Qua bài thơ Ngự Chế VĨNH THIỆU PHƯƠNG VĂN của Vua Thiệu Trị
Bất kỳ một ai, khi đã đặt chân đến xứ Huế thì chắc hẳn đều có cảm nhận sâu sắc về một thành phố vườn đầy thơ mộng và lãng mạn với sông Hương, núi Ngự và rất nhiều khu vườn cổ kính rợp mát bốn mùa.
Từ khi các chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp cho đến thời kỳ các vua Nguyễn sau này, các “kiến trúc sư” thời xưa đã đưa nghệ thuật kiến trúc cung đình với các kiểu kiến trúc thành quách, lăng tẩm, cung điện, đền miếu… lồng ghép một cách tinh tế, hài hòa vào trong cảnh sắc nên thơ, hữu tình của xứ Huế càng làm cho mảnh đất Cố đô thêm phần cổ kính và quyến rũ.
Một trong bốn vườn ngự đẹp nhất ở xứ Thần Kinh phải nhắc đến “Vườn Thiệu Phương”. Vườn Ngự này được vua Thiệu Trị bình chọn là cảnh đẹp thứ 2 trong 20 thắng cảnh đẹp nhất của đất thần kinh – “Thần Kinh đệ nhị cảnh” –
Đất thần kinh với kiểu kiến trúc “vạn tự hồi lang” đặc sắc được hình thành vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế hồi bấy giờ. Tuy nhiên, do những nguyên nhân lịch sử, khu vườn này đã bị triệt giải từ đầu thời vua Ðồng Khánh (1886-1889) và để trong tình trạng hoang phế mãi đến ngày nay.
Nay Nhịp Cầu Huế xin được phép tổng hợp và gửi đến @everyone đôi nét về vườn Thiệu Phương.
1️⃣Thiệu Phương viên là một trong 4 Ngự uyển trong Hoàng thành, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, ở phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Ðường; Phía bắc-qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; Phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành.
Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang”, tức có hồi lang hình chữ VẠN nằm ở trung tâm chạy ra 4 phía. Tại 4 góc của hồi lang này có 4 công trình kiến trúc nhỏ, gồm 2 đường và 2 hiên. Nhà ở góc tây nam gọi là Di Nhiên Ðường, quay mặt về hướng nam, bên phải của nhà này là cửa Di Nhiên, xây mặt hướng đông. Hiên ở góc đông nam gọi là Vĩnh Phương Hiên, mặt quay về hướng đông, bên tây của hiên này có chiếc hồ nhỏ, gọi là Tiểu Hữu Thiên bên phải hiên là cửa vườn Thiệu Phương, hướng nam. Nhà ở góc đông bắc mang tên Cẩm Xuân Ðường, quay mặt về hướng bắc, trước nhà có cửa phường Cẩm Xuân bên phải nhà là cửa Cẩm Xuân, đều xây về hướng bắc, phía đông Cẩm Xuân Ðường, thuộc về trường lang men theo tường Cung thành có cửa Cấm Uyển, Hiên ở góc tây bắc có tên là Hàm Xuân Hiên, mặt quay về hướng tây.
Trong vườn, ở phía tây của Vạn Tự Hồi Lang (cũng là phía trước điện Hoàng Phúc) có hai lạch nước đều mang tên là Ngự Câu, thông với hồ Ngọc Dịch ở phía bắc bằng đường cống. Trên bờ phía đông của lạch có đắp một hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thúy Sơn.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vườn Thiệu Phương được sửa sang và xây dựng thêm. Ở phía tây Ngự Câu xây điện Hoàng Phúc, 5 gian, 2 chái, mái kiểu trùng thiềm, lợp ngói hoàng lưu li (1). Phía nam điện có ngôi đình bát giác, biển đề Nhân Thanh Bát Biểu phía nam đình lại có ao sen (Liên Trì. Phía bắc điện Hoàng Phúc có ngôi đình vuông (phương đình), có biển đề Minh Ðạt Tứ Thông. Phía bắc của phương đình, gần hồ Ngọc Dịch có một nhà thủy tạ với 3 lớp mái tiếp nhau (có lẽ giống như Dũ Khiêm Tạ tại lăng Tự Ðức) để vua câu cá và hóng mát, có biển đề Lương Ðình Ðiếu Ngư. Ðến năm 1843, ngôi nhà này được làm lại (2) và đổi tên thành Trừng Quang
Tạ phía tây của tạ này là cửa phường của Thanh Hạ Thư Lâu.
