Tìm hiểu 13 vị vua Triều Nguyễn (Kỳ II) – Vua Gia Long
Vua Gia Long là vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn. Ông góp công rất lớn trong công cuộc thống nhất, mở mang bờ cõi đất nước.
– Vua Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi là Nguyễn Ánh. Ông sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762. Gia Long là một nhà chính trị, quân sự tài giỏi và là người sáng lập triều Nguyễn.
– Nguyễn Ánh là người con thứ ba của cha Nguyễn Phúc Luân và mẹ Nguyễn Thị Hoàng. Ông cũng là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
– Nguyễn Ánh sinh ra khi đất nước đang bị chia làm hai miền. Từ sông Gianh ra Bắc dưới sự cai quản của chúa Trịnh và từ sông Gianh vào Nam dưới sự cai trị của chúa Nguyễn.
– Ông lên ngôi vua vào ngày 1/2/1802, đóng đô ở Phú Xuân, Huế. Lấy niên hiệu là Gia Long.
– Tháng 11/1818, vua Gia Long lâm trọng bệnh. Ông truyền lại giang sơn cho Thái từ Nguyễn Phúc Đảm. Bác sĩ Treillard đã điều trị bệnh cho Gia Long suốt 4 tháng và rời đi trên tàu buôn Pháp vào ngày 2/11/1819. Sau đó 5 tháng, sức khỏe của vua Gia Long ngày càng suy yếu. Đến ngày 19/12/1820, vua Gia Long qua đời ở tuổi 59 sau 18 năm lên ngôi vua. Miếu hiệu là Thế Tổ.
Sau khi mất, vua Gia Long được chôn cất tại Lăng Thiên Thọ (còn gọi là Lăng Gia Long), nằm trên núi Thiên Thọ tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
📖 Công cuộc khai lập triều Nguyễn và chính sách cai trị của vua Gia Long
Khi Nguyễn Ánh lên 9 (tức năm 1771), anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem binh Tây Sơn đi chống chúa Nguyễn. Năm ông 13 tuổi (tức năm 1775), chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn và quân Lê – Trịnh đánh kẹp từ hai mặt. Nguyễn Ánh theo đó chạy vào Quảng Nam vào vào Gia Định.
Đến năm 1776, dù còn nhỏ tuổi những Nguyễn Ánh được giao cho chức Chưởng sứ coi binh Tả Dực và cho phép dự họp bàn việc quân.
Năm 1777, Nguyễn Ánh đi cùng với Nguyễn Phúc Dương xem bị quân Tây Sơn bắt giết. Nhưng được một đứa bé con nhà kép hát che giấu nên thoát được một mạng.
Năm 1778, Nguyễn Ánh được tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính.
Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương lấy niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bửu làm ấn truyền quốc.
Năm 1781, Nguyễn Ánh cùng Tống Phúc Thiêm lập mưu giả bệnh, cho truyền Thanh Nhơn vào và giết chết.
Năm 1782, Nguyễn Nhạc cùng em trai Nguyễn Huệ mang quân Nam tiến. Nguyễn Ánh chỉ huy đội quân Nguyễn đụng độ với quân Tây Sơn ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh thất trận phải rút quân về Ba Giồng, rồi trốn sang Chân Lạp.
Năm 1783, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ đánh tiến Gia Định. Mặc dù Nguyễn Ánh đã phòng phủ từ trước nhưng vẫn bị quân Tây Sơn đánh phá.
Năm 1784, Nguyễn Phúc Cảnh, giám mục Bá Đa lộc cùng phái đoàn đem thư của Nguyễn Ánh sang Pondichéry ở Ấn Độ (thuộc Pháp thời bấy giờ). Còn Nguyễn Ánh dẫn mẹ và vợ sang Long Kì.
Năm 1785, quân Tây Sơn đuổi đánh tới đảo Thổ Châu buộc Nguyễn Ánh phải chạy sang đảo Cổ Cốt.
Năm 1787, Nguyễn Ánh cùng gia quyến nhân lúc nửa đêm đã lên thuyền bỏ về Hòn Tre. Sau đó, ông đi sang đảo Cổ Cốt rồi đưa mẹ cùng vợ con sang đảo Phú Quốc. Tiếp tục, Nguyễn Ánh đánh chiếm đất Long Xuyên.
Đến năm 1792, quân Tây Sơn suy yếu do cái chết đột ngột của vua Quang Trung. Đến năm 1802, Nguyễn Ánh tiến đánh nhà Tây Sơn và giành chiến thắng, lên ngôi hoàng đế. Đây cũng là thời điểm ông thống nhất đất nước và kết thúc nhiều năm nội chiến ở Việt Nam.
Ngày 1/2/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đóng đô ở Phú Xuân, Huế. Lấy niên hiệu là Gia Long và chính thức lập vương triều nhà Nguyễn. Đến tháng 3/1804, vua Gia Long đổi tên nước thành Việt Nam. Tuy nhiên, sau này các vị vua đời kế tiếp của nhà Nguyễn đã đổi lại tên nước thêm vài lần trước khi chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam đến hiện tại.
