Thương Người Như Thể Thương Thân
Lời tác giả
Mấy hôm trước tôi có đăng trên trang nhịp cầu Huế câu chuyện: THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN.
Hôm nay tôi cũng xin đăng thêm một câu chuyện khác và câu chuyện này cũng có cùng một tiêu đề là: THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN. Hai câu chuyện ở hai thời điểm khác nhau trong vòng 23 năm khi tôi có dịp trở lại Việt Nam lần thứ hai. Rất mong các bạn đọc chuyện vui vẻ.
Vào những ngày cuối năm 2022, theo lời mời của mấy người em con Cô, tôi được vợ “tin tưởng cấp giấy phép” đáp chuyến bay cuối cùng về đến phi trường Đà Nẵng đúng vào giờ mọi nhà thắp hương cúng giao thừa.
Chuyến trở về thăm lại quê hương lần này tính ra cũng ngót nghét gần 23 năm kể từ năm 2000.
Một buổi Chiều, sau những ngày được hưởng không khí Tết bên cạnh bà con thân thuộc ở Huế, tôi đơn độc rảo bước lang thang qua nhiều góc phố trên những con đường thân quen ngày nào ở trung tâm Sài Gòn, để mong tìm lại chút kỷ niệm xưa. Cảm xúc bùi ngùi khó tả sau gần 35 năm gia đình tôi được đi định cư theo diện tị nạn.
Ngần ấy năm, quãng thời gian khá dài cho một đời người. Tôi cảm nhận niềm phấn khích trong lòng khi được nhìn lại quê hương, đất nước của tôi đang chuyển mình tiến bước theo đà phát triển chung của cộng đồng quốc tế. Nhưng những đổi thay cho thấy sự khác biệt khá xa giữa những người giàu, kẻ nghèo. Phút giây không khỏi chạnh lòng bởi những hình ảnh vui buồn mãi hiện ra trước mắt trên mỗi bước chân tôi đi.
Sau bao năm dài xa cách, từ khi tôi theo Ba Mẹ xa rời quê hương. Suốt mấy mươi năm qua trên xứ người, chúng tôi luôn tất bật bởi chuyện học hành và những lo toan cho đời sống kinh tế đầy bận rộn. Giờ đây, tạm thảnh thơi đôi chút để có thể trở về thăm lại quê hương thân yêu và hy vọng sẽ thường xuyên hơn. Quen với cuộc sống đầy năng động, làm việc quần quật như một cổ máy. Lúc nào cũng phải chạy đua nước rút với chiếc đồng hồ trên tay. Hôm nay thong thả lang thang cùng khắp, tôi có cảm tưởng một ngày ở quê hương dài như 2-3 ngày ở Mỹ.
Vẫn những con đường quen thuộc năm xưa, vẫn những dãy phố ngày nào. Những căn nhà hình dạng như những chiếc hộp cao lênh khênh bên cạnh những ngôi biệt thự kiểu cọ, màu mè đã làm thay đổi bộ mặt đến ngộp thở so sánh với mấy mươi năm về trước.
Sự đổi thay càng đậm nét hơn khi nhìn thấy một biển người với dòng xe cộ đủ các loại mới, cũ lưu thông qua lại chằng chịt trên đường, không theo một quy cách an toàn nào cả. Tiếng còi xe đinh tai nhức óc mà mọi người vẫn mạnh ai nấy đi không màng gì đến nhau. Phớt tỉnh “Ăng Lê” như người Việt Nam.
Dọc theo hai bên lề trên những phiến đá lót đường còn rất mới, nhưng nhiều tấm đã bong tróc, khơi ra những lỗ hổng to tướng. Đôi chân rảo bước mà tâm hồn xao xuyến chơi vơi đến lạ thường. Mỗi bước tôi đi lại thêm những hình ảnh của quá khứ lại hiện về khiến lòng không khỏi ngậm ngùi xúc động. Dĩ vãng năm xưa trộn lẫn với phút giây hiện tại nhạt nhoà trong mắt tôi.