Tuy nhiên, từ thời Tự Ðức trở về sau thì ít có tư liệu đề cập đến tình trạng khu vườn này. Ðến thờì Ðồng Khánh thì vườn Thiệu Phương bị triệt giải hoàn toàn.
2️⃣Thơ Ngự chế về vườn Thiệu PhươngCho đến nay chúng tôi đã phát hiện và sưu tầm được hơn 30 bài thơ
Ngự chế của các vua nhà Nguyễn về vườn Thiệu Phương, chủ yếu tại các bộ Minh Mạng ngự chế thi, Thiệu Trị Ngự đề đồ hội thi tập (trong Cung viên thập cảnh, Thần kinh nhị thập cảnh)… Ðáng chú ý nhất có lẽ là bài thơ Vĩnh Thiệu Phương Văn, bởi đây là bài thơ đã được vua Thiệu Trị cho thếp vàng vào một một bức tranh kính (tranh gương) vẽ minh họa cảnh vườn. Bức tranh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Bài VĨNH THIỆU PHƯƠNG VĂN
– Phiên âm:
Khải đồ đãi đãng tử hồng tiên
Tiếp tục phân phương niên phục niên
Lan tháo hà quy lương hữu dĩ,
Cúc trinh mai giác đản kỳ nhiên.
Thảo hoa vật ngoại xuân quang trụ
Ðồ sử đường trung đạo thống truyền.
– Dịch:
HƯƠNG THƠM VƯỜN THIỆU PHƯƠNG
Vườn rộng mênh mông thắm sắc hoa,
Bao năm hương ngát gió đưa xa.
Lan vươn dáng khỏe, sen tròn trịa,
Cúc nép thân thon, mai mặn mà.
Ngoài cảnh cỏ cây xuân nắng gội,
Trong nhà sách vở đạo hòa ca.
Xét suy thời thế nên chăm học,
Thuật tác, thi thư phải trải qua.
3️⃣Từ bài thơ Ngự chế của Vua Thiệu Trị “VĨNH THIỆU PHƯƠNG VĂN”, hãy tìm hiểu thêm về vườn Thiệu Phương:
🌺Về loài hoa: vườn có các loài hoa cúc, hoa lan, hoa mai, hoa sen…
“Lan tháo hà quy lương hữu dĩ,
Cúc trinh mai giác đản kỳ nhiên”.
(Sen tròn,Lan thẳng đâu gì lạ
Cúc thon, Mai uốn thế mà xinh)
🍃Về loài cây thân mộc, cây ăn quả: trong vườn có vải, hồng, mưng, liễu…
Xem thêm các bức tranh mộc bản vẽ cảnh vườn Thiệu Phương của Nội Các triều Nguyễn, chúng ta có thể thấy, các loài cây lớn thường được trồng bên bờ ao, khe nước, gắn liền với các non bộ. Các loài hoa thì phần nhiều được trồng trong chậu, đặt trên các bàn, đôn đá…dọc các lối đi và tại sân trước các công trình. Ðây cũng là cách bài trí truyền thống trong các vườn cảnh Việt Nam.
🕊️Về các loài động vật thì có các loài chim, cá… chúng sống thật tự nhiên và thật hòa hợp với cảnh vườn:
Dưới bóng cây xanh,cá vàng tung tăng lội theo dòng nước xuân.
Thật vui được trôi nổi theo nước tùy thích
(Thiệu Phương Viên tản bộ ngẫu thành tứ tiệt)
Trên đây là một số thông tin chúng tôi tổng hợp từ các nguồn nghiên cứu về vườn Thiệu Phương qua thơ Ngự chế của các vua triều Nguyễn.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, vẫn còn không ít nguồn tư liệu về vườn Thiệu Phương mà chúng ta vẫn chưa được tìm hiểu, khai thác hết. Bởi vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, những thông tin được chia sẻ trong phạm vi bài này mới chỉ mang tính “dẫn liệu” để quý vị tham khảo và các nhà nghiên cứu tiếp tục bàn luận.
————————
– La Hạnh Thảo sưu tầm tư liệu từ tạp chí Sông Hương và các nguồn nghiên cứu #hue