📖 Thực hiện chính sách cai trị
Gia Long là vị vua đầu tiên khi đất nước thống nhất sau mấy thế kỷ chia cắt. Vì vậy, ông hiểu rõ những mâu thuẫn có thể dẫn đến việc đất nước bị chia cắt một lần nữa. Do đó, ông đã thực hiện các chính sách xây dựng chính quyền tập quyền trung ương. Ông cũng cai trị và cải cách giáo dục nghiêm khắc theo phong cách Nho giáo chính thống.
Về bộ máy tổ chức chính quyền, vua Gia Long không đặt chức Tể tướng để tránh lộng quyền. Đồng thời, triều đình chỉ có 6 bộ Lại – Công – Lễ – Hộ – Binh – Hình do Thượng Thư đứng đầu và có tả hữu Thị lang giúp việc.
Khi chọn kinh đô, lúc đầu ông định chọn vùng trấn Nghệ An để dời đô ngoài Thăng Long vào. Tuy nhiên, một viên quan trong triều đã can gián nên ông chọn vùng đất Phú Xuân, Huế đóng đô.
Về hành chính, ông chia Việt Nam thành 2 tổng trấn là Bắc Hà và Nam Hà, 2 vùng miền Trung Kỳ và Kinh Kỳ. Cả nước gồm 23 trấn và 4 doanh.
Ngoài ra, vua Gia Long cũng tiếp tục thực hiện các động thái xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Ông cho các hải đội ra khai thác và cắm cờ trên quần đảo này vào năm 1816 sau khi vua Lê Thánh Tông khám phá vào thế kỷ XV.
Về đối ngoại, vua Gia Long vừa ủng hộ và giữ lễ thần phục của nhà Thanh vừa dùng quân sự bắt các nước Chân Lạp và Ai Lao phải thuần phục. Đối với phương Tây, ông cũng từ chối mở cửa buôn bán với Anh, đồng thời khước từ mọi yêu sách của Pháp.
Về học tập và thi cử, vua Gia Long đã cho đúc Cửu vị thần công, xây dựng Quốc Tử Giám ở Huế vào năm 1803. Năm 1807, vua cho mở khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn.
Đặc biệt, vào năm 1805, vua Gia Long đã cho xây dựng Kinh thành Huế theo kết hợp kiến trúc xây phòng thành của Việt Nam và Pháp. Đến nay vẫn còn tồn tại.
📖 Gia đình và vợ con vua Gia Long
Cha của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân, là một Vương tử ở Đàng Trong. Sau khi được di chiếu sẽ lên ngôi Chúa Nguyễn ở Đàng trong nhưng không thành, ông bị Trương Phúc Loan sát hại.
Mẹ vua Gia Long là bà Nguyễn Thị Hoàn, là chính thất phu nhân của Nguyễn Phúc Luân. Sau khi Gia Long lên ngôi vua, bà đã trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn. Bà có vai trò rất quan trọng trong việc động viên vua Gia Long gây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn thống nhất giang sơn.
Người vợ đầu tiên của vua Gia Long là Tống Thị Lan, quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa, sinh năm 1762. Năm 1774, Tống Thị Lan theo cha vào Gia Định. Nguyễn Ánh động lòng trước sắc đẹp, tính thận trọng và lễ phép của bà và đặc biệt sủng ái.
Năm 1788, Nguyễn Ánh đánh chiếm Gia Định và cho người đến Phú Quốc đón Thị Lan. Đến năm 1806, ông lập bà làm Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Tống Thị Lan sinh được hai hoàng tử là Nguyễn Phúc Chiêu và Nguyễn Phúc Cảnh (sau được phong làm Đông Cung Thái tử).
Người vợ khác của vua Gia Long là Trần Thị Đang, cũng chính là mẹ của hoàng tử Phúc Đảm. Bà là con gái Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt. Năm 14 tuổi, Trần Thị Đang được Nguyễn Ánh phong làm Tả cung tần, hay còn gọi là Nhị Phi.
Trần Thị Đang có với vua Gia Long 3 người con là Phúc Đảm (vua Minh Mạng), Phúc Đại và Phúc Chuẩn. Sau khi vua Gia Long mất, bà còn sống đến đời cháu nội là vua Thiệu Trị.
Ngoài hai người vợ chính, vua Gia Long còn có rất nhiều người vợ khác. Ông tổng cộng có 13 hoàng tử và 18 công chúa.
Con cả của người vợ đầu là Chiêu mất sớm. Con thứ hai là hoàng tử Cảnh từng sang Pháp cầu viện cùng Bá Đa Lộc. Sau về nước được phong làm Thái Tử nhưng đến năm 1801 cũng mất vì bệnh đậu mùa.
Con của vợ thứ hai (Thuận Thiên Cao hoàng hậu) là Nguyễn Phúc Đảm về sau được tấn phong làm Hoàng thái tử. Về sau cũng chính là vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn.
Đến hiện nay, cuộc đời và sự nghiệp của vua Gia Long vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta không thể không công nhận những công trạng của ông trong việc thống nhất và mở mang bờ cõi đất nước sau nhiều thế kỷ nội chiến.
– Cùng Nhịp Cầu Huế tiếp tục tìm hiểu thêm về các Vị Vua khác ở kỳ sau nhé –
BAN QUẢN TRỊ/Tổng hợp từ nhiều nguồn sách
– Trân trọng biết ơn –
Ảnh sưu tầm trên mạng