Chiếc xe bánh mì của Dì Tư dưới gốc Phượng già kia mới ngày nào nay không còn ở đó nữa. Thay vào đó là những tấm bảng quảng cáo làm mình không khỏi hoa mắt, nhà hàng này, dịch vụ kia, bên cạnh hình ảnh của những cô gái nói cười đầy gợi cảm.
Đến đầu một ngã tư người người tấp nập, chen chúc nhau. Tôi ghé vào một quán cà phê bình dân bên đường. Ngày xưa, nơi đây là quán phở bình dân của Dì Út Thuyên mà với tôi nó quá thân thiết, bởi đã nuôi sống tôi suốt cả quãng đời đi học.
Ngày ấy, tôi khờ khạo say mê người con gái lớn của Dì Út bởi vóc dáng mảnh khảnh cùng nụ cười “rụng tim”trên môi. Vì biết mình là một sinh viên nghèo, tôi luôn an phận không dám đèo bòng, chỉ biết thầm thương trộm nhớ nét mặn mà dễ thương trên khuôn mặt cô ấy. Đã mấy mươi năm trời trôi qua, không biết giờ đây cô ấy lưu lạc phương nào? Chồng con ra sao? Gia đình có hạnh phúc không?
– Cô có biết rằng: Hôm nay tôi trở về đây mà lòng vẫn còn đong đầy cảm xúc khi đã tìm lại được chút hoài niệm năm xưa. Nỗi ray rứt khôn nguôi khi nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì ấn tượng nhất mà cô đã để lại lòng tôi suốt trên 35 năm qua.
Ở nơi góc phố ồn ào, tấp nập người người qua lại kia, tôi chọn một chiếc bàn nhỏ xíu ngoài mái hiên sát bên cây cổ thụ toả bóng mát. Những giọt cà phê mát lạnh mà tôi biết chắc ít nhất cũng vài chục phần trăm được làm từ bắp hoặc đậu đen rang cháy. Nhưng dù sao đi nữa nó cũng giúp cổ họng tôi đỡ khát khô hơn.
Vẫn xe cộ chen chúc nhau ngược xuôi tấp nập, vẫn bụi bặm mịt mù. Tôi có cảm tưởng không ít người nơi đây hình như đã chết lặng và vô cảm từ lâu lắm rồi.
Bỗng bầu trời đổi sắc, tối sầm lại đến bất ngờ. Một cơn giông kéo đến, rồi cơn mưa bất chợt, những hạt mưa nặng hạt vội trút xuống làm mọi người tản mác. Phản ứng tự nhiên, tôi vội nhích chiếc ghế lùi sâu vào mái hiên để tránh mưa.
Đang thả hồn bên ly cà phê và nhìn những hạt mưa tí tách trên nhánh lá. Tôi bỗng bắt gặp một bé gái dáng người nhỏ thó đang ngồi co ro ở một góc nơi căn nhà đối diện. Với chiếc nón vải úp trên đầu, gương mặt lem luốc, quần áo rộng thùng thình, lệch qua một bên lộ rõ đôi vai trần khẳng khiu. Trên tay đang cầm một xấp vé số vẫn còn dày.
Vài giây xúc động trước hình ảnh ấy, tôi lặng người đi vì thương xót. Chút ngậm ngùi nghĩ đến thân phận mình ngày xưa… khi trong nhà thiếu vắng người cha.
Bồi hồi nhớ lại Sài Gòn của những ngày mưa năm cũ. Những cơn mưa mùa hè “ Sài Gòn” mang cho tôi đầy ắp kỷ niệm. Hàng triệu chiếc bong bóng đuổi nhau chạy dài trên hè phố, trên mặt đường. Với chiếc xe đạp chắp vá ” cà rịch cà tàng ”đưa tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở nơi thành phố đô hội này. Bởi bản tánh tò mò thích khám phá của tuổi mới lớn. Những cơn mưa năm nào vẫn mãi ướt đẫm đời tôi.
Đột nhiên cảnh vật ngoài kia như nhoà đi trong mắt tôi. Hình ảnh cô bé như hiện thân của mình vào những ngày xưa cũ. Tôi là người luôn sống hướng đến tương lai, nhưng không thể quên quá khứ. Quá khứ càng buồn thảm, tăm tối bao nhiêu thì lại càng hun đúc ý chí mãnh liệt, nghị lực sống trong tôi bấy nhiêu.
