Danh lam thắng cảnh

Tìm Hiểu Cảnh Đẹp Thứ 16 Của Cố Đô

qua bài thơ ĐỆ THẬP LỤC CẢNH - Hải nhi quan ngư -

ĐỆ THẬP LỤC CẢNH
– Hải nhi quan ngư –
第十六景-海兒觀魚
của Vua Thiệu Trị

Qua bài thơ “Hải nhi quan ngư” của Vua Thiệu Trị, quý vị @everyone hãy cùng Nhịp Cầu Huế tìm hiểu thêm về cảnh đẹp của Phá Hà Trung trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Lời thơ xưa, Vua Thiệu Trị viết:

“Nhất hoằng thiểu hải ấn tình không,
Ảnh thuỷ ngư điền bố hỗ tùng.
Túng hác chi nhi chư huyệt quật,
Mãn giang du vịnh tận lao lung.
Vong cơ âu lộ phi thân ngoại,
Khuy tí ngư hà nhập thủ trung.
Phong nguyệt hồ thiên tô tức lạc,
Tứ dân an toại uý dư trung”.

Bản dịch sau sẽ giúp chúng ta hiểu thêm ý thơ xưa:

“Biển nhỏ một vùng lộng sắc trời,
Sáo the vây cá, lắng dòng soi.
Hốc hang một lũ tung tăng quẫy,
Lồng bẫy từng đàn vùng vẫy bơi.
Âu lộ bay ngoài lòng chẳng bận,
Cá tôm mắc lưới ý nào vui.
Tâm hồn rộng mở cùng trăng gió,
An lạc muôn dân dạ thảnh thơi”.

Có lẽ hiếm nơi nào ở Việt Nam có địa hình độc đáo như Huế. Một dải đầm phá mênh mông nằm ở cuối chân đồng bằng, hình dáng tựa như chiếc gáy lược khổng lồ. Đây là nơi tụ hội và hoà nhập của các dòng sông trước khi đổ ra biển. Phá Hà Trung là một trong các đầm lớn nằm trong dải đầm phá ấy. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phá Hà Trung trước thuộc huyện Phú Vang, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) mới được đổi về địa phận huyện Phú Lộc. Xét về vị trí, phá Hà Trung nằm ở phía đông bắc huyện này. Nước phá do các nguồn sông Lợi Nông, Sư Lỗ và Cao Đôi tụ lại, rộng hơn hai dặm (khoảng hơn 1km). Phá gồm có hai đầm là Hà Trung và Minh Lương. Nước phá, một đường chảy về phía đông nam ra cửa Tư Hiền, một đường chảy về phía đông bắc ra cửa Thuận An.

Trước đó, trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã mô tả về phá như sau: Huyện Phú Vang, trên thì núi, giữa thì đầm phá, dưới thì biển. Phá Hà Trung rộng lớn không thấy bờ, không biết là bao nhiêu mẫu, khoảnh. Dân cư ở vòng quanh bốn bề. Xã Diêm Trường ở giữa phá. Một bên là cầu thông sang bờ sông Nghi, dài đến 110 nhịp. Bờ phá, những chỗ lõm vào đều thành đầm. Ở đây có các đầm Minh Lương, Ô Trà và Đa Đả. Mỗi năm vùng này nộp thuế đến nghìn quan. Như vậy từ xa xưa, vùng quanh phá Hà Trung đã rất trù phú, phong quang. Đất giàu, cảnh đẹp, đặc biệt bên bờ phá lại có núi Linh Thái, núi Thuý Vân nổi tiếng, nên phá Hà Trung là nơi các vua chúa Nguyễn thường dong thuyền về chơi, các tao nhân mặc khách cũng hay tụ hội về đây thưởng cảnh làm thơ. Ngoài tính chất miêu tả phong cảnh, bài này còn thể hiện tấm lòng của nhà vua trước niềm vui bội thu của ngư dân.

Nói đến Huế, ngoài những di sản thuộc về triều đình nhà Nguyễn, còn rất nhiều điểm đến thiên nhiên có vẻ đẹp bất tận. Sóng nước vùng đầm phá Tam Giang là một nơi như thế, khiến bao người phải thốt lên:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.”

Cái tên “phá Tam Giang” thường gợi mở cả một vùng sông nước mênh mang cùng bao điều kì thú. Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ thấy được một bức tranh hữu tình thủy mặc với vẻ đẹp say đắm lòng người.

Tôi không thể nào quên được cảm giác “bềnh bồng cho đến mai sau” khi đi đò trên sông nước ban đêm và đón bình minh trên Phá Tam Giang. Sau đó ghé thăm tháp Chăm Phú Diên, chùa Thánh Diên – chiêm ngưỡng trời mây sóng nước “Hà Trung hải nhi”, cảnh đẹp được Vua Thiệu Trị xếp hàng thứ 16 của đất Thần Kinh.
Rất hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ có dịp về làng Hà Trung, bước thật chậm trên con đường làng có “biển một bên và “phá” một bên”, để cảm nhận thật sâu câu thơ trong “Hải nhi quan ngư” của vua Thiệu Trị:

“Biển nhỏ một vùng lộng sắc trời
Sáo the vây cá lắng dòng soi
Tâm hồn rộng mở cùng trăng gió
An lạc muôn dân dạ thảnh thơi”

Giờ phút này, tôi chợt nhớ lời thơ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy khắc khoải:

“Rồi một ngày trắng tóc
Nhưng lòng anh vẫn khôn nguôi
Thời gian sao mà xuẩn ngốc
– Mới thôi, đã một đời người”

“Mới thôi” … tôi đã xa Huế gần 30 năm … và đã đi qua hơn nửa đời người …
———————-

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button