm thơm sao ấy. Với lại chú nhìn khác lắm. Vì người ở đây hiếm có ai đối xử với con như chú lắm .

Tôi cười nhẹ rồi vỗ vai đứa bé và nói:

– Dù Chú ở bất cứ nơi đâu nhưng chú đang nói tiếng Việt với con là được rồi. Chú thấy con tội tội giống Chú hồi còn nhỏ nên chú thương.

– Dạ.

Sau khi đứa bé ăn một bụng no nê, tôi thọc tay vào túi lấy một ít tiền Việt Nam mà tôi vừa đổi từ tiền Mỹ hồi nãy ở phi trường rồi trao vào tay đứa bé.

– Con cầm tiền này rồi về nhà tắm rửa sạch sẽ và Nghỉ ngơi một ngày đi con.

Nói xong, tôi thấy trên đôi mắt tuổi thơ ấy hai hàng nước mắt tuôn chảy đầm đìa xuống đôi gò má gầy gò.

Nhìn đi chỗ khác, tôi bóp mạnh bên vai đứa bé rồi nói nhỏ:

– Chú có việc phải đi đây, con nhớ bảo trọng nhé.

– Nói rồi, tôi đứng dậy và đi ngay.

Ngồi trên taxi, tôi cảm thấy lòng mình chùn xuống với nỗi buồn man mác khi nghĩ ngợi miên man rất nhiều về quê hương đất nước của tôi. Bàn tay nhỏ bé của mình như là một hạt cát bé tí tẹo trong lòng đại dương.

Phố núi Ventana Hills Clovis California April 3/2024.

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button