Cơn mưa vừa dứt, tôi dõi mắt nhìn sang bên kia đường nơi có bóng dáng của một cô bé “ vé số “vừa đứng lên thất thểu đi về hướng cuối đường. Lòng tôi quặn đau, buồn thương cho một số phận, cô bé lững thững mỗi lúc một xa hơn. Hình ảnh cô bé làm tôi nhớ lại chuyến về Việt Nam lo việc cho gia đình bên vợ năm 2000. Lúc ấy tôi cũng gặp một bé trai làm nghề đánh giày.
Nhìn quanh, phần lớn Việt Kiều khi trở về thăm quê hương, họ luôn dành trọn thời gian cho việc vui chơi, hưởng thụ. Cớ sao mình lại không làm giống những điều như họ, để ít ra cũng thỏa mãn tấm thân cho bỏ ghét sau những năm tháng làm lụng vất vả nơi xứ người. Cớ sao mình lại có những suy nghĩ và việc làm chẳng giống ai…?
Tôi đặt một ít tiền lên bàn để trả cho ly cà phê, rồi vội vàng đứng lên chạy băng qua đường. Đến bên đứa bé, nhìn thân người nhỏ nhắn ướt đẫm nước mưa mà lòng cảm thấy xót xa vô hạn.
-Chào con…! Từ nãy giờ chú thấy con ngồi co ro trong góc kia. Chú muốn gọi con bước sang quán bên kia đường nơi chú ngồi mà mưa lớn quá.
– Con có khỏe không? Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi hả con?
– Dạ thưa chú con 10 tuổi.
Tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ thầm.. Trông tấm thân gầy guộc ni chừng 6-7 tuổi là cùng.
– Sáng giờ bán được bao nhiêu vé rồi con?
– Dạ thưa chú! Con mới bán được khoảng chừng mười mấy vé ạ!
– Con đếm lại xem còn bao nhiêu vé…?
Cô bé vội đưa tay lên môi thấm nước miếng và một lát sau em nói:
– Dạ thưa chú con còn cả mấy trăm vé chưa bán được chú ạ!
– Mà chú muốn mua mấy vé?
– Một vé bao nhiêu hở con?
– Dạ …$ một vé thưa chú!
Vì xa quê hương đã lâu, nên tôi không còn biết giá cả sinh hoạt trong nước. Tôi ngẩng mặt lên trời bâng khuâng nhẩm tính. Đưa tay vào túi, tôi lôi một ít tiền Việt Nam mà tôi vừa đổi ở một tiệm vàng trước đó rồi nói:
– Để chú mua hết cho con.
Tôi thấy em bước lùi lại vài bước để giữ khoảng cách, rồi đưa cả hai tay giữ chặt xấp vé số như đang sợ điều gì…!
– Con không có giỡn à nghen chú! Làm ơn đừng có phá… để con đi bán nghen chú!
Tôi cười buồn rồi nói:
– Chú đang nghĩ không biết với số tiền chú có đủ để mua giúp con chừng ấy vé số không?
Tôi thấy đôi mắt cô bé tròn xoe có vẻ ngạc nhiên.
Ngập ngừng vài giây rồi cô bé hỏi tôi:
– Chú không biết đếm tiền hả chú? Hồi đó chú có đi học không chú? Chú học hết lớp ba trường làng chưa chú?
– Tôi cười bẽn lẽn vì thấy ở em toát ra sự lương thiện, dại khờ…
Em khẽ nghiêng đầu muốn nhìn tôi rõ hơn từ đầu đến chân rồi hỏi:
– Hình như chú không phải là người ở đây có phải không chú?
Tôi hơi đỏ mặt một chút rồi thú nhận:
– Chú ở bên Campuchia mới về thăm quê hương con à! Tôi nói láo ngon ơ.
Cô bé cười thành tiếng.
– Chú à…! Việt kiều Campuchia đâu có giống dzậy… họ còn thảm hơn con nữa chú à!
– Con thấy chú cũng bình dân, có phải chú là công nhân nhà máy may mặc? Nhưng sao con thấy phong cách chú thân thiện như mấy người…
Tôi vỗ vai đứa bé cười lã chã
– Thôi, con coi giùm chú ở đây có đủ mua hết xấp vé của con không?
Nói rồi tôi trao trọn số tiền cho con bé. Tôi thấy nó im lặng cúi đầu rồi đưa tay lên thấm nước miếng.
Một lúc sau, trên khuôn mặt tuổi thơ ấy hai hàng nước mắt chảy xuôi xuống đôi gò má xanh xao rồi nói trong xúc động:
– Với số tiền này con thấy quá nhiều rồi đó chú. Ngoài sức tưởng tượng của con. Để con đếm lại lần nữa rồi trả lại chú nhé!
– Thôi con à! Con cứ giữ hết đi. Nếu còn dư chú cho con đó. Cô bé lại một lần nữa đưa vạt áo lên thấm nước mắt, rồi bước đến ôm tôi cứng ngắt.
Tôi cảm nhận được niềm vui sướng vô biên trong đôi mắt ngây thơ ấy. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời nghỉ học đi bán vé số để nuôi mẹ và các em của nó. Nó đã gặp một người mà trong mơ cũng chưa từng nghĩ đến. Dốc hết tấm lòng thành thể hiện một cử chỉ đẹp và lễ phép, em cúi gập người để tỏ lòng biết ơn.
Con bé rối rít nói lời cảm ơn rồi quay đi như chạy. Có lẽ nó sợ tôi đổi ý.
Khi con bé vừa đi được một đoạn, tôi bỗng gọi giật nó lại.
– Này con…
Tôi thấy hình như hai tay của nó nắm chặt số tiền bỏ vào túi như sợ điều gì rồi hỏi:
– Chú đổi ý hả chú ?
– Không? Tôi trả lời.
-Vậy chú muốn gì nào?
-Chú cho con luôn cả xấp vé số này.
-Chú đừng có giỡn tội con mà chú…!
Tôi cầm xấp vé giúi vào lòng bàn tay nhỏ bé của nó rồi nói:
– Chú cho con đó, đi về đi. Về nhà tắm rửa nghỉ ngơi một bữa đi con và đừng quên dò vé coi có trúng độc đắc không nha con!
Nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh vừa đi như chạy vừa kéo tay áo lên thấm nước mắt, nó làm tôi cũng không cầm nổi cảm xúc đang dâng trào.
Hôm nay khi ngồi viết lại những dòng này, tôi cảm thấy lòng mình như ấm hơn vì đã làm được một việc nhỏ nhoi nhưng đầy tình yêu thương đối với những hoàn cảnh đáng thương bất hạnh của cuộc đời.
Số tôi, hay thương và giúp đỡ người. Nhưng thường thì tôi được trả ơn ngược lại. Ngay chính người trong gia đình, tôi sẵn sàng trao cả một phần tài sản lớn trong chuyện làm ăn của mình vào tay họ, với mong muốn giúp họ thoát ra khỏi những khó khăn về tài chính. Nhưng rồi tôi được gì…? Hay bằng cả sự vô ơn. Thiết nghĩ, chắc kiếp trước tôi đã thiếu nợ họ quá nhiều. Nên bây giờ phải trả lại.
Đêm nay, tôi bước đi lang thang dưới ánh đèn đường vàng vọt, soi rõ chiếc bóng của mình chập chờn ngả nghiêng trên hè phố. Một cơn gió nhẹ từ hướng bờ sông Bạch Đằng thổi đến mang theo luồng mát lạnh của hơi nước. Nên trong lòng cảm thấy lâng lâng như kẻ say rượu. Vẫn xe cộ ngược xuôi tấp nập, vẫn bụi bặm mịt mù.
Bâng khuâng tự hỏi, chỉ còn vài hôm nữa mình lại phải xa rời mảnh đất này và không biết mình có còn gặp những mảnh đời tương tự nào nữa hay không vào những ngày sắp đến. Càng nghĩ… tâm tôi chùn xuống, chạnh lòng về quê hương đất nước của tôi.
Phố núi Ventana Hills Clovis California April 5/2024
<Quang Anh Pham>